Ngày pháp luật

Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 12: Steve Ballmer - "người truyền lửa" của đế chế Microsoft

Giang Phạm

Cùng người bạn thân Bill Gates, Steve Ballmer đã cùng biến Microsoft thành gã khổng lồ phần mềm.

Nói đến Microsoft, nhiều người thường nghĩ ngay đến tỷ phú Bill Gates. Vậy nhưng tại đế chế công nghệ này, một cái tên khác cũng nổi tiếng không kém, đó là tỷ phú Steve Ballmer.

Ông được biết đến là người sếp đầy nhiệt huyết, luôn truyền năng lượng và tình yêu với công ty cho nhân viên. Ngày nay, ông là một trong những người giàu nhất thế giới, với khối giá trị tài sản ròng khoảng 68,7 tỷ USD. 

Steve Ballmer sở hữu tố chất thiên tài từ nhỏ 

Steven Anthony Ballmer, sinh ngày 24/03/1956 tại một thành phố nhỏ của tiểu bang Michigan, Mỹ.

Từ bé, Steve đã bộc lộ tư chất thông minh khi luôn đứng đầu lớp, vượt xa những đứa trẻ cùng lứa khác. Steve đặc biệt say mê môn toán, từng đạt kỷ lục môn toán với 800 điểm và kết quả các môn học hầu như đạt điểm tuyệt đối.

Steve đã bộc lộ tư chất thông minh ngay khi còn nhỏ
Steve đã bộc lộ tư chất thông minh ngay khi còn nhỏ

Sau khi tốt nghiệp trung học, Steve nhận được học bổng và gia nhập đại học Harvard. Tại đây, ông không chỉ nổi bật với kết quả vượt trội mà còn nổi tiếng với bài báo viết về lĩnh vực toán học, kỹ thuật và cả văn chương… cho tờ tạp chí của trường Harvard Crimson.

Chính tại đây, Steve gặp Bill Gates. Bill là thiên tài công nghệ, còn Steve lại nổi bật về kinh doanh, chính sự khác biệt đó kết hợp lại đã tạo nên một sự hoàn hảo ở hai con người này. Năm 1980, Ballmer bỏ chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Stanford Graduate để đầu quân cho Microsoft.

Con đường đi tới CEO Microsoft

Gia nhập vào đại gia đình Microsoft và giữ chức vụ Giám đốc kinh doanh, Steve đã dốc hết sức để góp phần đưa phần mềm Microsoft phủ trên 97% máy tính toàn cầu. Với tài năng và sự cống hiến, Steve Ballmer nhận mức lương khởi điểm 50.000 USD cùng 5 - 10% cổ phần công ty. 

Steve Ballmers và Bill Gates cùng phát triển Microsoft.
Steve Ballmers và Bill Gates cùng phát triển Microsoft.

Suốt gần ba thập niên làm việc tại Microsoft, Steve đã lãnh đạo nhiều phòng ban như phòng chiến lược, phát triển hệ điều hành, kinh doanh và cả hỗ trợ khách hàng. Qua đó ông nắm được nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng, từ đó lên giải pháp cho những sản phẩm phù hợp.

Trải qua rất nhiều khó khăn, "quả ngọt" mà Steve nhận được là mô hình khách hàng rộng lớn, toàn diện với hơn 640.000 đối tác trên khắp thế giới.

Với gần 60.000 nhân viên tại hơn 90 quốc gia, Microsoft nắm trong tay đội quân tinh nhuệ nhất thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này giúp doanh thu hàng năm của Microsoft trung bình là 40 tỷ USD. 

Nỗ lực không ngừng nghỉ, Steve nhận được sự tin tưởng của Bill Gates và nhân viên công ty. Tháng 1/2000, Steve Ballmer thay Bill Gates đảm nhận vị trí CEO của Microsoft và là vị thuyền trưởng tiếp theo lèo lái con thuyền phần mềm công nghệ lớn nhất thế giới này. 

Ở vị trí mới, Ballmer triển khai kế hoạch sản phẩm chủ lực của Microsoft là máy chơi game console Xbox 360. Sản phẩm này đã mang lại doanh thu "khủng" cho Microsoft, thậm chí còn định nghĩa lại khái niệm chơi game trực tuyến. 

Steve Ballmer trở thành CEO của Microsoft tháng 1/2000.
Steve Ballmer trở thành CEO của Microsoft tháng 1/2000.

Steve Ballmer và Bill Gates tung ra nền tảng Windows Vista thay thế Window XP vào năm 2007. Nhưng may mắn không mỉm cười với đôi bạn, Vista thành thảm họa dưới triều đại của Steve. Sau thất bại của Window Vista, Ballmer cho ra mắt hệ điều hành Windows 7 và nhận được nhiều phản ứng tích cực.

Quyết định mang tầm chiến lược không thể không nhắc đến của Ballmer hồi còn tại vị là đã thâu tóm Skype với giá 8,5 tỷ USD. Đây được xem là thương vụ thành công và đúng đắn nhất của Steve Ballmer.

Sau Skype, Facebook là sự lựa chọn tiếp theo của nhà lãnh đạo này. Ông đã chuyển gần 250 triệu USD vào Facebook, góp phần tạo nên thành công cho Facebook ngày nay.

Bên cạnh vinh quang cũng là những tiếc nuối

Bên cạnh những đóng góp và thành tích đáng nể mà vị thuyền trưởng Steve Ballmer gây dựng được, cựu CEO này cũng mắc những sai lầm không thể cứu vãn khiến Microsoft tổn hại lên tới hàng tỷ USD. 

Sai lầm đầu tiên của vị doanh nhân này là thương vụ thu mua lại hãng marketing aQuantive vào năm 2007 với giá là 6,3 tỷ USD. Năm năm sau đó, công ty này mất giá và tập đoàn này buộc phải thừa nhận mất trắng 6,2 tỷ USD. 

Steve cũng mắc sai lầm khi còn đang tại vị.
Steve cũng mắc sai lầm khi còn đang tại vị.

Thương vụ tiếp theo là việc đế chế phần mềm này sẵn sàng bỏ ra 45 tỷ USD để thu mua Yahoo. Tuy nhiên, sự không thống nhất của ban lãnh đạo Yahoo lúc đấy đã khiến Microsoft từ bỏ. Kết quả là, Yahoo hoàn toàn lột xác dưới bàn tay của Marissa Mayer, điều này khiến Steve tiếc nuối, đau xót.

Có thể nói, Google chính là đối thủ nặng ký của Microsoft khi Steve quyết chi hàng tỷ USD với mục đích "hạ" dịch vụ trực tuyến quảng cáo, tìm kiếm... và thay thế nó bằng công cụ Bing. Tuy nhiên, Bing lại chưa hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Chính sai lầm trong việc tính toán kế hoạch, chiến dịch sản phẩm đã khiến cho cựu CEO Microsoft ngày một yếu thế. Hệ quả là Steve Ballmer thoái vị. 

Ngày 1/10/2013, Steve Ballmer gửi lời từ biệt đến nhân viên khi ông tổ chức cuộc họp cuối cùng trong tư cách CEO của Microsoft. Trong buổi họp báo, Steve không quên động viên, truyền lửa cho nhân viên Microsoft: “Chúng ta sẽ cho ra mắt những thứ lớn lao sắp tới… Và chúng ta sẽ lại thay đổi thế giới”.

Sau khi rời Microsoft, vị doanh nhân này tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Ông đã đóng góp hơn 2 tỷ USD vào các quỹ do các nhà tài trợ tư vấn với trọng tâm là giúp đỡ người Mỹ thoát khỏi nạn đói.

Mặc dù Steve Ballmer đã trở thành cựu nhân viên của Microsoft nhưng những đóng góp của ông chắc chắn sẽ còn được nhắc đến trong sự phát triển, thành công của gã khổng lồ phần mềm này.

Tin Cùng Chuyên Mục