Ngày pháp luật

Hơn 23 triệu người Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030

Thùy Linh

Tầng lớp trung lưu là những gia đình đáp ứng điều kiện chi tiêu từ 11-110 USD/ngày, dự báo đến năm 2030, sẽ có hơn 1 tỷ người châu Á tham gia vào nhóm trung lưu này.

Theo công ty nghiên cứu World Data Lab, hơn 1 tỷ người dân châu Á sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030, trong đó Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người.

Dự báo này được đưa ra từ một nghiên cứu mới với giả thuyết đại dịch sẽ chỉ là sự "khoảng lặng" tạm thời trong sự thay đổi nhân khẩu học lớn của nền kinh tế thế giới. 

Tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11-110 USD/ngày (khoảng 250.000 - 2,5 triệu đồng).

Ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 7 trong số 9 nước có số dân gia nhập tầng lớp trung lưu cao nhất năm 2030. Ảnh: Bloomberg.
Ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 7 trong số 9 nước có số dân gia nhập tầng lớp trung lưu cao nhất năm 2030. Ảnh: Bloomberg.

Hiện Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, bên cạnh đó còn có Indonesia - nước được dự báo sẽ có tầng lớp trung lưu lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 với 75,8 triệu người, vượt qua Nga và Nhật Bản và Bangladesh. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của Philippines với 37,5 triệu người.

Tính trong năm 2021, thế giới có khoảng 3,75 tỷ người thuộc nhóm này. Dự kiến đến năm 2030, với quy mô dân số lớn, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có khoảng 750 triệu người dân gia nhập tầng lớp trung lưu mới. 

Nghiên cứu cho thấy các quốc gia châu Á chiếm hơn một nửa số dân thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này chỉ chiếm 41% chi tiêu tiêu dùng. Dù vậy, tỷ lệ này sẽ được cải thiện và vượt quá 50% vào năm 2032.

Theo World Data Lab dự đoán, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 quốc gia có dân số trung lưu lớn nhất. Trong khi đó, tăng trưởng dân số chậm hoặc âm ở một số nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Italy, Ba Lan sẽ dẫn đến tình trạng thu hẹp tầng lớp trung lưu.