Theo Bloomberg, Grab thông báo doanh thu của hãng tăng 6% ba tháng đầu năm trong bối cảnh người dùng trở lại khi đại dịch Covid-19 lùi dần ở Đông Nam Á.
Cụ thể, doanh thu của siêu ứng dụng này tăng lên mốc 228 triệu USD sau khi Grab bổ sung thêm doanh thu từ Jaya Grocer - chuỗi bán đồ tươi sống mà hãng thâu tóm hồi tháng 1. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức dự đoán 139,2 triệu USD từ giới phân tích.
Lỗ ròng của Grab trong quý I/2022 thu hẹp về mức 435 triệu USD giữa lúc Grab nỗ lực để có lãi sau nhiều năm chi mạnh tay trong cuộc chiến giành giật thị phần.
Cũng trong giai đoạn 3 tháng đầu năm, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng tăng 10% lên mốc 30,9 triệu người trong 3 tháng đầu năm khi các quốc gia Đông Nam Á bỏ dần các lệnh hạn chế do đại dịch. Chi tiêu trên mỗi người dùng tăng 19%, Grab cho biết. Khác với công ty công nghệ khác vốn bị ảnh hưởng do hoạt động trực tuyến của người dùng giảm bớt sau đại dịch, mảng gọi xe và giao đồ của Grab được hưởng lợi lớn khi cuộc sống trở lại bình thường.
Siêu ứng dụng Grab từng gặp khó trong kinh doanh kể từ khi thực hiện IPO tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) vào tháng 12/2021.
Khoản lỗ lớn cùng áp lực bán tháo cổ phiếu công nghệ đã đè nặng áp lực lên giá cổ phiếu của Grab. So với thời điểm lần đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu Grab đã giảm tới 70%.
Trong quý I, doanh thu từ mảng giao đồ và mảng di chuyển của Grab lần lượt tăng 70% và 22% lên mức 91 triệu USD và 112 triệu USD. Trong khi đó, doanh thu mảng dịch vụ tài chính tăng lên mức 11 triệu USD.
Theo ông Anthony Tan - CEO Grab, hãng đang lên kế hoạch triển khai một ngân hàng số ở Singapore vào nửa cuối năm nay. Hiện tại, ngân hàng số này đang ở giai đoạn thử nghiệm nội bộ.
Ngoài ra, tổng giá trị giao dịch mảng giao đồ đạt 2,56 tỷ USD, tăng nhẹ so với dự đoán 2,4 - 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch mảng di chuyển đạt 834 triệu USD vượt 34 triệu USD so với dự đoán. Grab kỳ vọng doanh thu cả năm sẽ chạm mốc 1,2 - 1,3 tỷ USD.