Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao là chuyên gia lĩnh vực thanh toán

Thành Trung

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Lộc giữ chức vụ Phó trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại khu vực phía Nam.

Ông Nguyễn Hữu Lộc sinh năm 1989, Phó Trưởng Văn phòng đại diện NAPAS tại TP HCM. Thạc sĩ chuyên ngành tài chính - Đại học Ngoại Thương TP HCM. Ông Nguyễn Hữu Lộc là chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán và thương mại điện tử với trên 13 năm kinh nghiệm công tác tại NAPAS.

Ông Lộc từng có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại với các đối tác tài chính và doanh nghiệp quy mô lớn.

Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu mang dấu ấn của ông Lộc như lần đầu tiên ra mắt thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip VCCS, nâng cấp bảo mật cho giao dịch thẻ, triển khai mã VietQR cho toàn bộ các ngân hàng tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - ông Nguyễn Ngọc Dũng trao quyết định cho ông Nguyễn Hữu Lộc
Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - ông Nguyễn Ngọc Dũng trao quyết định cho ông Nguyễn Hữu Lộc

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lộc cho hay: “Theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu thanh toán không tiền mặt trên sàn thương mại điện tử đạt 50%. Trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80% vào năm 2025. Đây là thách thức không nhỏ và chúng tôi phải có nhiều phương án để thúc đẩy gia tăng hình thức này trong thời gian tới.”

Hiện nay, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện và lan tỏa của thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ, giúp kết nối các thị trường và người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Theo các chuyên gia, vài năm trở lại đây thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ rất nhanh, dự kiến đạt 52 tỷ USD năm 2025.

Với sự gia tăng của điện thoại thông minh, độ phủ internet và sự thay đổi về thói quen mua sắm của người tiêu dùng, người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì mua sắm trực tiếp. Những yếu tố trên đã góp phần vào việc thúc đẩy thương mại điện tử trở thành một lĩnh vực rất sôi động tại Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục