Sau 10 năm cạnh tranh không ngừng nghỉ, Hòa Bình (mã CK: HBC) cuối cùng cũng đã vượt Coteccons (mã CK: CTD) để trở thành nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam vào ngày 10 tháng 11 năm 2021. Trong ngày hôm đó, cổ phiếu HBC tăng trần lên mức 23.700 đồng/cp, nâng giá trị vốn hóa tập đoàn lên 5.745 tỷ đồng, nhiều hơn gần 200 tỷ đồng so với CTD.
Việc HBC vượt CTD về vốn hóa đã có thể dự đoán được từ trước khi Hòa Bình liên tục dẫn trước Coteccons về cả chỉ số doanh thu và lợi nhuận trong hai quý gần đó.
Cũng phải nói đến việc Hòa Bình đột phá cũng có một phần nguyên nhân từ sự sa sút của Coteccons, đỉnh điểm đến từ việc mâu thuẫn nội bộ nhất là việc người sáng lập kiêm chủ tịch của tập đoàn Trần Bá Dương và hàng loạt các nhân sự gạo cội cấp cao nói lời chia tay vào năm 2020.
Điều đáng nói là trong cùng năm, ở Hòa Bình cũng diễn ra đợt thay đổi nhân sự chủ chốt, cụ thể là ở vị trí Tổng giám đốc khi Chủ tịch Lê Viết Hải nhường ghế cho con trai Lê Viết Hiếu sau 30 năm trực tiếp lãnh đạo tập đoàn. Tuy nhiên dễ nhận thấy sự thay đổi ở Hòa Bình mang tính chuyển giao thế hệ, hướng đến tương lai, trong khi tình hình ở Coteccons căng thẳng và có chiều hướng xung đột lợi ích.
Đà bứt tốc của Hòa Bình
Dễ nhận thấy HBC đã bắt đầu gia tăng khoảng cách với CTD. Tính đến ngày 23/6, HBC ghi nhận vốn hóa 4.286 tỷ, trong khi con số tại CTD chỉ 3.825 tỷ. Nếu xét về yếu tố doanh thu và lợi nhuận, HBC đã sớm bỏ xa CTD khi mang về 11.335 tỷ doanh thu và lãi ròng 102 tỷ trong năm 2021 (chênh lệch lần lượt 2.258 tỷ và 78 tỷ).
Thành tích của HBC là hoàn toàn xứng đáng khi tập đoàn đã duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, đồng thời vượt qua hai năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập (2020 – 2021).
HBC có một thập kỷ bùng nổ khi trong giai đoạn 2008 – 2018, tập đoàn ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 47%/năm. Đáng chú ý, cứ chu kỳ 5 năm thì doanh thu tăng gấp 5 lần, cụ thể năm 2008 – 2013 từ 695 tỷ lên 3.432 tỷ, đến năm 2018 lên 18.299 tỷ. Đà tăng bắt đầu chậm lại vào năm 2019 (đạt 18.609 tỷ đồng), trước khi rơi vào suy thoái trong năm 2020 và 2021 do đại dịch và thị trường bất động sản suy thoái.
Bước sang năm 2020, doanh thu thuần tại HBC lao dốc 40% xuống chỉ còn 11.224 tỷ đồng, giá cổ phiếu chạm đáy vào tháng 3 khi chỉ còn trên 5.000 đồng/cp. Cũng chính trong năm đen tối này, Chủ tịch Lê Viết Hải đã dẫn dắt HBC trải qua một cuộc tái cấu trúc quyết liệt trên nhiều lĩnh vực như hệ thống quản lý, nhân lực, tài chính, sản phẩm, dịch vụ, thị trường, mô hình kinh doanh.
Nhận thấy tiềm năng từ việc nhiều nhà sản xuất nước ngoài muốn dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước ta, Hòa Bình quyết định tập trung đẩy mạnh phát triển nhóm xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Để hiện thực hóa mục tiêu, Hòa Bình tiến hành mua 57% cổ phần tại Công ty 479 (đơn vị tách ra từ Tổng công ty Cienco4), chuyên về thi công hạ tầng ở Việt Nam.
Về mô hình kinh doanh, HBC chủ động thoái vốn tại các dự án nội địa hoặc các công ty con hoạt động không hiệu quả. Trong cùng năm, HBC thoái 15% cổ phần tại Công ty TNHH Sài Gòn Ngày Mới. Về tài chính, tập đoàn đẩy mạnh thu hồi nợ đọng, tổng giám đốc trực tiếp điều hành ban chuyên môn đảm nhiệm công tác này.
Những kế hoạch thay đổi nhanh chóng đem lại hiệu quả trong năm 2021. Công ty 479 Hòa Bình chỉ trong nửa năm 2021 đã trúng thầu tổng giá trị 400 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án lớn như cầu Vân Tiên thuộc dự án đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (Quảng Ninh); gói thầu thi công hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bảo Ninh 1 ở Đồng Hới (Quảng Bình),…
Trong cùng năm, HBC thu hàng chục tỷ đồng lợi nhuận nhờ bán toàn bộ vốn tại các công ty con như: Công ty TNHH Bất động sản Pax Land, Công ty TNHH MTV Pax Sky, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng. Tập đoàn cũng gây tiếng vang lớn với việc thắng kiện tập đoàn FLC, thu hồi thành công 285 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm, giá cổ phiếu HBC ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, từ đáy 5.460 đồng/cp lên 29.240 đồng/cp vào cuối tháng 12/2021 (tăng 5,36 lần).
Đặc biệt, từ năm 2021, HBC bắt đầu thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế với các dự án tại Malaysia, Myanmar, Canada,… Một số dự án khởi công trong năm 2022 có dự án Hamilton và Niagara-on-the-Lake (Canada), dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales (Australia),…
Sự suy yếu của Coteccons
Tương tự như Hòa Bình, Coteccons cũng có một thập kỷ 2008 – 2018 với nhiều kết quả được đánh giá là 10 năm đỉnh cao. Từ thế cạnh tranh sát sao, CTD bắt đầu bỏ xa HBC vào năm 2013 và nhanh chóng vượt mốc doanh thu thuần 10.00 tỷ đồng vào năm 2015 (đạt 13.668 tỷ, gấp gần 2,7 lần so với HBC). Trong giai đoạn đỉnh cao 2016 – 2018, CTD thậm chí còn mang về lãi sau thuế trung bình tới 1.500 tỷ/năm.
Nhằm củng cố ngai vương cho CTD, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương muốn đưa Ricons hợp nhất với CTD nhưng bất thành. Lục đục nội bộ xảy ra và kéo dài trong hai năm 2019 – 2020, cuối cùng dẫn đến việc ông Bá Dương và nhiều nhân sự cấp cao phải rời tập đoàn.
Từ đỉnh năm 2018, doanh thu của CTD giảm gần một nửa xuống chỉ còn 14.558 tỷ đồng trong năm 2020. Tình hình năm 2021 còn “thê thảm” hơn khi doanh thu mất mốc 10.000 tỷ đồng, lãi ròng cũng chỉ còn 24 tỷ đồng, đánh dấu năm kinh doanh tệ nhất của CTD kể từ năm 2015.
Ngoài vấn đề “nội chiến”, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự phụ thuộc quá nhiều của CTD vào mảng xây dựng dân dụng, thương mại. Mô hình tổ chức quản lý cũng gặp nhiều vấn đề khiến tập đoàn phải gánh nợ xấu và tồn đọng hàng chục dự án.
Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch HĐQT CTD, ông Bolat Duisenov tiến hành cải tổ toàn diện tập đoàn. Chương trình tái cấu trúc khá tương tự như của HBC, chỉ khác là kết quả đem lại chậm hơn do nội bộ bất ổn. Trong Đại hội đồng Cổ đông năm 2022, CTD đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 đạt 20 tỷ đồng – mức thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên, ban lãnh đạo khẳng định chiến lược hiện tại là phù hợp nhất cho CTD, đưa tập đoàn theo đuổi những chiến lược bền vững và dài hạn.
Bước đầu cổ đông CTD có quyền lạc quan khi tình hình kinh doanh tại tập đoàn đã bắt đầu khởi sắc từ quý IV/2021 với hàng chục dự án được ký mới, nâng tổng giá trị ký trong năm đạt 25.000 tỷ đồng. Trong quý I năm nay, CTD ký mới tiếp 10.000 tỷ, giúp mục tiêu doanh thu 2022 hơn 15.000 tỷ đồng nằm trong tầm với.
Tương lai hai ông lớn ngành xây dựng Việt Nam
Cần phải khẳng định CTD dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn là một doanh nghiệp có nền tảng tốt: vốn chủ sở hữu lớn (8.276 tỷ đồng), tiền mặt dồi dào (528 tỷ), các khoản thu ngắn hạn lớn (7.958 tỷ) (số liệu tính đến hết quý I/2022). Với chất lượng tốt tài sản tốt, đội ngũ nhân viên chất lượng, cổ đông CTD vẫn có thể tin tưởng vào lời kêu gọi kiên nhẫn từ ban lãnh đạo tập đoàn.
Trong khi CTD đang chật vật để tìm lại chính mình, HBC đã thể hiện tham vọng không nhỏ khi tích cực mở rộng ở nước ngoài, đặt mục tiêu năm 2032 đạt doanh thu 20 tỷ USD, lợi nhuận 1 tỷ USD. Ở phía ngược lại, CTD khiêm tốn hơn khi chỉ đề ra doanh thu kế hoạch 3 tỷ USD vào năm 2025.
Chưa thể biết chắc liệu HBC có đạt được những kế hoạch đã đề ra như trên hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại, HBC đang tiến những bước vững chắc trên con đường củng cố vị trí nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam. Còn với CTD, chúng ta sẽ còn phải chờ đợi ít nhất vài năm tới để đánh giá liệu sự đổi mới của ông Bolat Duisenov sẽ đem đến những hiệu quả ra sao cho tập đoàn.