Im lặng là tội ác
Trao đổi với doanhnhan.vn, Đại tá - Tiến sĩ (TS) Đỗ Cảnh Thìn (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, ấu dâm không chỉ là một dạng bệnh lý mà còn là sự rối loạn về nhân cách, sai lệch về nhận thức của con người. Những yếu tố ràng buộc về mặt đạo đức con người bị lỏng lẻo và trở nên xấu đi, có nguyên nhân từ môi trường sống, môi trường xã hội, những yếu tố sinh hoạt gây biến đổi về nhân cách, chi phối hành vi của con người.
“Dưới tác động của văn hóa đa chiều, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, internet, trào lưu văn hóa... đang có sự thay đổi về mặt giá trị sống, những căn bệnh được gọi là biến thái về mặt nhận thức, về mặt tư duy, về mặt tâm sinh lý... có điều kiện được bộc lộ. Một nhóm người nào đó trở nên bệnh hoạn hơn, đòi hưởng thụ nhiều hơn, thích thỏa mãn các nhu cầu khác lạ, thích thể hiện các nhu cầu bản thân một cách tự do hơn, cho nên các đối tượng này có xu hướng muốn thực hiện hành vi phạm tội đó. Như vậy có thể nói, ấu dâm liên quan đến cả tâm lý, sinh lý, bệnh lý, cả về nhận thức, giáo dục chứ không đơn thuần chỉ là một thứ bệnh hay hành vi phạm tội”, TS.Cảnh Thìn nhấn mạnh.
Theo TS.Đỗ Cảnh Thìn, trẻ em bị xâm hại tình dục thường xảy ra ở các địa bàn có yếu tố thuận lợi cho hành vi của thủ phạm như tại các điểm vui chơi, giải trí của trẻ em; nơi các em không có sự trông coi của cha mẹ, người thân; những nơi vắng vẻ, đêm tối... Thống kê cho thấy, hơn 90% thủ phạm của những vụ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em có mối quan hệ thân quen, gần gũi với gia đình nạn nhân chứ không phải là đối tượng xa lạ.
Cũng theo TS.Thìn, bất kể lứa tuổi nào cũng đều có thể trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”, nhưng độ tuổi trẻ bị xâm hại đang có xu hướng trẻ hóa. Các em nhỏ từ 8 tuổi-13 tuổi thường bị xâm hại nhiều hơn, vì đây là độ tuổi các em có sự trưởng thành nhất định về mặt thể chất và sinh lý nhưng lại chưa có ý thức bảo vệ bản thân như nhận thức về tình cảm, sinh lý còn nhiều hạn chế.
“Đối tượng có sở thích ấu dâm thường có biểu hiện nhìn ngó, bình phẩm về hình dáng trẻ em một cách không bình thường hoặc có những hành vi, lời nói thể hiện những đam mê dục vọng bất thường... Nghiên cứu những đối tượng tội phạm nước ngoài cho thấy, ấu dâm có hai loại hành vi: Một là thích quan hệ với trẻ em; hai là hành hạ làm trẻ đau đớn. Chính vì thế, loại tội phạm này đã và đang gây căm phẫn trong dư luận”, TS.Thìn chia sẻ.
Ông Thìn cho rằng kỹ năng giáo dục trẻ, giúp trẻ em hiểu, nhận thức được mối nguy hiểm để tự phòng vệ, tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại còn kém. Cha mẹ chưa giáo dục các em biết được những ai có thể thay quần áo, cởi quần áo cho mình, những ai được ngủ chung với mình, những ai được đụng chạm vào người mình, ôm hôn mình và những ai không được đụng chạm vào mình. Cha mẹ cũng chưa giáo dục, bảo ban các con là khi xảy ra các tình huống bất lợi thì phải biết tự phòng vệ bằng cách kêu lên, hô hoán, chống đối, hay cách thức gì để thoát ra khỏi hoàn cảnh nguy hiểm đó...
“Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em một cách khoa học, bài bản chắc chắn sẽ hình thành ở các em một nhân cách tâm lý tích cực và làm hạn chế những tiêu cực trong nhận thức, hành vi, thái độ, thói quen xấu và ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”, vị chuyên gia tội phạm học khẳng định.
TS.Thìn tin rằng ngoài những vụ việc được đưa ra ánh sáng, còn rất nhiều vụ "chìm xuồng" do những thỏa thuận, dọa dẫm, khống chế... hay từ chính tâm lý e sợ, ngại ngần của các bậc phụ huynh. Ông nhấn mạnh, cha mẹ đừng im lặng khi con bị xâm hại tình dục. Việc che giấu tội phạm hoặc đàm phán với kẻ phạm tội không những không mang lại “hòa bình” mà còn làm cho trẻ có tâm lý lo sợ, không còn niềm tin vào lẽ phải, sự đúng sai.
Nỗi đau theo suốt cuộc đời con...
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Thực tế, hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam luôn nặng nề trầm trọng suốt bao nhiêu năm trời. Gần đây, do các cha mẹ tư tưởng tiến bộ hơn, đã dám đứng lên nói sự thật để tố giác tội phạm nên chúng ta đã biết thêm nhiều trường hợp đau lòng. Tuy vậy, tình trạng che giấu vẫn xảy ra. Vì thế, tôi nghĩ, chúng ta còn phải đau lòng nhiều hơn nữa nếu biết toàn bộ các sự thật đáng sợ”.
Qua tiếp xúc, trò chuyện với những đứa trẻ từng bị xâm hại tình dục, TS.Hương tâm sự, tim bà như thắt lại khi nhìn thấy một chiếc quần nhỏ xíu đẫm máu, khi chứng kiến những giọt nước mắt của các cô gái kể lại những câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, khi lắng nghe câu chuyện về một cháu bé vừa khóc vừa tắm, kì cọ quá kĩ lưỡng sau khi bị kẻ xấu làm hại...
TS.Hương khẳng định, di chứng để lại về thể chất và tâm hồn những đứa trẻ bị xâm hại tình dục rất nặng nề. Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội.
Di chứng để lại trong tâm hồn và thể xác những đứa trẻ bị xâm hại tình dục rất nặng nề. (Ảnh minh họa)
Với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình.
Với các con, những em bé đã từng bị xâm hại tình dục, khoái cảm tình dục sau này của các con sẽ chấm dứt từ khi chưa bắt đầu xuất hiện. Các con sẽ không bao giờ có nổi niềm hạnh phúc trọn vẹn bên người mình yêu thương. Cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác rằng mình đã từng bị xâm hại cho đến nỗi đau đớn và sợ hãi rằng kịch bản kinh hoàng kia sẽ một lần nữa lặp lại đã lấy đi của con tất cả.
Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị tổn thương hoàn toàn bộ phận sinh dục sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh xắn, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi xuống mồ.
TS.Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên, khi trẻ bị xâm hại tình dục, việc cha mẹ trẻ cần làm là ngay lập tức đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, đồng thời lưu lại hồ sơ bệnh án để làm căn cứ tố giác tội phạm. Ngoài ra, các cha mẹ cần tham vấn các chuyên gia tâm lý để họ giúp đỡ con lấy lại tinh thần.
“Việc tố giác tội phạm sẽ khiến con được an ủi rằng con đã không may gặp kẻ xấu và kẻ đó đang bị trừng phạt. Đó không phải là các cha mẹ đang giúp đỡ cháu khác mà là đang giúp chính con mình lấy lại tinh thần sau một tai nạn khủng khiếp”, bà Hương nói.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
Thực tế có không ít gia đình cho rằng khi con bị xâm hại tình dục thì nên im lặng để tránh điều tiếng, chấp nhận tiền đền bù của thủ phạm và bỏ qua mọi việc thay vì đưa sự việc ra trước pháp luật để bảo vệ con mình. TS.Thu Hương cho rằng, chính thái độ che giấu của cha mẹ sẽ khiến con vô cùng thất vọng. Các con sẽ thấy mình đơn độc, cha mẹ không bênh vực và bảo vệ mình. Sau đó, con trở nên xa cách với cha mẹ, mất lòng tin ở cha mẹ ruột của mình.
“Khi đứa trẻ bị phơi bày cơ thể mình trong tay 1 kẻ xa lạ, chắc chắn, con sẽ rất giận bản thân vì đến cơ thể mình cũng không thể bảo vệ nổi. Nỗi bất lực trước sức mạnh cơ bắp, nỗi hoảng sợ khi thấy mình hoàn toàn vô dụng, sự ghê tởm khi phải trực tiếp tham gia vào một cuộc sinh hoạt tình dục gượng ép khiến cho trẻ cảm thấy tội lỗi. Các cháu nghĩ rằng chính mình có tội, chắc chắn mình phải làm gì đó thì mới khiến cho kẻ kia chọn mình để xâm hại mà không phải là bạn khác”, TS.Hương chia sẻ.
Theo bà, “phương thuốc” để giúp đỡ những đứa trẻ từng bị xâm hại tình dục có thể cân bằng lại cuộc sống đó là cha mẹ phải khẳng định với con rằng con không làm sai chuyện gì và đây là một tai nạn do một kẻ xấu gây ra. Điều đó sẽ khiến đứa trẻ thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và nhanh chóng lấy lại bình an. Tuy nhiên, quá trình lấy lại niềm vui cho con không hề đơn giản, chắc chắn cha mẹ sẽ mất rất nhiều thời gian...
Theo TS.Vũ Thu Hương, để giúp trẻ tự bảo vệ mình và ứng phó với hoàn cảnh bất lợi, cha mẹ nên cùng con chơi các trò chơi đóng vai. Cha mẹ đóng vai kẻ xấu và con sẽ thoát ra. Ngoài ra, dưới đây là một số điều cha mẹ cần dạy con:
- Khi muốn đi đâu ra khỏi nhà cần xin phép cha mẹ.
- Khi cha mẹ nhờ ai đón hộ cần có “mật mã” để trao đổi với con tránh bị bắt cóc.
- Dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ.
- Nếu có ai yêu cầu con giúp đỡ, con phải chạy đi báo cho các chú công an, cảnh sát và người lớn vì trẻ em không đủ khả năng làm việc này.
- Cần thuộc các số điện thoại của người thân.
- Không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng.
- Đi chơi, trẻ nên đi cùng nhóm bạn từ 3-4 người.
- Không cho phép trẻ một mình ra ngoài đường khi trời tối.
- Không cho ai động chạm vào phần kín của mình.
- Khi thấy ai đó khả nghi đi theo mình, lập tức đi về phía chú công an và nhờ chú đưa về nhà. Nếu trên đường không có chú công an nào thì chọn 1 bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
- Khi bị ai đó bắt thì không hét cứu con với mà hét cháy nhà. Hét thật to và vùng bỏ chạy.