Ngày pháp luật

Hoàn thành gần 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về đường bộ

Minh Hữu

Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luât về lĩnh vực giao thông đường bộ năm 2020 đã hoàn thành đúng tiến độ, trong đó có Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đã quy hoạch đường bộ tầm nhìn đến 2050

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong năm 2020 là xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Năm qua, đơn vị này đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Cảnh báo an toàn giao thông đường bộ đoạn qua đèo Lò Xo.
Cảnh báo an toàn giao thông đường bộ đoạn qua đèo Lò Xo.

Cụ thể, gồm 1 hồ sơ Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, 1 Quyết định trình Chính phủ và 14 Thông tư. Đồng thời đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo các văn bản QPPL đã trình.

Đáng nói, năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng Tổng cục đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc trực tuyến để có thể xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, đảm bảo chất lượng, trình Bộ GTVT đúng tiến độ đề ra.

Ngoài nhiệm vụ quản lý nhà nước về mặt chuyên ngành, đơn vị này còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các văn bản mới ban hành như Nghị định số 100 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 10 ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 38 ngày 8/10/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ…

Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cũng đã triển khai và hoàn thiện các đề án như Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ; Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ giai đoạn 2020 - 2030; Đề án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí điện tử không dừng trên đường cao tốc; Đề án Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2020, Tổng cục Đường bộ đã triển khai Đề án Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh. 
Năm 2020, Tổng cục Đường bộ đã triển khai Đề án Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh. 

Cải cách hành chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng được Tổng cục Đường bộ Việt Nam quan tâm thực hiện. Đơn vị đã chỉ đạo triển khai, điều hành linh hoạt, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của từng nội dung CCHC. Tổ chức tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Ngoài ra, còn quán triệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) để điều chỉnh theo hướng bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên thực hiện công tác rà soát tình hình xử lý văn bản để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, không để xảy ra tình trạng xử lý văn bản quá thời hạn.

Tích cực triển khai các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử của Tổng cục theo chỉ đạo của Bộ GTVT, trong đó bám sát chương trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đường bộ…

Cụ thễ, đã liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản trên trục liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28 đến cấp Chi cục (đơn vị cấp 4); thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết 57 TTHC tại Bộ phận một cửa.

Đến ngày 20/12/2020, Tổng cục đã tiếp nhận, giải quyết 26.680 hồ sơ các lĩnh vực như đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, giấy phép vận tải 780 hồ sơ, an toàn giao thông 700 hồ sơ.

Ngoài ra, Tổng cục đã thực hiện kết nối các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của Bộ GTVT với Cổng Dịch vụ công quốc gia lĩnh vực vận tải, quản lý phương tiện, người lái và cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đầu tư thiết bị kết nối hệ thống trực tuyến Tổng cục với Bộ GTVT và Cục Quản lý Đường bộ.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục trong năm 2021 là tiếp tục tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và các văn quản QPPL đã trình. Triển khai chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2021 do Bộ GTVT giao. Thực hiện việc rà soát các văn bản QPPL, cách cách thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Tin Cùng Chuyên Mục