Ngày pháp luật

Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 16: Colin Huang - từ con trai người công nhân đến tỷ phú tự thân trẻ nhất Trung Quốc

Giang Phạm

Chỉ mới 40 tuổi nhưng Huang đã tạo ra khối tài sản cá nhân trị giá 55,5 tỷ USD và một công ty với giá trị thị trường 180 tỷ USD.  

Khi nói về những tỷ phú công nghệ tại Trung Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến Jack Ma, Pony Ma... nhưng sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên Colin Huang - ông vua Internet ở đất nước tỷ dân này.

Con trai của anh công nhân và lựa chọn đầu quân cho Goolge

Colin Zheng Huang sinh năm 1980 tại Hàng Châu, cha mẹ anh là công nhân bình thường, làm việc tại một nhà máy trong vùng, thậm chí còn chưa học hết cấp hai. Thế nhưng, từ nhỏ, Colin đã là một cậu bé thông minh. Ở tuổi 12 cậu thi đỗ vào được trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh tiếng, nơi con cái nhà giàu địa phương theo học. Những năm tháng học ở đây đã thay đổi cuộc đời Huang.

Dù được mời về làm việc ở Oracle, IBM và Microsoft nhưng Huang đầu quân cho Google.
Dù được mời về làm việc ở Oracle, IBM và Microsoft nhưng Huang đầu quân cho Google.

Sau đó, Huang theo học đại học Chiết Giang, lấy bằng cử nhân và thực tập tại văn phòng Microsoft ở Bắc Kinh với lương 6.000 nhân dân tệ, cao hơn cả lương của mẹ lúc bấy giờ.

Huang đến Mỹ học thạc sỹ khoa học máy tính tại đại học Wisconsin và để lại nhiều ấn tượng xuất sắc. Chính giáo sư giảng dạy đã viết thư giới thiệu anh với các gã khổng lồ công nghệ Oracle, IBM và Microsoft vào đầu thập niên 2000. Dù Huang được mời về làm việc tại cả ba nơi nhưng anh từ chối tất cả để nhận việc tại Google năm 2004.

Khi quyết về đầu quân cho Google, Huang đã đắn đo khá nhiều khi đứng trước hai lựa chọn. Một là vào làm tại Microsoft - công ty sở hữu hệ điều hành Windows hay là gia nhập Google - hãng công cụ tìm kiếm mới nổi nhưng chưa IPO. 

Giữa hai ngả đường, chàng trai trẻ đã chọn Google và trở thành một trong những người đầu tiên viết thuật toán cho ngành thương mại điện tử. Google đã tăng trưởng rất nhanh vài năm sau đó. Nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần công ty nhưng sau khi Google lên sàn, tài sản của anh đã lên đến vài triệu USD.

Sau 3 năm cống hiến, Huang rời Google và trở về nước, bắt đầu bước vào "canh bạc" khởi nghiệp. 

Những lần khởi nghiệp 

Bằng số tiền thu được khi bán cổ phần Google, Colin khởi nghiệp Ouku - một website đồ điện tử tiêu dùng và bán với giá 2,2 triệu USD vào năm 2010.

Không lâu sau đó, Huang bắt tay với một thực tập sinh tại Ouku và thành lập Lequi, chuyên tiếp thị cho nhãn hiệu nước ngoài. Được hai năm, nhóm này thiết lập một dự án khác mang tên Lebbay. Nhờ những kỹ năng đã học được ở Google, Lebbay thiết lập hàng loạt website mua sắm trực tuyến nhắm tới sản phẩm là món đồ nằm trong top tìm kiếm của khách hàng.

Dưới cái tên Shianghai Xunmeng, đội ngũ của Huang phát triển mảng game trực tuyến, phát triển các game nhập vai chơi trên web. Từ đây, Huang nảy ra ý tưởng thành lập Pinduoduo và “game hóa” trải nghiệm mua sắm trực tuyến bằng kinh nghiệm bản thân.

Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 16: Colin Huang - từ con trai người công nhân đến tỷ phú tự thân trẻ nhất Trung Quốc - Ảnh 1

Theo đó, người mua sẽ nhận được giá tốt hơn nếu họ có thể thuyết phục được bạn mình mua cùng một sản phẩm. Người dùng có thể "săn" được mức giá rất rẻ, thậm chí 0 đồng nếu rủ được càng nhiều người mua chung.

Bằng cách tiếp cận này, Pinduoduo trở nên nổi tiếng. Bạn bè sau khi nhận được lời mời liên kết mua hàng nhận thấy giá sản phẩm rẻ nên bản thân cũng thử trải nghiệm ứng dụng. Người nhận được yêu cầu bấm vào để giúp giảm giá cũng sẽ tự hỏi liệu mình có thể mua hàng miễn phí như vậy không.

Cứ vậy, nhiều nhóm còn lập ra nhóm chat riêng ở Wechat hay QQ để cùng săn hàng giá rẻ trên Pinduoduo. Cơ chế này càng làm cho công ty có động lực và bùng nổ hơn. Các tiện ích như phiếu giảm giá, bốc thăm trúng thưởng hay hàng khuyến mại như chất xúc tác thu hút những người dùng có thu nhập thấp.

Sự hài lòng khi được mua hàng giá rẻ, lại mua cùng bạn bè và người thân mà Pinduoduo mang lại giúp ứng dụng ghi điểm và nhanh chóng trở nên phổ biến tại Trung Quốc.

Giá sản phẩm thấp là một trong những điểm hấp dẫn của Pinduoduo. Các chương trình giảm giá lên đến 90% như ga trải giường có giá 10 tệ (khoảng 35.000 đồng), giấy ăn 12,5 tệ cho 10 túi (khoảng 50.000 đồng) hay máy tính với giá 1.000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng)...

Nổi tiếng về các sản phẩm giá rẻ, Pinduoduo còn có ưu thế là lượng khách hàng tại thành phố kém phát triển và khu vực nông thôn. Để đẩy mức chi tiêu người dùng, Pinduoduo tăng cường bán thêm thực phẩm tươi sống, nông sản - loại mặt hàng đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của công ty.

Ba năm sau khi thành lập, tháng 7/2018, Pinduoduo đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq với đợt IPO trị giá 1,6 tỷ USD. Với tư cách là người sáng lập, nắm giữ 46,8% cổ phần công ty, Colin Huang gia nhập top 100 người giàu nhất thế giới (theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index) với khối tài sản ròng lên tới 13 tỷ USD thời điểm đó. Huang cũng trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất Trung Quốc.

Quyết định rời Pinduoduo khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp

Tính đến cuối năm 2020, với hơn 788 triệu người dùng, Pinduoduo vượt qua đối thủ lớn của những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba và JD.com xét về số lượng người dùng. Doanh thu hàng năm của Pinduoduo ước tính khoảng 9,1 tỷ USD. 

"Đứa con cưng" đang trong giai đoạn phát triển vượt trội nhất vậy nhưng, đầu năm 2021, cha đẻ Colin Huang bất ngờ từ chức chủ tịch hội đồng quản trị Pinduoduo. Người thay thế anh là Lei Chen - người đang giữ vị trí CEO của công ty. 

Huang quyết định nghỉ hưu sớm khi Pinduoduo đang ở đỉnh cao.
Huang quyết định nghỉ hưu sớm khi Pinduoduo đang ở đỉnh cao.

Dù "nghỉ hưu" sớm ở tuổi 40 nhưng Huang đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, vượt qua tiêu chuẩn của ngành công nghiệp Internet ở Trung Quốc khi tạo ra khối tài sản cá nhân trị giá 55,5 tỷ USD (theo Forbes) và một công ty với giá trị thị trường 180 tỷ USD.  

Trong bức thư gửi nhân viên, Huang "hy vọng sự rời đi của mình trên cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị sẽ giúp những người trẻ bước vào giai đoạn trưởng thành độc lập". 

Nói về dự định trong tương lai, Huang cho biết sẽ tập trung vào nghiên cứu về thực phẩm và khoa học cuộc sống. Mặc dù Huang không có ý định trở thành một nhà khoa học nhưng anh "cảm thấy may mắn nếu có cơ hội trở thành một trợ lý nghiên cứu và có thể là một nhà khoa học trong tương lai".

Chia sẻ về kỷ niệm trong quá khứ, cựu nhân viên Google cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội được học tập, đào tạo tại nhiều trường nổi tiếng trên thế giới, ví von mình như "con gà được đặt chân đến chốn phượng hoàng" nhưng anh vẫn luôn cảm thấy hối tiếc.

"Nghĩ lại, tôi thấy mình đã lãng phí quá nhiều thời gian để phấn đấu trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Giờ tôi chỉ ước mình có thể quay trở lại, để dành thời gian nghịch ngợm, nổi loạn và tận hưởng tuổi trẻ đã qua", Huang chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục