Vay nghìn tỷ làm dự án năng lượng mặt trời
Trong ngày 26/8/2020, hai đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Năng Lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn là Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 & Mỹ Sơn 2 đã thông báo về việc thành công trong việc huy động 1.480 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3-10 năm.
Trong đó, dự án Mỹ Sơn 1 phát hành 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 300 tỷ đồng (kỳ hạn 3 năm) và 430 tỷ đồng (kỳ hạn 10 năm). Mỹ Sơn 2 phát hành 2 lô trái phiếu có trị giá lần lượt là 380 tỷ đồng (kỳ hạn 6 năm) và 370 tỷ đồng (kỳ hạn 10 năm). Lãi suất của 2 lô trái phiếu trên cùng các tài sản đảm bảo đều không được công bố. Tuy nhiên, nhiều khả năng, việc huy động vốn này sẽ được sử dụng để triển khai xây dựng hai dự án Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2.
Trước đợt huy động vốn bằng trái phiếu kể trên, cả 2 dự án Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 đều đã thế chấp nhiều tài sản liên quan đến dự án cho Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Dự án điện măt trời Mỹ Sơn 1 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 31/08/2017, trong đó pháp nhân đóng vai trò chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn Group). Công suất dự kiến của dự án là 50 MW, diện tích 80 ha, tổng giá trị đầu tư gần 1.363 tỷ đồng. Chủ đầu tư nắm 20% nguồn vốn, 80% còn lại và vốn vay thương mại. Dự án đã được khởi công vào tháng 5/2018.
Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 được chấp thuận chủ trương xây dựng vào ngày 20/10/2017 trên diện tích 70 ha. Tổng công suất dự kiến của dự án là 50 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công vào tháng 1/2019.
Tính đến tháng 7/2020, cả hai dự án Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 đều đã được đóng điện.
Cũng tương tự như nhiều "đại gia" trong ngành năng lượng, trước khi lấn sân sang mảng điện mặt trời với hai dự án nghìn tỷ đồng Mỹ Sơn 1 & 2, Hoàng Sơn cũng là chủ đầu tư của rất nhiều dự án năng lượng tái tạo khác, trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình.
Những cái tên đáng chú ý như dự án Thủy điện Suối Nhạp – Đồng Chum (tỉnh Hòa Bình), dự án Đồng Chum 2 công suất 9 MW, tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng; nhà máy thủy điện Suối Nhạp A công suất 15,4 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 76,1 tỷ đồng.
Hay như dự án thủy điện tại xã Định Cư (Hòa Bình), có tổng mức đầu tư trên 21,3 tỷ đồng; dự án điện mặt trời trên mặt hồ chứa nước Gia Măng (Đồng Nai) với diện tích 176 ha; 2 nhà máy điện gió Chợ Long công suất 155 MW với tổng vốn đầu tư 4.619 tỷ đồng và nhà máy điện gió Yang Trung công suất 145 MW, vốn đầu tư 4.403 tỷ đồng.
Trước khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, Hoàng Sơn Group được biết đến là một trong những "đại gia" xây dựng - bất động sản tại Hòa Bình như dự án Công viên Tuổi trẻ Hoà Bình, Khu liên hiệp thể thao, đô thị sinh thái Sơn Anh, đô thị sinh thái Sông Đà, đô thị Nam quảng trường Hoà Bình...
Doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận chỉ mang tính tượng trưng
Tuy là một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án lớn, hàng nghìn tỷ mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng 4 năm gần đây lợi nhuận mang về rất ít ỏi.
Trong năm 2017, Hoàng Sơn ghi nhận doanh thu đạt 300,5 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2016 (668,6 tỷ đồng). Trong cả 2 năm này, lợi nhuận của Hoàng Sơn chỉ vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng. Tỷ suất nhuận của năm 2016 đạt chưa được 0,2%, và năm 2017 cũng chỉ hơn 0,3%.
Sang đến năm 2019, Hoàng Sơn ghi nhận doanh thu 488,5 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 1,76 tỷ đồng tương đương với tỷ suất lợi nhuận là 0,36%. Tổng tài sản ghi nhận tại cuối năm 2019 đạt 1.528,4 tỷ đồng, trong đó 270,8 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu.