Nhắc đến Jeff Bezos, người ta nhớ ngay đến vị tỷ phú giàu có nhất thế giới khi nắm trong tay khối tài sản trị giá 177 tỷ USD và là ông chủ "gã khổng lồ" thương mại điện tử lớn nhất hành tinh Amazon. Giàu có và thành công là vậy, song, Jeff Bezos lại trải qua một tuổi thơ khốn khó, đầy gian nan.
Từ cậu bé không biết mặt cha, sống ở trang trại với ông bà...
Jeff Bezos sinh ra ở Albuquerque, New Mexico vào năm 1964, khi mẹ ông mới chỉ 17 tuổi và cha ông 18 tuổi. Hai người kết hôn và đặt tên con trai là Jeff Jorgensen. Tuy nhiên cuộc hôn nhân này không kéo dài lâu và dừng lại khi ông tròn 17 tháng tuổi.
Không biết mặt cha ruột, Jeff sống cùng ông bà ngoại tại trang trại. Dần dà, chính nơi đây trở thành khởi nguồn nuôi lớn đam mê công nghệ cho cậu bé Jeff. Khi Jeff lên 4, mẹ ông đi thêm bước nữa. Cha dượng đồng ý nuôi Jeff và còn để cậu lấy họ của ông. Kể từ đây, Jeff Jorgensen trở thành Jeff Bezos - cái tên mà nhiều năm sau sẽ gây chấn động làng công nghệ thế giới.
Jeff Bezos bộc lộ tài năng từ lĩnh vực công nghệ ngay từ khi học tiểu học. Cậu biết dùng tua vít để tháo lắp vật dụng hay chế chuông để ngăn các em chạy ra khỏi phòng.
Thông minh, chăm chỉ, Jeff trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của trường. Trong thời gian theo học trung học, Jeff có cơ hội được tiếp xúc với chương trình đào tạo khoa học sinh viên và trở thành một trong ba đại diện xuất sắc nhất giành được giải thưởng Hiệp sĩ Bạc vào năm 1982.
Tranh thủ những lúc không lên trường, cậu làm thêm tại McDonald's với vai trò phụ tá gọi món cho bếp để có thêm tiền thỏa mãn đam mê khám phá.
Trong bài phát biểu tốt nghiệp, Bezos nói với toàn thể hội trường rằng “tương lai của nhân loại không phải trên hành tinh này”. Năm 1986, Jeff Bezos tốt nghiệp Đại học Princeton với tấm bằng xuất sắc ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính. Ra trường, Bezos làm việc tại một số công ty tài chính trên Phố Wall ở thành phố New York, như Fitel hay D.E. Shaw.
Rời Fitel, Bezos cân nhắc việc hợp tác với Halsey Minor để lập một startup cung cấp tin tức bằng fax nhưng cuối cùng lại đầu quân cho quỹ đầu tư D.E.Shaw. Bằng nỗ lực và sự nhạy bén, Jeff đã trở thành Phó chủ tịch cấp cao của D.E.Shaw vào năm 1990 nhưng ông lại rời đi 4 năm sau đó để mở cửa hàng bán sách online.
... đến "gã bán sách" ở phố Wall bị mọi người cười nhạo
Khi còn làm Phó chủ tịch D.E.Shaw, Jeff đã đưa ra ý tưởng bán sách qua Internet. Ông nhận thấy việc sử dụng web đã tăng lên 2.300% mỗi năm.
Con số này khiến khát vọng khởi nghiệp trào dâng trong người thanh niên 30 tuổi. Đó là lúc Jeff quyết định cần làm điều gì đó. Ý tưởng xây dựng một hiệu sách trực tuyến với hàng triệu tựa sách ra đời.
Sau khi ra mắt bản thử nghiệm trang web và nhờ 300 người bạn dùng thử, Bezos cùng các nhân viên đầu tiên bắt đầu phát triển phần mềm cho website này tại gara nhà ông. Nơi này nhỏ đến nỗi Bezos phải tổ chức cuộc họp tại một cửa hàng sách Barnes & Noble gần đó.
Ban đầu, Jeff Bezos muốn đặt tên cho công ty là "Cadabra" nhưng bị phản đối vì nghe hơi giống "xác chết". Cuối cùng, ông chọn Amazon, tên của dòng sông lớn nhất thế giới với mong muốn sẽ xây dựng được hiệu sách tầm cỡ thế giới.
Tháng đầu tiên sau khi được thành lập, Amazon đã hút được hàng nghìn độc giả từ hơn 50 bang của Mỹ và 45 quốc gia khác nhau. Vậy nhưng nhiều nhà đầu tư đã nhận định rằng, khả năng khai tử của công ty này chiếm đến 70%.
... và lời đáp trả ngọt ngào khi trở thành tỷ phú thế giới
Năm 1997, Amazon chính thức bước chân lên sàn chứng khoán. Đáp trả lại những đồn đoán về khả năng "sống sót" hay "chết yểu" của đứa con cưng, Jeff khẳng định sự thống trị của Internet cho phép Amazon ngày càng phát triển.
Ở thời điểm đó, Phố Wall không đặt niềm tin vào trang web bán sách được khởi tạo từ một gara nhỏ. Có người còn mỉa mai ý tưởng của ông. Tuy nhiên, đáp lại những lời chê đó, CEO Amazon cho rằng họ đang không hiểu được sức mạnh mà Internet mang lại cho khách hàng.
Và ông đã đúng. Cổ phiếu của Amazon không ngừng đi lên do nhu cầu tăng chưa từng có từ người tiêu dùng. Một năm sau khi IPO, Jeff Bezos đã lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ nhờ 40% cổ phần của mình trong công ty có giá trị 1,6 tỷ USD.
Ngoài sách, đế chế này còn lấn sân sang âm nhạc, video và dần mở rộng danh mục sản phẩm. Hiện nay, “gã khổng lồ” thương mại điện tử bán hầu hết những thứ bạn có thể tưởng tượng, từ thiết bị công nghệ, quần áo đến dịch vụ điện toán đám mây.
Với tầm nhìn chiến lược, hệ sinh thái kinh doanh đa ngành cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã đưa Bezos lọt top những người giàu nhất thế giới.
Năm 2017 được cho là năm bứt phá nhất của CEO Amazon khi Blue Origin - đơn vị phát triển mảng hàng không vũ trụ do tỷ phú sáng lập vào năm 2000 tiết lộ về sự tồn tại của tàu Blue Moon trong kế hoạch chinh phục Mặt trăng. Lúc này, tài sản của Bezos tăng vọt khó tin, đưa ông đứng ở vị trí người giàu thứ hai trên thế giới cùng khối tài sản 81,5 tỷ USD.
Năm 2018, ông chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú giàu nhất thế giới và tiếp tục giữ vững danh hiệu này trên bảng xếp hạng 3 năm tiếp theo.
Vụ ly hôn trị giá 38 tỷ USD giữa Jeff Bezos và người vợ MacKenzie Bezos sau 25 năm chung sống không khiến ông chủ Amazon đánh mất vị trí người giàu nhất hành tinh. Ở thời điểm năm 2019, khối tài sản ròng của Jeff đã chạm mốc 112 tỷ USD.
Không giống nhiều tập đoàn khác, đại dịch Covid-19 bùng phát còn giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của Amazon khi người tiêu dùng chuyển sang các kênh thương mại điện tử để mua sắm.
Sở hữu khối tài sản khủng và trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng, nhà sáng lập Amazon hiểu rằng, để thành công trong kinh doanh, bạn nhất định phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và có thể gặp thất bại.
"Chúng ta cần có những thất bại lớn để nhắm đến những mục tiêu lớn. Nếu không, chúng ta sẽ không có đủ đà để chuyển động", Jeff Bezos chia sẻ.