Hé lộ vợ của ca sỹ Phạm Khánh Phương
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Phạm Khánh Phương - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (mã ck: SJC) vừa báo cáo bán ra 901.520 cổ phiếu SJC trong phiên giao dịch ngày 16/6, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu tại Công ty Sông Đà 1.01 xuống còn 13,1%, tương ứng nắm giữ gần 909.000 cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong báo cáo này đã hé lộ mối quan hệ giữa ca sỹ Phạm Khánh Phương và bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, kiêm giám đốc SJC. Theo đó, bà Vũ Thị Thúy là Vợ của ông Phạm Khánh Phương.
Theo thông tin công bố, bà Thúy sinh năm 1983, đang nắm giữ 22 cổ phiếu SJC, tương đương tỷ lệ sở hữu chứng khoán là 0,0003%.
Ngoài đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc SJC, bà Vũ Thị Thúy cũng được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam.
Bên cạnh đó, bà Thúy cũng được giới thiệu là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Nhật Khang và đang nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu SJC, tương ứng tỷ lệ 14,69% vốn.
Chồng chủ tịch bị phạt 245 triệu đồng vì giao dịch không báo cáo
Ở một diễn biến liên quan, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Cụ thể, ông Phương bị phạt tiền 150 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Trong khoảng thời gian từ 23/6/2022 đến ngày 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (mã ck: SJC), tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%; ngày 23/12/2022, ông Phương đã thực hiện giao dịch mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán 21.800 cổ phiếu SJC làm tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 1,8 triệu cổ phiếu SJC (tương ứng tỷ lệ 25,81%) nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai.
Cá nhân này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, ông Phương còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.
Ngày 14/10/2022, ông Phương đã mua gần 97.000 cổ phiếu SJC dẫn đến khối lượng sở hữu tăng từ 289.200 cổ phiếu SJC (4,17%) lên 385.800 cổ phiếu SJC (5,56%), trở thành cổ đông lớn của SJC nhưng không báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Bên cạnh đó, ông Phương còn bị phạt tiền 35 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SJC có thời điểm tháng 1/2023 tăng vọt lên đỉnh 18.600 đồng/đơn vị trong bối cảnh Công ty tái cấu trúc toàn bộ HĐQT. Hiện, thị giá cổ phiếu này đã điều chỉnh về mức 12.600 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 32% so với đỉnh.
SJC thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Một số dự án do SJC làm chủ đầu tư có thể kể đến như chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala và tòa nhà CT1 Văn Khê. Công ty có vốn điều lệ 72,3 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.
Về kết quả kinh doanh, từ năm 2012 đến nay, doanh thu của SJC phủ màu xám khi, lãi của SJC ghi nhận quanh ngưỡng vài tỷ đồng, có thời điểm ghi nhận lỗ.
Năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 5 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ, do chi phí tài chính tăng đột biến. SJC cho biết, khoản chi phí này do ghi nhận tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc của quỹ Kinh phí bảo trì dự án nhà chung cư cao tầng Hemiso ở Phúc La, Hà Đông.