"Hãy đưa lại cho chúng tôi những quần áo mà bạn không còn muốn mặc nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ đem chúng đi tái sử dụng, tái chế, để cho chúng có một 'vòng đời mới'" - Đó là những gì được ghi trên trang web của H&M vài năm trở lại đây như một lời khích lệ khách hàng bỏ quần áo cũ vào thùng tái chế của cửa hàng.
Tuy nhiên, mới đây, một tờ báo Thụy Điển Aftonbladet đã tiết lộ, quần áo được thu gom này không được tái chế như những gì hãng H&M đã hứa với người tiêu dùng.
Lộ diện con đường đi của quần áo cũ
Theo tờ Borsen đưa tin, để thuyết phục và khích lệ khách hàng, hãng thời trang cam kết thu gom quần áo cũ sau đó bán lại dưới dạng đồ cũ, hoặc tái chế. Người đưa quần áo cũ bỏ vào thùng thu gom của H&M sẽ nhận được một phiếu giảm giá.
Để tìm hiểu đường đi của số quần áo cũ, nhóm phóng viên đã giấu thiết bị theo dõi gắn chip GPS vào trong 10 sản phẩm còn dùng tốt và bỏ vào thùng thu gom. Dữ liệu cho thấy, quần áo cũ được đưa tới 3 cơ sở phân loại tại Đức, sau đó 3 trong số 10 sản phẩm đã theo tàu biển tới Beni, một nước ở Tây Phi.
Theo Aftonbladet, số quần áo cũ trên đã di chuyển tổng cộng 60.000 km với nhiều phương tiện khác nhau như tàu biển và xe tải. Quãng đường 60.000 km này tương đương với 1,5 lần vòng quanh thế giới.
Sự thực là H&M không tái chế. Vải sợi là chất liệu hầu như không thể tái chế. Ở châu Âu, thông thường khoảng 1% rác quần áo được nghiền nát để tạo ra nguyên liệu thấp cấp, 99% còn lại cho vào lò đốt.
Đề cập đến vấn đề này, tờ Vasterbottens của Thụy Điển tiết lộ, từ đầu năm tới nay, 3 công ty nhận quần áo cũ của H&M đã xuất khẩu 5.711 kiện quần áo sang châu Phi, tương đương hơn một triệu sản phẩm may mặc.
Khi tới châu Phi, một nửa số quần áo cũ nhập khẩu từ châu Âu bị vứt bỏ, do đã rách hỏng, hoặc quá ấm so với khí hậu xứ nóng. Số khác lại có kích thước quá rộng/quá chật, màu sắc kiểu dáng không phù hợp với lối sống địa phương.
Điều đó cho thấy, số lượng quần áo cũ không còn được sử dụng nữa ở châu Âu, lại bị mang vứt bỏ ở châu Phi.
... và mặt tối của thời trang nhanh
Không thể phủ nhận, hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới, ai cũng có nhu cầu mặc quần áo đẹp, mặc quần áo mới. Thống kê cho thấy, mỗi năm tại châu Âu, một người tiêu dùng bình thường thải ra các bãi rác khoảng 11kg quần áo không dùng tới, vì chúng đã lỗi mốt, cũ. Với một người tiêu dùng Mỹ, con số này có thể cao gấp 3 lần.
"Mỗi năm, khoảng 100 tỷ bộ quần áo được sản xuất, sau đó được mặc trung bình 7 lần trước khi bị vứt bỏ", một đoạn trong bài viết trên tờ Aftonbladet đề cập.
Số lượng quần áo không dùng đến này ngày một tăng nhanh và "điểm đến cuối cùng" thường là những bãi rác trên toàn cầu hay đại dương.
Trang Business Insider đưa tin, năm 2021, một vệ tinh ngoài không gian chụp được hình ảnh sa mạc Atacama của Chile - vốn là bãi rác thải chuyên đồ thời trang, may mặc. Kính vệ tinh cho thấy, 39 triệu tấn đồ dệt may, thời trang ế ẩm, tồn kho từ khắp các quốc gia trên thế giới đã bị đổ về sa mạc Atacama của Chile tạo thành một "điểm nhấn bất đắc dĩ" nhìn thấy được từ ngoài không gian. Điều này chứng tỏ kích thước của bãi rác này rất lớn.
Dệt may là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ. Phần lớn thời trang nhanh sử dụng vật liệu rẻ như Polyester - một loại chất liệu rất phổ biến. Tuy nhiên, để sản xuất ra vật liệu này, người ta phải thải ra 706 triệu tấn khí CO2 mỗi năm và mất cả ngàn năm để phân hủy.
Ngoài ra, hơn 60% sợi vải hiện nay là chất tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu mỏ. Nếu không vứt vào bãi rác, quần áo bỏ đi sẽ được chôn lấp và tiêu hủy bằng cách đốt. Vậy nhưng, polyester - loại sợi được sử dụng phổ biến nhất trong thời trang nhanh, được làm từ nhựa và không bao giờ bị phân hủy hoàn toàn. Thay vào đó, chúng hoạt động giống như các dạng nhựa khác (hạt vi nhựa), hiếm khi được tái chế, mất nhiều năm để phân hủy, gây hại tới nguồn nước và động vật hoang dã.
Các vi sợi tổng hợp cũng sẽ bị thải ra biển, nước ngọt và các nơi khác, bao gồm cả những phần sâu nhất của đại dương và các đỉnh núi băng cao nhất.
Bên cạnh đó còn là vấn đề về nước thải. Cần dùng đến 20.000 lít nước chỉ để sản xuất 1 kg sợi bông, tương đương với 1 cái áo phông và 1 chiếc quần bò. Theo một báo cáo năm 2019 của Liên Hợp quốc, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014. Ngành công nghiệp này chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu. Đây quả thực là "gánh nặng" rất lớn đè lên môi trường.
Quay trở lại vấn đề H&M, Tanja Gotthardsen - chuyên gia giải quyết mặt tối của ngành dệt may trong nhiều năm nhận định, khi bạn giao quần áo bỏ đi của mình cho H&M, bạn sẽ nhận được phiếu giảm giá cho lần mua hàng tiếp theo. Tuy nhiên, theo vị cố vấn này, điều này chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển đi sai hướng, vì quần áo tiếp tục trở thành một mặt hàng được kích thích mua sắm.
Rất nhiều niềm tin được đặt ở trong ý tưởng về “một hệ thống vòng tròn - hoặc khép kín - trong đó các sản phẩm được tái chế liên tục, tái sinh, tái sử dụng. Trên lý thuyết là không có gì đi vào thùng rác.” Nhưng những cân nhắc thực tế - chi phí, hiệu quả, hạn chế về nguồn lực của các doanh nghiệp dệt may thường không được giải quyết một cách triệt để.