Ngày pháp luật

Hôm nay, 4/11, dự kiến xét xử Bí thư thị xã Bến Cát: 'Một số cán bộ sai phạm dựng chuyện để 'bịt miệng' chồng tôi'

Ngọc Lan

Thu thập hồ sơ sự việc, nhận thấy trước khi bị bắt, ông Khanh đã gửi đơn đến nhiều cơ quan Trung ương tố cáo một số sai phạm tại tỉnh Bình Dương, như sai phạm trong quản lý đất và khai thác khoáng sản ở chiến khu D (Tân Uyên).

Hôm nay, 4/11, dự kiến xét xử Bí thư thị xã Bến Cát: 'Một số cán bộ sai phạm dựng chuyện để 'bịt miệng' chồng tôi' - Ảnh 1
Cơ quan chức năng thông tin về việc khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Hồng Khanh hôm 10/8/2018.

Trước khi bị bắt, ông Khanh tố cáo cấp trên những gì?

Như PLVN đã có bài phản ánh, ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mua tài sản giải chấp tài sản là 18,1ha đất mà cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây).

Việc mua bán chia làm 4 đợt, từ năm 2012 đến năm 2015. Sau nhiều năm mua bán, đến khi cụ Hiệp chết thì tháng 10/2016, ông Nguyễn Hiệp Hòa (con trai cụ Hiệp) có đơn tố cáo mẹ ông “bị o ép phải bán tài sản”.

Sau đó, ông Khanh bị cáo buộc giúp sức cho Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên GĐ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án có dấu hiệu oan sai, hình sự hóa quan hệ dân sự.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh): “Đây là sự việc một số người dựng lên để trả thù cá nhân chồng tôi”. Sự việc bắt nguồn từ thời điểm ông Khanh là Bí thư Bến Cát. Khoảng tháng 9/2015, ông Trương Tấn Dũng từ Trưởng Công an Bến Cát được điều động giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Bến Cát.

Nhiệm kỳ 2016 – 2020, ông Dũng không đủ phiếu tín nhiệm tiếp tục chức danh Chủ tịch UBND. Từ đây, nhiều cuộc thanh tra nhắm vào đầu tư công của Bến Cát, cho rằng lãnh đạo Bến Cát có một số sai sót. 

Sau khi có kết luận một số cuộc thanh tra và ông Dũng không trúng cử (không đủ phiếu tín nhiệm) là Chủ tịch UBND Bến Cát nhiệm kỳ 2016 – 2020, điều này bị cho là trái với Nghị quyết số 211–NQ/TU đã phê duyệt nên cả ông Dũng và ông Khanh đều bị kỷ luật khiển trách.

Ngày 1/12/2016 ông Khanh được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ông Dũng dù bị kỷ luật như ông Khanh nhưng được giữ lại làm Phó Bí thư Bến Cát. Đến tháng 6/2017, ông Dũng được luân chuyển về làm Trưởng phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Bình Dương.

Trong các đơn cầu cứu gửi đến cơ quan Trung ương trước khi bị bắt, ông Khanh cho rằng mình bị “trù dập” và “sự việc có dấu hiệu bè phái”.

Từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2018 (khi bị bắt), ông Khanh không được phân công công việc, chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Từ đó, ông Khanh bắt đầu tố giác những vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Bình Dương như sai phạm về quản lý, sử dụng đất tại tiểu khu 17 (TX Tân Uyên), 200ha đất ở Nông trường Hiếu Liêm, 68ha đất ở Lâm trường Phú Bình (Chiến khu D), đất tại công ty mía đường giao cho công ty khác…

Trong đó nổi bật là những vi phạm về quản lý, sử dụng đất và khai thác khoáng sản tại khu vực chiến khu D, TX Tân Uyên. Theo các Kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Dương vào năm 2010, 2013, nhiều công ty tư nhân, cá nhân khai thác khoáng sản không phép với khối lượng 3,4 triệu tấn đất sỏi đỏ, đất sét gạch, cao lanh trên diện tích hơn 60ha đã móc đi. Thất thoát ngân sách là 50 tỷ.

Các chủ đất, đối tượng khai thác khoáng sản sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất. Những hành vi trên vẫn đang tiếp diễn với hàng chục mỏ khai thác đất, đá trên địa bàn Tân Uyên. 

“Khi chưa bị bắt, anh Khanh kể với tôi đã lường trước được tình huống xấu nhất liên quan đến những tố cáo của mình. Vì một số cán bộ sai phạm dựng chuyện để “bịt miệng” chồng tôi, nên họ mới cố tìm ra lý do để bắt, cố dựng nên chuyện để ghép tội”, bà Phương Anh nói.

Luật sư: “Người mua không có tội”

Trở lại với vụ án mà ông Khanh bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Phương Anh nói: “Gia đình tôi mua bán ngay tình, không hề bàn bạc với ngân hàng, không o ép cụ Hiệp. Nếu nói nhà tôi mua giá rẻ “một vốn bốn lời” là không đúng. Nhà tôi mua để canh tác, hiện đất đang trồng cao su”.

“Gia đình tôi đầu tư bất động sản từ rất lâu trước khi anh Khanh làm Bí thư Bến Cát. Thời điểm 2011, tôi bán 10ha đất có cao su trên huyện Dầu Tiếng cũng chỉ 6,5 tỷ. Vay mượn thêm nội ngoại, nhà tôi mới mua được phần đất của cụ Hiệp. Sau khi mua bán hoàn tất, cụ Hiệp nhiều lần lên nhà tôi chơi, vui vẻ.

Thời điểm hai bên mua bán, bất động sản đang “đóng băng”. Thế nên 2 ha đất sản xuất công nghiệp của cụ Hiệp bán cho người khác cũng chỉ được 11,5 tỷ; dù trước đó ở thời sốt đất được định giá 25 tỷ”, vợ ông Khanh nói.

LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Cáo buộc của cơ quan tố tụng nôm na là do ông Khanh mua giá rẻ nên gây thiệt hại cho ngân hàng. Và vì ông Khanh mua nên mới có hành vi phạm tội của ông Hùng và ông Lộc. Đây là sự quy chụp, suy diễn, vừa không hợp tình vừa không đúng luật. Nếu không phải ông Khanh thì người khác cũng mua”.  

Vậy nếu mua được tài sản giá rẻ thì có phạm tội hay không? LS Nhân nói: “Ông Khanh không có tội. Hành vi mua bán là dân sự, thuận mua vừa bán. Trong vụ này có hai quan hệ. Quan hệ mua bán giữa cụ Hiệp và ông Khanh là quan hệ mua bán dân sự; quan hệ giữa cụ Hiệp và ngân hàng là một quan hệ khác. Chỉ có thể nói ông Khanh là đồng phạm giúp sức khi chứng minh được ông Khanh, cụ Hiệp và ngân hàng bàn bạc bày mưu với nhau từ đầu đến cuối”.

“Ngoài ra, nếu BIDV có quy chế để bán tài sản thế chấp thì giữa BIDV và cụ Hiệp phải có biên bản thỏa thuận giá tối thiểu khi đồng ý cho cụ Hiệp mua bán với người khác. Tuy nhiên cái này không có. Cái sai này là sai của ngân hàng chứ không phải của ông Khanh. Quy chế ngân hàng không điều chỉnh với ông Khanh. Ông Khanh chỉ cần biết rằng ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp bán thì ông mua”, LS Nhân  nói.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng: “Vấn đề quan trọng không kém là cụ Hiệp không hề có tố cáo “bị o ép”. Cụ Hiệp khi còn sống và các con chưa từng tố cáo, phản ánh gì. Vậy tại sao khi cụ Hiệp chết, con cụ lại đi tố cáo và chỉ tố cáo đích danh ông Khanh, trong khi khối tài sản của cụ Hiệp trước đó còn bán cho những người khác?”.

“BIDV đã đưa khoản nợ của cụ Hiệp vào nợ xấu và đã sử dụng trích lập dự phòng để xử lý rủi ro với khoản nợ này. Nên tài sản thế chấp ngân hàng phát mãi được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu và tuân thủ theo quy chế ngân hàng. Cơ quan tố tụng xác định 18,1ha đất là tài sản ngân hàng tức của Nhà nước là hoàn toàn sai. Tài sản này vẫn thuộc cụ Hiệp, ngân hàng chỉ là chủ thể quản lý tài sản thế chấp”. 

“Một sai sót nữa là về xác định thiệt hại. Dù cáo trạng cho rằng BIDV thiệt hại 35 tỷ, nhưng đến giờ phút này, BIDV chưa hề có một văn bản nào nói về thiệt hại này và cũng không có yêu cầu ai bồi thường…”, LS Quynh nói.

Tin Cùng Chuyên Mục