VinFuture tạo sự thay đổi ở các quốc gia mới nổi
- Giải thưởng VinFuture đã thay đổi sự hình dung của Giáo sư về Việt Nam như thế nào?
- GS. Payne: Thay đổi rất lớn! Theo hiểu biết của tôi, Việt Nam có tiềm năng trở thành một quốc gia mạnh về khoa học - công nghệ, với những người trẻ rất thông minh.
Tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình, người dân Việt Nam đều được giáo dục rất tốt. Họ rất tận tâm với khoa học và muốn thay đổi thế giới. Điều đó rất ấn tượng. Tôi luôn nghĩ rằng mình cần phải quay lại Việt Nam để tiếp xúc với những người trẻ đó và giúp đỡ họ. Tôi hy vọng có thể truyền đạt cho họ một số kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Trên thực tế, tôi đang cố gắng hết sức sắp xếp thời gian để làm điều đó.
- Với cộng đồng khoa học quốc tế, họ nhìn nhận một giải thưởng tới từ Việt Nam như VinFuture ra sao, thưa Giáo sư?
- GS. Payne: Tôi nhận thấy, dù còn trẻ nhưng Giải thưởng VinFuture đang nhận được sự công nhận ngày càng lớn của cộng đồng khoa học quốc tế. Một trong những bằng chứng là năm nay giải thưởng đã nhận được số lượng đề cử rất lớn, lên tới 1.300 đề cử, gấp 3 lần so với mùa giải đầu tiên.
Bản thân tôi cũng rất tự hào giới thiệu Giải thưởng VinFuture tới Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh - đơn vị điều hành Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth. Xét ở một vài khía cạnh, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth có nét tương đồng với Giải thưởng VinFuture khi cũng dành cho lĩnh vực kỹ thuật và vì lợi ích của nhân loại.
Tuy nhiên, Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth không có đầy đủ góc nhìn như của Giải thưởng VinFuture. VinFuture khiến tôi đặc biệt ấn tượng qua việc giải thưởng làm nổi bật những thay đổi ở các quốc gia mới nổi. Nhiều giải thưởng khác không tập trung vào điều đó. Vì vậy, tôi đã giới thiệu và ca ngợi Giải thưởng VinFuture ở bất cứ nơi nào tôi đến.
“Tương lai nằm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”
- Cụ thể hơn, Giáo sư đánh giá thế nào về tầm ảnh hưởng của Giải thưởng VinFuture trong việc kết nối cộng đồng khoa học quốc tế?
- GS. Payne: Tôi tin rằng Giải thưởng VinFuture đã tạo ra tác động lớn tới các quốc gia mới nổi. Tôi muốn đóng góp những gì trong khả năng vì tôi tin rằng tương lai nằm ở Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Và, tôi muốn là một phần trong đó.
Thực tế, tôi rất vui mừng khi nhận thấy, Giải thưởng VinFuture đã giúp thế giới hiểu và chú ý đến những gì đang diễn ra tại các quốc gia như Việt Nam.
Ở góc độ khác, theo tôi, Giải thưởng VinFuture cũng cần được biết tới nhiều hơn ở châu Âu hay châu Mỹ để tạo kết nối sâu rộng trong cộng đồng khoa học. Và nếu bản thân có thể giúp được gì, tôi rất sẵn lòng.
- Năm nay, VinFuture quyết định chọn chủ đề “Chung sức toàn cầu”. Điều này gợi lên suy nghĩ gì cho giáo sư?
- GS. Payne: Tôi thích cụm từ “chung sức toàn cầu” và đánh giá cao ý nghĩa của VinFuture từ góc độ ý nghĩa ấy. Thời điểm này, chúng ta đều hiểu tình hình địa chính trị khó khăn và đáng lo ngại ra sao. Chúng ta cũng có thể thấy, thế giới đang bị chia rẽ đáng kể bởi những quan điểm khác nhau. Đối với tôi, sự đoàn kết nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề chung có ý nghĩa rất lớn và những giải thưởng như VinFuture sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng để làm bền chặt hơn sợi dây liên kết ấy.
- Giáo sư có thể dự đoán lĩnh vực nào sẽ giành được chiến thắng trong năm nay?
- GS. Payne: Câu hỏi này thật khó trả lời. Giải thưởng VinFuture trải rộng rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi đặt niềm tin vào một số lĩnh vực liên quan tới máy tính như công nghệ máy học (machine learning) và AI.
Chúng ta đã nói rất nhiều về AI. AI tác động tới hầu hết lĩnh vực và mọi yếu tố của cuộc sống con người, từ nghệ thuật, ngôn ngữ, truyền thông cho tới khoa học.
Tôi cũng trông đợi vào lĩnh vực knowledge base (tạm dịch: Kho lưu trữ dữ liệu của hệ thống máy tính) khi con người đang chú ý tới lĩnh vực này. Với khả năng chia sẻ dữ liệu, thông tin hiện được tiếp cận trên toàn thế giới và có thể phục vụ cho lợi ích của nhân loại.
Tôi không thể đoán chính xác đề cử nào sẽ chiến thắng nhưng kỳ vọng VinFuture sẽ trao giải cho một số đề cử trong những lĩnh vực tôi liệt kê ở trên.
- Xin cảm ơn giáo sư!.
GS. David Payne là nhà nghiên cứu tiên phong và nổi tiếng quốc tế về quang tử. Công nghệ sợi quang là một trong những thành công khoa học lớn nhất trong ba thập kỷ qua, làm nền tảng cho internet, cung cấp các tính năng laser và cảm biến môi trường mới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
GS. Payne được trao nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới như giải thưởng Rank tại Anh về Quang học và Giải thưởng IEEE Tyndall danh giá, giải Franklin (Hoa Kỳ), giải Eduard Rhein (Châu Âu) và giải Millennium. Năm 2013, ông được phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp cho quang tử trong Lễ vinh danh năm mới của Nữ hoàng Anh.