Những thiên tài máy tính
Page và Brin gặp nhau tại Đại học Stanford vào năm 1995, khi cả hai đang theo học chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính. Là bạn đồng niên và có nhiều điểm chung về lối sống, nhưng xuất phát điểm của hai thiên tài này rất khác biệt.
Larry Page tên đầy đủ là Lawrence Edward Page, sinh ra trong gia đình có cả cha lẫn mẹ đều là giảng viên khoa học máy tính đại Đại học Michigan, Mỹ.
Đây cũng là trường đại học mà Page theo học sau này, trước khi chuyển đến Stanford lấy bằng tiến sĩ.
Bố ông, Carl Victor Page, rất nổi tiếng tại Mỹ, từng được phóng viên của BBC mô tả là người “tiên phong trong khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo”.
Môi trường sống sớm bao phủ bởi máy tính và niềm đam mê của bố mẹ đã bén rễ trong Page khát khao tạo dựng một thế giới mới bằng công nghệ. “Có lẽ từ lúc 12 tuổi, tôi đã biết sau này chắc chắn mình sẽ mở một công ty”.
Nhưng không chỉ có những mộng mơ về khoa học, Page sớm học được rằng kinh doanh còn là thực tế khắc nghiệt về những con số kế toán sau khi đọc tiểu sử của nhà khoa học nổi tiếng Nikola Tesla - người đã chết trong bần hàn dù sở hữu bộ óc thiên tài.
“Tôi hiểu rằng phát minh nhiều không hẳn là tốt, mà đưa nó vào ứng dụng cuộc sống xã hội mới là điều quan trọng nhất”, Page tâm sự.
Ngoài sở thích về đồ điện, Page cũng dành nhiều thời gian học kèn saxophone. Page từng chia sẻ với tờ Fortune rằng việc chơi nhạc đã dẫn dắt ông tạo nên thành tựu tốc độ cao của Google, theo nguyên lý chạm tay lên phím thì tốc độ truyền âm chỉ diễn ra trong vòng vài mili giây.
Trong khi đó, Sergey Brin (tên khai sinh là Sergey Mikhaylovich Brin) đến Mỹ dưới sự hỗ trợ của một hiệp hội di dân Do thái. Quê nhà của ông là ở Nga, nơi bố mẹ Sergey Brin - một nhà khoa học và một nhà kinh tế học gốc Do thái - phải sống dưới con mắt định kiến của xã hội. Lúc đặt chân đến xứ cờ hoa, Brin mới 6 tuổi, dành nhiều thời gian học ở nhà với bố - giáo sư Toán học tại Đại học Maryland - hơn là đến trường.
Năm 1993, Sergey Brin lấy bằng cử nhân danh dự tại đại học Maryland, nhận học bổng từ Hiệp hội khoa học quốc gia, và đến Stanford học tiếp tiến sĩ. Năm 1995, Sergey Brin gặp Page. Ban đầu, hai người chẳng ưa gì nhau, thường xuyên tranh cãi mọi chuyện. Nhưng những cuộc tranh luận đó cuối cùng lại gây dựng tình bạn của họ, dựa trên niềm đam mê chung về công nghệ và Internet.
Với ý tưởng ban đầu là tạo ra một trang web có thể tải được hàng tỷ liên kết web khác, xếp hạng dựa trên tần suất được tìm kiếm, Page rủ Brin tham gia, và tạo nên PageRank - thuật toán nền tảng của Google Search. Sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, ngay trên mạng nội bộ của Stanford.
Nếu tìm kiếm về Brin trên mã nguồn sơ khởi này, mục tiêu nghề nghiệp của ông được gói gọn bằng mô tả rất đơn giản: “Một văn phòng lớn, lương cao và công việc ít. Có thể di chuyển thường xuyên đến các vùng đất xa lạ sẽ là một lợi thế”.
Từ nhà kho giá thuê 1.700 USD đến công ty nghìn tỷ USD
Ban đầu, cả hai lấy ký túc xá trường làm nơi hoạt động chính, nhưng đến năm 1998 thì chuyển về gara ô tô của gia đình một người bạn. Page và Brin lấp đầy căn phòng bằng những chiếc bàn gỗ để máy tính, tấm thảm lông xù màu xanh ngọc lam và bàn bóng bàn.
Từ thuật toán PageRank, Page và Brin lấy tên công cụ tìm kiếm của mình là Backrub, sau đó nhanh chóng đổi thành Google (nguyên bản là “googol” - một dãy số với số 1 đứng đầu và 100 số 0 theo sau). Dù Google giờ đây là một công cụ quảng cáo và kiếm tiền, nhưng khi đó, ý tưởng của hai đồng sáng lập Google chẳng liên quan gì đến cỗ máy bán quảng cáo cả. Khi ấy, xếp hạng trang web hiển thị hoàn toàn dựa trên ưu tiên đọc của người dùng, thay vì cho thấy ai bỏ ra nhiều tiền hơn.
Cùng năm 1988, Page và Brin đã nghĩ tới việc bán lại Google. Hai chàng trai trẻ không ai nhận ra tiềm năng to lớn của công cụ này, vậy nên mức giá mà họ hướng tới chỉ là 1 triệu USD, với đối tác được chọn là Công ty Excite.
Nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng kiêm sáng lập viên của Excite là Vinod Khosla đang đi đến đàm phán với Page và Brin mức giá 750.000 USD, nhưng CEO của Excite, George Bell, vẫn không chấp nhận thỏa thuận này. Đó rõ ràng là quyết định sai lầm, vì Google hiện có vốn hoá thị trường tới 1.560 tỷ USD.
Ở Google, vai trò của Page là CEO, còn Brin là chủ tịch kiêm giám đốc kỹ thuật. Nhưng đến năm 2001, Eric Schmidt thay thế Page trên chiếc ghế CEO. Page lui về với vai trò sáng lập viên, đưa ra ý tưởng trên một bức tranh tổng thể thay vì làm công việc quản lý - điều mà ông tự nhận bản thân không giỏi.
Năm 2004, Google niêm yết trên sàn chứng khoán, Page và Brin nhanh chóng ghi tên mình vào danh sách tỷ phú thế giới. Hai người bạn cũng nằm trong top 5 nhân vật quyền lực nhất thế giới vào thời đó.
Năm 2011, Page quay trở lại vị trí CEO khi Schmidt trở thành chủ tịch điều hành của Google. Mùa hè năm 2015, Google thông báo kế hoạch tái cấu trúc và thành lập công ty mẹ mang tên Alphabet - công ty quản lý tất cả các mảng kinh doanh của hãng. Google tiếp tục tập trung vào các sản phẩm cho Internet. Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Sundar Pichai trở thành CEO Google. Larry Page và Sergey Brin lần lượt giữ vị trí CEO và chủ tịch Alphabet.
Lúc này, mối bận tâm của Page và Brin đã rời xa hoạt động lõi của Google. Page muốn theo đuổi đam mê với các thiết bị thông minh trong nhà, lan tỏa Internet thông qua dự án Project Loon và kéo dài cuộc sống của con người. Trong khi đó, Brin hứng thú với các vấn đề nằm ngoài thế giới, như du hành vũ trụ và thế giới người máy thông qua việc dành phần lớn thời gian ở GoogleX - nơi được mệnh danh là “phòng thí nghiệm bí mật của Google”.
Ngày 3/12/2019, Page và Brin cùng tuyên bố từ chức khỏi các vai trò đang đảm nhiệm tại Alphabet, thay vào đó chỉ còn là người cố vấn. Dẫu vậy, tài sản được định giá lớn nhất của cặp bài trùng Google vẫn là số cổ phiếu nắm giữ tại Alphabet và Google. Hiện Larry Page là người giàu thứ 8 thế giới với 93 tỷ USD tài sản, còn Sergey Brin là 89 tỷ USD.
Người chung thủy, kẻ ưa phiêu lưu
Larry Page và Sergey Brin hợp cạ nhau đến mức cùng sở hữu chung tới 8 chiếc phi cơ, trong đó có một chiếc Boeing 767 đã được tân trang. Hai người bạn thậm chí kết hôn vào cùng năm: 2007.
Tuy nhiên, nếu Page khá kín tiếng về đời sống riêng tư và hạnh phúc với cuộc hôn nhân dài 14 năm thì Brin lại phiêu lưu hơn hẳn trong cuộc sống tình ái. Cuộc hôn nhân đầu tiên của Brin kết thúc vào tháng 6/2015 sau khi Brin dính tin đồn có mối quan hệ ngoài luồng với giám đốc tiếp thị Google Glass. 3 năm sau, Brin tái hôn với một sáng lập viên công nghệ địa phương.
Dẫu vậy, về quan điểm với tài sản và cách tiêu tiền, Page và Brin vẫn cho thấy những điểm chung hoàn hảo. Nếu Larry Page nổi tiếng với mong muốn có cuộc sống bình thường nhất có thể, không mấy mặn mà với số tài sản kếch sù thì Brin luôn quan điểm có thể tìm thấy hạnh phúc mà không cần sở hữu quá nhiều thứ. Page vẫn thích tự lái xe chở vợ con đi hội chợ, còn Brin vẫn xem giá cả khi mua quần áo.
Tất nhiên, họ đều biết hưởng thụ. Brin sở hữu khá nhiều dự án bất động sản ở cả New York lẫn Los Altos, một chiếc siêu du thuyền giá 80 triệu USD; trong khi Page có tư dinh trị giá 7 triệu USD và du thuyền giá 45 triệu USD.