Một số nguồn tin cho biết, Grab đang đàm phán để mua lại một phần lớn cổ phần của AMMB Holdings (AmBank) - tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư của Malaysia tính theo tổng tài sản. AmBank hiện có giá trị vốn hoá 2,74 tỷ USD. Hai cổ đông lớn nhất của AmBank là Australia và New Zealand Banking Group Ltd.
Trước đó, vào hôm 7/5/2022, Grab cũng tìm kiếm cơ hội mua lại cổ phần từ hai cổ đông lớn nhất của AmBank là ANZ và ông Azman Hashim. Cụ thể, hiện ngân hàng ANZ đang nắm giữ 21,68% cổ phần trong khi ông Azman, lãnh đạo AmBank trong giai đoạn từ năm 1982 đến tháng 1/2022, nắm giữ 11,83% cổ phần.
Nguồn tin của Tech in Asia không chia sẻ cụ thể về số lượng cổ phần hay số tiền đầu tư mà Grab sẵn sàng bỏ ra liên quan đến AmBank. Dù vậy, chiến lược ngân hàng truyền thống của Grab tại Indonesia dường như phù hợp với các động thái gần đây của hãng gọi xe này. Trước đó, vào tháng 1, Grab và Singtel mua lại 16,3% cổ phần của ngân hàng Bank Fama International.
Không chỉ Grab mà nhiều doanh nghiệp gần đây đã mua lại cổ phần của các ngân hàng lớn. Cụ thể, đối thủ của Grab - Gojek, một siêu ứng dụng có trụ sở tại Indonesia - cũng đã mua lại 22% cổ phần của Bank Jago có trụ sở tại Indonesia vào tháng 12/2020. Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 11/2021, Bank Jago hợp tác với GoPay, chi nhánh FinTech của Gojek, để cung cấp dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số thông qua siêu ứng dụng Gojek.
Grab đã niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào tháng 12/2021 sau thương vụ sáp nhập trị giá 40 tỷ USD với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Mặc dù Grab báo lỗ 3,4 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2021, tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn có trong tay tới 9 tỷ USD tiền mặt.