Bị phạt vì giao dịch không báo cáo
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Cụ thể, ông Phương bị phạt tiền 150 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Trong khoảng thời gian từ 23/6/2022 đến ngày 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC), tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%; ngày 23/12/2022, ông Phương đã thực hiện giao dịch mua 100 nghìn cổ phiếu SJC và bán 21,8 nghìn cổ phiếu SJC làm tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 1,8 triệu cổ phiếu SJC (tương ứng tỷ lệ 25,81%) nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai.
Cá nhân này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm và buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.
Ông Phương còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Ngày 14/10/2022, ông Phương đã mua gàn 97 nghìn cổ phiếu SJC dẫn đến khối lượng sở hữu tăng từ 289.200 cổ phiếu SJC (4,17%) lên 385.800 cổ phiếu SJC (5,56%), trở thành cổ đông lớn của SJC nhưng không báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Chưa dừng lại, ông Phương tiếp tục bị phạt tiền 35 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Từ ngày 21/10/2022 đến ngày 30/12/2022, ông Phương liên tục thực hiện mua và bán cổ phiếu SJC, làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của ông Phương và nhóm người liên quan sau giao dịch vượt ngưỡng 1% cổ phiếu có quyền biểu quyết của SJC, cụ thể: tăng từ 5,56% lên 8,42%; tăng từ 47,66% lên 48,62%; giảm từ 48,13% xuống 24,53%; giảm từ 48,06% xuống còn 47,83%; tăng từ 47.83% lên 48.26%; tăng từ 25,81% lên 26,04%, nhưng ông Phương không báo cáo/báo cáo không đúng thời hạn Sở GDCK HN khi có thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu SJC.
Cổ phiếu nổi sóng với sự xuất hiện của ca sỹ
Là một doanh nghiệp quy mô nhỏ với vốn điều lệ chỉ khoảng 70 tỷ đồng, Sông Đà 1.01 bất ngờ được chú ý đến nhiều kể từ khi ca sỹ Khánh Phương tham gia HĐQT sau kỳ ĐHĐCĐ bất thường cuối năm ngoái. Trước đó, ông Phương đã trở thành cổ đông lớn của SJC sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51% vốn vào ngày 28/10/2022.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, ca sỹ Khánh Phương tiếp tục có nhiều giao dịch mua/bán cổ phiếu SJC. Khối lượng mua khá nhỏ chỉ khoảng vài chục nghìn đơn vị mỗi lần. Ngược lại, cá nhân này lại bán ra đến 1,6 triệu cổ phiếu vào ngày 25/11 - thời điểm SJC cũng đang dừng ở mức 9.800 đồng/cp. Ông Phương hiện còn nắm giữ gần 1,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 24,26%) và đang là cổ đông lớn nhất tại Sông Đà 1.01.
Bắt đầu nổi nóng từ tháng 9 năm ngoái, thời điểm Khánh Phương mua vào, cổ phiếu SJC đã tăng một đoạn khá mạnh. Sau sự xuất hiện của ca sỹ Chiếc khăn gió ấm, SJC lại tiếp tục tăng dựng đứng và lên đạt đỉnh và đầu tháng 1/2023 cùng mức tăng 9 lần sau hơn 4 tháng.
Cổ phiếu này sau đó đã quay xe chóng vánh và rơi một mạch về vùng giá quanh 4.500 đồng/cp vào cuối tháng 3. Số cổ phiếu còn lại trong tay Khánh Phương hết lãi nhưng cá nhân này trước đó đã kịp “bỏ túi’ khoảng hơn 6 tỷ nhờ chốt lời gần một nửa vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Từ đầu tháng 4 đến nay, SJC lại bất ngờ nổi sóng và nhanh chóng tăng gấp 3 lần sau chưa đầy 3 tháng. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 14.300 đồng/cp, dù chưa về lại đỉnh cũ nhưng Khánh Phương đã lãi lớn với số cổ phiếu đang nắm giữ, ước tính khoảng hơn 14 tỷ đồng. Có thể thấy số tiền bị phạt do mua chui cũng không thấm vào đâu so với khoản tiền lời từ cổ phiếu.
Bóng dáng của Nhập Nam Group
Việc đầu tư của Khánh Phương dường như chỉ là bước trung gian cho sự xuất hiện của Bất động sản Nhật Nam, cái tên không mấy xa lạ với nam ca sĩ này. Cùng ngày Khánh Phương bán ra lượng lớn cổ phiếu, bà Vũ Thị Thuý đã mua vào cùng khối lượng hơn 1,63 triệu cổ phiếu qua đó trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 23,53% vốn điều lệ.
Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối năm ngoái, ban lãnh đạo SJC đã trình và được thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ ba thành viên HĐQT cũ. Số lượng thành viên HĐQT của SJC nhiệm kỳ 2022 - 2027 được điều chỉnh tăng từ 3 lên 5 thành viên, gồm bà Vũ Thị Thúy (SN 1983), ông Phạm Khánh Phương (SN 1981), ông Trịnh Văn Tôn (SN 1984), ông Nguyễn Văn Đức (SN 1982) và ông Tạ Văn Trung (SN 1956).
Sau cuộc họp, HĐQT đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật SJC, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin. Bà Vũ Thị Thúy được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, ông Trịnh Văn Tôn là Phó Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam, còn ông Nguyễn Văn Đức là Tổng Giám đốc CTCP Nam Nhật Khang, thành viên Ban chiến lược Bất động sản Nhật Nam.
Đến cuối tháng 3/2023, bà Thúy đã thoái toàn bộ sở hữu tại SJC, tuy nhiên động thái này dường như chỉ là “tay trái chuyển qua tay phải” khi SJC có thêm hai cổ đông lớn đều liên quan tới Bất động sản Nhật Nam. Trong đó, Nam Nhật Khang nâng sở hữu lên gần 15%, còn một cổ đông lớn khác là CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam với sở hữu hơn 10%.
Kinh doanh bết bát
SJC thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Một số dự án do SJC làm chủ đầu tư có thể kể đến như chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala và tòa nhà CT1 Văn Khê.
SJC từng là một trong những doanh nghiệp niêm yết trên HNX từ rất sớm, vào những năm 2007 - 2008. Đến năm 2014, Công ty có vốn điều lệ 72.3 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay. Giữa năm 2021, cổ phiếu này bị hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin, chậm nộp BCTC năm trong ba năm liên tiếp từ 2018 - 2020, buộc phải xuống sàn upCOM. Tuy nhiên, SJC chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, do chưa khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn chế giao dịch.
Đầu tháng 05/2022, cổ phiếu SJC tiếp tục duy trì diện hạn chế giao dịch do Công ty chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với BCTC năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục. Đến giữa tháng 01/2023, việc hạn chế giao dịch của cổ phiếu SJC vẫn tiếp diễn.
Cùng với việc không công bố thông tin đầy đủ, kết quả kinh doanh của SJC cũng không mấy khả quan. Từ năm 2012 đến nay, năm lãi cao nhất của SJC ghi nhận lợi nhuận loanh quanh ngưỡng vài tỷ đồng, nếu không cũng lỗ vài trăm triệu đến vài tỷ. Doanh thu trồi sụt, biến động mạnh qua các năm.
Năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 5 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ, do chi phí tài chính tăng đột biến. SJC cho biết, khoản chi phí này do ghi nhận tiền lãi chậm trả tính trên nợ gốc của quỹ Kinh phí bảo trì dự án nhà chung cư cao tầng Hemiso (Phúc La, Hà Đông).