Bài học tài chính quan trọng đầu đời
Warren Edward Buffett sinh ngày 30/8/1930 tại Omaha, Nebraska. Cha của ông, Howard, làm nghề môi giới chứng khoán, trong khi mẹ ông, Leila Stahl Buffett, ở nhà làm nội trợ.
Gia đình Buffett có 3 người con trai, ông là thứ hai. Ngay từ khi còn nhỏ, Warren Buffett đã nổi tiếng trong chúng bạn là một thần đồng toán học. Ông có khả năng ghi nhớ lượng dữ kiện, số liệu cực lớn trong đầu, thay vì phải sử dụng máy tính hay sổ tay.
Ở tuổi niên thiếu, Buffett thường ghé thăm công ty môi giới chứng khoán Buffett-Falk & Co. của cha, và tập điền giá cổ phiếu trên chiếc bảng đen trong phòng làm việc.
Khi 11 tuổi, ông thực hiện khoản đầu tư đầu tiên bằng cách mua lại 3 cổ phiếu của Cities Service Preferred với giá 38 USD/đơn vị. Không may, mã này nhanh chóng rớt giá, chỉ còn 27 USD. Buffett kiên trì giữ lại và chỉ bán đi khi giá tăng lại ở mức 40 USD.
Đáng tiếc rằng chẳng bao lâu sau, cổ phiếu Cities Service Preferred tăng lên mốc 200 USD/đơn vị, khiến Buffett cực kỳ nuối tiếc. Kinh nghiệm ấy đã để lại một bài học tài chính quan trọng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của ông cho đến ngày nay: mua và giữ lại, kiên nhẫn với các khoản đầu tư dài hạn.
Năm 1942, khi Buffett 12 tuổi, cha ông được bầu vào Hạ viện, và gia đình chuyển đến Fredricksburg, Virginia. Ông bắt đầu theo học ở trường trung học Woodrow Wilson ở Washington, DC, và trải qua nhiều công việc kiếm tiền khác như giao báo, rửa xe, bán kẹo cao su, soda.
Cùng với người bạn thân Don Danley, Warren Buffett mua một chiếc máy pinball đã qua sử dụng với giá 25 USD, rồi thỏa thuận với Frank Erico, chủ tiệm hớt tóc, để đặt chiếc máy ở phía sau cho khách chơi trong lúc chờ đợi. Chỉ trong đêm đầu tiên, chiếc máy đã mang về 4 USD tiền lời.
Thay vì tiêu hết số tiền kiếm được, cặp đôi này đã tái đầu tư số tiền đó để mở rộng số lượng máy. Chỉ trong vài tháng, Buffett trở thành “vua” pinball với vài chiếc máy được đặt tại 3 tiệm hớt tóc trong khắp thị trấn ông ở. Sau một năm duy trì hoạt động, Buffett bán lại mảng kinh doanh này với giá 1.200 USD.
Những vốn liếng và kinh nghiệm kinh doanh phong phú từng khiến Warren Buffett không thiết tha với việc vào đại học, dù được trường kinh doanh danh tiếng Wharton tại đại học Pennsylvania gửi lời mời.
Nhưng trước ý nguyện của cha, ông quyết định đến Pennsylvania năm 16 tuổi và dành 2 năm học tại Wharton, trước khi chuyển sang Đại học Nebraska. Ở tuổi 20, ông đã sở hữu gia tài hơn 10.000 USD.
Ván cược vào Berkshire Hathaway
Vốn làm việc cho công ty chứng khoán, Buffett đọc khá nhiều sách liên quan đến phố Wall, và ông có ấn tượng đặc biệt với tác giả cuốn “Nhà đầu tư thông minh” là Ben Graham. Khi biết Graham là giáo sư đại học Columbia, ông ghi danh học thạc sĩ kinh tế ở đây năm 1951, với mục tiêu được tiếp cận gần hơn với người đã tạo ra triết lý “đầu tư giá trị”.
Tuy nhiên, dù Warren Buffett là sinh viên duy nhất đạt tất cả điểm A+ trong lớp do Graham dạy, vị giáo sư này vẫn từ chối tuyển dụng ông vào công ty của mình, thậm chí còn khuyên Buffett nên tránh xa phố Wall.
Sau khi tốt nghiệp, Buffett dành 2 năm để làm môi giới chứng khoán cho công ty của cha mình. Ông kết hôn với người bạn đời đầu tiên Susan Thompson năm 1952 và họ có với nhau 3 người con: Susan, Howard, và Peter. Thời gian đầu kết hôn, gia đình trẻ gặp nhiều khó khăn khi sinh hoạt chật chội trong căn hộ 3 phòng ngủ với giá thuê 65 USD/tháng.
Năm 1954, Graham nghĩ lại, mời Buffett về làm chuyên gia phân tích tại Graham-Newman Corp. Công việc tại New York mang về mức lương 105.000 USD (tính theo giá ngày nay) cho ông bố trẻ, và giúp cuộc sống gia đình Buffett dễ thở hơn hẳn.
Gắn bó với công ty mới chỉ 2 năm, đến 1956, Buffet về lại quê nhà Omaha và thành lập công ty Buffett Partnership Ltd. Kinh nghiệm làm việc Graham giúp Warren Buffett thành công trong việc xác định các công ty bị định giá thấp, sau đó mua cổ phiếu và nhanh chóng nắm trong tay quyền kiểm soát 7 công ty lớn.
Lúc này, ông đủ tiền mua ngôi nhà 5 phòng ngủ ở Omaha với giá 31.500 USD, để rồi gắn bó với ngôi nhà đó trong suốt những năm tháng sau này.
Năm 1960, Warren Buffett để mắt đến công ty dệt may Berkshire Hathaway – đơn vị mà ông cho rằng đang bị định giá rất thấp. Ông dồn tiền thu mua lượng lớn cổ phiếu, và đến năm 1965 thì nắm trong tay quyền kiểm soát công ty này.
Buffett loại dần hoạt động dệt may của Berkshire Hathaway, chuyển hướng sang đầu tư đa ngành bằng cách trở thành cổ đông lớn của tập đoàn truyền thông The Washington Post, bảo hiểm GEICO và cả một ông lớn ngành dầu mỏ là Exxon.
Dù Buffett Partnership Ltd. vẫn ăn nên làm ra, nhưng Buffett quyết định giải thể công ty đầu tiên của mình vào năm 1969 và dồn sức cho Berkshire Hathaway. Dưới quyền điều hành của “nhà hiền triết xứ Omaha”, Berkshire Hathaway mua lại ngân hàng đầu tư tai tiếng Salomon Brothers, góp vốn vào Coca-Cola, Citigroup, Gillette.
Không chỉ đóng vai là nhà đầu tư, Buffett còn trực tiếp điều hành hàng loạt công ty, với vai trò giám đốc của cả Coca-Cola, Citigroup Global Markets Holdings, Graham Holdings Company và The Gillette Company.
Gu đầu tư ban đầu của Warren Buffett là các công ty kinh doanh trong các ngành truyền thống, đặc biệt là hàng không và ngân hàng. Nhưng dần dần, ông rót nhiều vốn hơn vào các công ty công nghệ, bất chấp bản thân từng không gặp may mắn với cổ phiếu IBM.
Apple hiện là khoản đầu tư quan trọng hàng đầu của Berkshire Hathaway, trong khi tập đoàn đầu tư này đã bán tống bán tháo hàng trăm triệu cổ phiếu của Southwest, American, Delta và United vào đầu năm 2020, vì lo ngại ngành này không bao giờ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch coronavirus.
Cuộc sống giản dị không ngờ
Thành công từ các khoản đầu tư của Berkshire Hathaway không chỉ mang lại danh tiếng cho Buffett mà còn là cả tiền bạc. Buffett trở thành triệu phú năm 32 tuổi, tỷ phú năm 56 tuổi, và là người giàu nhất thế giới năm 2008, khi ông 78 tuổi với tài sản ròng 78 tỷ USD.
Tuy vậy, trái ngược với khối tài sản khổng lồ, Warren Buffett lại có cuộc sống cá nhân giản dị hết mực. Ông chia sẻ rằng bản thân chẳng bao giờ khao khát sở hữu biệt thự, siêu xe hay những món đồ xa xỉ.
Suốt 64 năm, Warren Buffett vẫn sống trong căn hộ 5 phòng ngủ ở Omaha, lái chiếc Cadillac DTS đời 2006 trước khi đổi sang chiếc Cadillac XTS - có giá gốc từ 44.000 USD vào năm 2014. Thay vì dùng smartphone “xịn”, Buffett trung thành với chiếc điện thoại gập đơn giản đã theo ông nhiều năm.
Mỗi năm, Buffett tham gia chương trình đấu giá “ăn trưa cùng người nổi tiếng” một lần, và người muốn được chung bàn với ông trong vòng 2 tiếng phải trả số tiền hàng triệu USD. Thế nhưng, bình thường, ông sẵn sàng dùng bữa với giá chỉ vài USD ở cửa hàng McDonald's trên đường lái xe đi làm.
Khi thị trường khởi sắc, ông sẽ tiêu 3,17 USD cho chiếc sandwich với thịt lợn muối, trứng và phô mai. Nếu thị trường ảm đạm, ông chỉ mất 2,95 USD cho chiếc sandwich có trứng, xúc xích và phô mai.
Vào một ngày thực sự tồi tệ, Buffett chỉ ăn sáng 2,61 USD với 2 miếng thịt viên và 1 lon coke. Ông thậm chí từng mời người bạn thân là tỷ phú Bill Gates ăn tại cửa hàng McDonald's và không ngại dùng phiếu giảm giá.
Sở thích người giàu hiếm hoi mà Buffett có là chơi golf, nhưng dù rất thích môn thể thao này, ông cũng không chi tiền để vào các sân golf đắt đỏ. Thay vào đó, Warren Buffett chỉ chơi golf với "những người mình thích" tại những sân golf bình thường.
Con cái của Warren Buffett thậm chí không biết mình có người cha giàu có, khi ông vẫn để các con đi bộ đến trường và học tại những trường công trong khu vực, duy trì cuộc sống tiết kiệm.
Năm 2006, Buffett tuyên bố sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện, trong đó có 85% cho quỹ từ thiện của gia đình Bill Gates. Với mỗi người con, Buffett chỉ để dành khoản thừa kế trị giá 2 triệu USD, và không yêu cầu các con phải đi theo ngành kinh doanh hay tiếp quản công ty của mình. Người con thứ hai của ông thậm chí còn là một nông dân thứ thiệt.
Tính đến tháng 8/2020, tổng số tiền quyên góp từ thiện của Warren Buffett đã lên tới con số 46 tỷ USD, và dù ngày càng xa rời vị trí người giàu nhất thế giới, điều đó chẳng khiến thiên tài đầu tư 91 tuổi xứ Omaha phiền lòng. “Tôi luôn biết mình giàu có. Chưa một phút giây nào trong đời tôi nghi ngờ điều ấy cả”.