Sự sụp đổ của Virgin Australia có thể chỉ là sự khởi đầu của một cuộc cải tổ triệt để của ngành hàng không châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tờ Nikkei Asian Review nhận định.
Ông Peter Harbison, Chủ tịch danh dự của công ty nghiên cứu hàng không CAPA cho biết: "Không có nghi ngờ gì về sự gián đoạn trong hoạt động hàng không thời điểm này và chắc chắn nó còn kéo dài một thời gian nữa".
Một vài đường bay ngắn sẽ được nới lỏng và có thể sớm được mở lại, nhưng giá vé của hãng hàng không giá rẻ sẽ có sự cạnh tranh tốt hơn. "Dù được mở đường bay lại nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ không hề cao", Harbison nói thêm.
"Một số hãng hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương không thể đảm bảo việc tài chính dù đã xin cứu trợ từ chính phủ nên đã nộp đơn xin phá sản", Brendan Sobie, người sáng lập công ty tư vấn hàng không Sobie có trụ sở tại Singapore cho biết. "Con số chắc chắn sẽ còn tăng lên trong tuần tới".
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng, doanh thu từ các hàng không châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm 113 tỷ USD so với năm ngoái. Doanh thu vận tải hành khách trong khu vực vào tháng 3 đã giảm 88 tỷ USD, trong khi con số tính trên phạm vi toàn cầu thậm chí còn mất tới hơn một nửa.
Bức tranh về ngành hàng không thậm chí còn xám hơn khi Virgin Australia, một hãng hàng không châu Á, gục ngã sau khi Thủ tướng Scott Morrison từ chối lời kêu gọi về khoản cứu trợ trị giá 883 triệu USD. Công ty kiểm toán Deloitte sẽ tiếp quản quyền kiểm soát hãng hàng không Virgin Australia, và cho hay đã có một vài đối tác bày tỏ sự quan tâm đến việc tái cấu trúc hãng hàng không này, đồng thời sẽ nối lại các đường bay nội địa.
Chỉ trước đó một ngày, Hiệp hội các Đại lý du lịch và du lịch Malaysia (MATTA) cũng đã xin bơm vốn khẩn cấp vào Malaysia Airlines. Chính phủ Malaysia cho hay, việc sáp nhập hãng hàng không này với AirAsia Group sẽ trở thành giải pháp cứu nguy cho cả hai.
"Một quỹ cứu trợ khổng lồ là cần thiết để giúp hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines vượt qua khủng hoảng hiện tại và tạo đà mở rộng sau đó", chủ tịch MATTA, Tan Kok Liang, tuyên bố.
Sự hỗn loạn của hãng hàng không châu Á cũng "nhắm" đến cả hàng không Việt Nam. Vào cuối tháng trước, các hãng vận tải hàng không Việt Nam đã đóng cửa tất cả các đường bay quốc tế, chỉ duy trì bay nội địa trên 3 tuyến chính.
Theo tờ Nikkei, Vietnam Airlines đang có dự định bán 49% cổ phần tại hãng hàng không Angkor Air. Động thái này được cho là nhằm giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng của hãng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vietjet Air vừa cho biết đã đạt thoả thuận với các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế để hoãn trả nợ cho 70-80% khoản vay mua máy bay trong 3 - 12 tháng. Các đơn vị cho vay gồm Citibank và World Bank.
Cũng giống như nhiều hãng hàng không khác trên thế giới hiện rất cần tiền mặt để vượt qua khủng hoảng, cổ đông lớn nhất của Singapore Airlines là công ty nhà nước Temasek Holdings cho biết, sẽ bảo lãnh việc bán cổ phần và trái phiếu chuyển đổi lên tới 15 tỷ SGD.
Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Singapore là DBS sẽ cung cấp khoản vay 4 tỷ SGD. Hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines cũng đã buộc phải cắt giảm 96% công suất dự kiến ban đầu và duy trì đến cuối tháng 4.