Sự vắng bóng của các thương vụ M&A (Mua bán và sáp nhập) có giá trị lớn là do các quốc gia trên thế giới đã đóng cửa nền kinh tế để chống chọi với đại dịch Covid-19. Cho đến nay, trên thế giới đã ghi nhận hơn 2,33 triệu ca nhiễm bệnh và 165.000 người tử vong.
Hoạt động sáp nhập trên toàn cầu tính đến nay đã giảm 33% so với năm trước, ở mức 762,6 tỷ USD và là con số thấp nhất trong lịch sử ngành giao dịch kể từ năm 2013. Số lượng các giao dịch cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng tôi dự đoán quý này sẽ có ít thỏa thuận được ký kết bởi các bên đều cần nhiều thời gian để vượt qua những tác động của tình hình Covid-19” - ông Robert Wright của công ty luật Baker McKenzie nói.
Trong bối cảnh các điều kiện giao dịch thay đổi cùng với sự bất ổn ở mức độ cao, nhiều công ty đã hủy bỏ các giao dịch đã thông báo trước đó. Công ty Alimentation Couche-Tard (ATDb.TO) của Canada ngày 21/4 cho biết họ sẽ tạm hoãn lại việc mua lại công ty khai thác xăng dầu Caltex Australia Ltd (CTX.AX) trị giá 5,6 tỷ USD, khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm mạnh và công ty cũng đang tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Các nhà quản lý trên toàn thế giới cũng đang thắt chặt các luật lệ đối với đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ tài sản quốc gia. Ấn Độ tuần trước đã ra phán quyết rằng các cá nhân, tổ chức từ các nước giáp ranh biên giới, nếu muốn đầu tư vào sẽ phải được sự chấp thuận của chính phủ như một động thái nhằm kiềm chế “các thương vụ mua bán cơ hội”.
Tương tự, Australia và Đức cũng đã tăng cường giám sát đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các thương vụ lớn hầu hết đều đã bị đình trệ vì người mua cần chờ đợi để có thể đánh giá chính xác tác động của đại dịch Covid-19. Các nhà giao dịch đang tìm kiếm các cơ hội làm việc khác với các công ty đang cần giải cứu, tái cấu trúc và có tiềm năng quốc hữu hóa khi mà các chính phủ và ngân hàng trung ương cố gắng củng cố nền kinh tế. Bên cạnh đó, những nỗ lực nhằm hỗ trợ sự hồi phục của hoạt động M&A cũng đang được tiến hành.
Trong một báo cáo vào tháng 3, công ty tư vấn EY cho biết khoảng 56% trong số hơn 2.900 giám đốc điều hành đã lên kế hoạch cho các giao dịch mua lại trong vòng 12 tháng tới. Họ cần nhìn xa hơn tình hình khủng hoảng hiện tại để đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Nếu có bất cứ sự suy giảm lâu dài nào do cuộc khủng hoảng hiện tại, các CEO nên dũng cảm hơn với tham vọng của mình và tìm cơ hội để lấy về khối tài sản từ các giao dịch mua lại. Điều này sẽ giúp họ tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết.