Ngày pháp luật

Hoàng Bích Tâm: “Phụ nữ nên làm chủ công việc, cuộc đời mình”

Lan Hiên

“Tư tưởng“ trọng nam kinh nữ” vẫn còn tồn tại ít nhiều trong xã hội. Mọi người thường đòi hỏi ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và khó chấp nhận một người phụ nữ thành đạt. Nhưng điều này sẽ càng giúp chị em có thêm động lực để phấn đấu, để ngày càng hoàn thiện mình hơn”, chị Hoàng Bích Tâm chia sẻ.

Theo chị, khó khăn lớn nhất của phụ nữ khi tham gia vào thương trường là gì? Làm thế nào để chị có thể vượt qua được những khó khăn này?

Đúng là công việc kinh doanh không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Khi bắt đầu bước chân vào kinh doanh, khó khăn đầu tiên tôi gặp phải là việc cân bằng thời gian cho gia đình và công việc. “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc đầu việc kinh doanh của tôi chưa thuận lợi, nhiều công việc cần tôi phải giải quyết trực tiếp với khách hàng, phải sát sao chỉ bảo nhân viên. Tâm lý khi đó của tôi là nếu không có mặt tại công ty thì công việc sẽ không hoàn thành tốt, vì thế tôi đã dành rất nhiều thời gian cho công việc và thời gian cho gia đình hầu như không có.

Hoàng Bích Tâm: “Phụ nữ nên làm chủ công việc, cuộc đời mình” - Ảnh 1

 Hoàng Bích Tâm -  Giám đốc Công ty Cuộc Sống Xanh

Nhưng khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, tôi nhận ra rằng, muốn làm tốt việc kinh doanh và lãnh đạo, điều đầu tiên phải làm đó là biết sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ thời gian của mình và gia đình vẫn phải được ưu tiên số 1. Từ đó, tôi đã điều chỉnh công việc làm sao cho hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

 
Tôi cho rằng việc mở doanh nghiệp không khác nào chăm một đứa con. Khi chúng còn nhỏ, bạn phải dành thời gian chăm sóc chúng nhiều hơn, nhưng khi chúng trưởng thành, bạn phải dậy cho chúng tính tự giác, tự chủ trong công việc. Như vậy bạn mới được “thảnh thơi” và tận hưởng hạnh phúc

Dễ dàng thấy rằng, trên chốn thương trường dường như phái đẹp chưa phát huy hết khả năng và năng lực của mình. Theo chị, điều gì dẫn đến tâm lý e ngại này ở các nữ doanh nhân?

Theo tôi, có hai lý do chính mà phụ nữ khi làm kinh doanh hay gặp phải đó là giới hạn về thời gian và những rào cản đến từ chính tư duy của người phụ nữ và của xã hội. Khi phụ nữ làm kinh doanh, họ thường chọn những công việc họ thích hoặc có năng khiếu. Họ đi lên từ những doanh nghiệp tư nhân nhỏ rồi dần dần doanh nghiệp mới lớn mạnh. Nhưng khi doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn, đòi hỏi họ phải dành nhiều thời gian hơn để học hỏi, nghiên cứu, tích lũy kiến thức quản lý, lãnh đạo. Lúc này, quỹ thời gian của họ không đủ bởi phụ nữ dù tài giỏi ngoài chốn thương trường bao nhiêu thì trọng trách lớn nhất vẫn là thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ khó có thể vừa chăm sóc gia đình, con cái chu toàn, vừa đưa doanh nghiệp thực sự lớn mạnh.

Mặt khác, tâm lý chung của người phụ nữ thường mềm yếu, ngại va chạm nơi thương trường, kết hợp với những áp lực đến từ gia đình, xã hội nên họ thường chọn phương án “an toàn”, làm những việc trong tầm kiểm soát của mình.

Hoàng Bích Tâm: “Phụ nữ nên làm chủ công việc, cuộc đời mình” - Ảnh 2

 

Tức là chị cho rằng trong xã hội hiện nay, sự bình quyền vẫn chưa phải là thật sự?

Điều này cũng không thể tránh khỏi vì tư tưởng “trọng nam kinh nữ” vẫn còn tồn tại ít nhiều trong xã hội chúng ta. Mọi người thường đòi hỏi ở người phụ nữ nhiều hơn nam giới. Xã hội thường khó chấp nhận một người phụ nữ thành đạt và luôn tìm ra những yếu điểm của họ, trong khi đó ở nam giới, những điểm yếu đó thường được thông cảm hoặc bỏ qua. Nhưng tôi nghĩ, điều này sẽ càng giúp chị em có thêm động lực để phấn đấu, giúp họ ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Theo tôi, người phụ nữ nên có tư tưởng “làm chủ”, làm chủ trong công việc và cuộc đời mình. Tất nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng. Phụ nữ  phải lường trước được tất cả những khó khăn, rủi ro sẽ gặp phải và trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm để hạn chế và vượt qua thất bại.

Hoàng Bích Tâm: “Phụ nữ nên làm chủ công việc, cuộc đời mình” - Ảnh 3

 

Với bản thân chị, nếu đặt công việc và gia đình lên bàn cân, chị sẽ nghiêng về phía nào?

Tôi luôn tâm niệm giữa công việc và gia đình phải giữ được sự cân bằng. Tuy nhiên, trong mỗi một giai đoạn, tôi sẽ dành những sựưu tiên khác nhau. Tôi cho rằng việc mở doanh nghiệp không khác nào chăm một đứa con. Khi chúng còn nhỏ, bạn phải dành thời gian chăm sóc chúng nhiều hơn, nhưng khi chúng trưởng thành, bạn phải dạy cho chúng tính tự giác, tự chủ trong công việc. Như vậy bạn mới được “thảnh thơi” và tận hưởng hạnh phúc.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3,) chị muốn nhắn gửi lời chúc gì đến toàn thể các nữ doanh nhân Việt Nam?

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), tôi xin chúc các nữ doanh nhân luôn giữ vững được niềm tin, công việc ngày càng phát triển. Chúc chị em phụ nữ nói chung luôn vui vẻ, trẻ trung, hạnh phúc bên gia đình và tìm được niềm vui trong công việc, cuộc sống.

Tin Cùng Chuyên Mục