Ngày pháp luật

Giao hàng “thần tốc” – cuộc chiến không khoan nhượng giữa Tiki, Shopee, Lazada và Grab

Quỳnh Chi

Thương mại điện tử nhanh - Quick Commerce – đã bắt đầu manh nha ở Việt Nam từ những năm 2014, 2015 với thời gian giao hàng chỉ trên dưới 2 tiếng đồng hồ. Nhưng gần đây, khái niệm “nhanh” này đã được đẩy lên một tầm cao mới với tốc độ “không tưởng”: giao hàng chỉ trong 10 phút. Xu hướng này đang bùng nổ trên toàn cầu và hoàn toàn có thể trở thành cuộc chiến mới với thị trường TMĐT Việt Nam.

Sự bùng nổ của xu hướng giao hàng “thần tốc”

Là đất nước đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử với những startup đầy hứa hẹn, Ấn Độ mới đây đã nâng tầm khái niệm “giao hàng nhanh” (Quick Commerce) lên một tầm cao mới với thời gian “không tưởng”: chỉ trong vòng 10 phút. Chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, giao hàng nhanh đã nhanh chóng “bùng nổ” ở nhiều thành phố của quốc gia Nam Á này như: New Delhi, Bangalore và Chennai.

Giao hàng “thần tốc” – cuộc chiến không khoan nhượng giữa Tiki, Shopee, Lazada và Grab - Ảnh 1

Theo các chuyên gia dự báo, tổng giá trị các startup giao hàng nhanh sẽ đạt tới 5,5 tỉ USD vào năm 2025. Chính vì con số đáng mơ ước này mà rất nhiều công ty lớn tại thị trường Ấn Độ đã không tiếc tiền đầu tư phát triển Quick Commerce. Ví dụ như Swiggy đầu tư 700 triệu USD cho nền tảng Instamart hay như Blinkit (đổi tên từ Grofers) được đầu tư 100 triệu USD từ Zomato. Thậm chí những tay chơi mới như Dunzo cũng đã được đầu tư 240 triệu đô nâng tổng giá trị của mình lên 800 triệu USD. Zepto một startup non trẻ đã được rót vốn 100 triệu đô, giúp công ty này đạt giá trị vốn hóa gần 600 triệu USD. Các công ty này đang tăng tốc rất nhanh để trở thành các "Unicorn" - Công ty tỷ USD hoặc "Decacorn" - Công ty chục tỷ đô.

Hầu hết các startup này đều đang cam kết giao hàng chỉ trong 10-19 phút. Đặc biệt, Zepto còn có tốc độ giao hàng trung bình chỉ trong vòng 8,48 phút. Điều này đã nhanh chóng chinh phục được nhóm khách hàng trung lưu.

Các ngành hàng mà startup giao hàng nhanh tại Ấn Độ nhắm vào chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đồ ăn vặt, đồ uống và đồ gia dụng. Để tối ưu hoá thời gian giao hàng, họ đặt rất nhiều kho hàng nhỏ (Dark Store) ở mọi ngõ ngách trong thành phố. Về cơ bản, các kho hàng này rất giống với một siêu thị tiện lợi, chỉ khác ở chỗ nó không trưng bày sản phẩm và cũng chẳng phục vụ khách vãng lai.

Việt Nam – thị trường tiềm năng khổng lồ dành cho Quick Commerce

Giao hàng “thần tốc” đã từng được thử nghiệm ở Việt Nam với đơn vị tiên phong là Adayroi. Những năm trước đây, Adayroi đã từng là một “đối thủ đáng gờm” trong lĩnh vực thương mại điện tử bởi tốc độ giao hàng chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ. “Ghi điểm” nhờ giao đồ tươi sống nhanh, đảm bảo chất lượng, Adayroi được “hậu thuẫn” bởi lực lượng hùng hậu là hệ thống siêu thị Vinmart khắp nơi trong thành phố. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hạ tầng giao hàng siêu tốc chưa phát triển đủ mạnh để giúp Adayroi duy trì được trong thời gian dài với chi phí thấp.

Giao hàng “thần tốc” – cuộc chiến không khoan nhượng giữa Tiki, Shopee, Lazada và Grab - Ảnh 2

Năm 2017, Tiki cho ra mắt Tiki Now với tốc độ giao hàng chỉ trong 2 tiếng và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thị trường. Hiện nay, Tiki đang đầu tư phát triển mạnh hệ thống Tiki Ngon – giao thực phẩm nhanh.

Tiếp theo đó, hai “ông lớn” khác là Lazada và Shopee cũng đang “rục rịch” phát triển mảng giao hàng tốc độ.

Cuộc chiến mới của các “ông lớn” TMĐT Việt Nam?

Hiện nay, cả 3 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Tiki, Shopee và Lazada đều đang phát triển các hạng mục hàng hóa tươi sống. Nhưng gây chú ý nhất vẫn là Tiki với thương hiệu Tiki Ngon; sau đó là Shopee với Shopee Food. Nhìn vào thực tế này, có thể nhận định việc đầu tư cho “giao hàng nhanh” - Quick Commerce sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, các sàn TMĐT mới chỉ dừng lại ở mức liên kết với bên thứ 3 là các cửa hàng đã có sẵn trên thị trường để tối ưu hoá nguồn lực. Sau đó, họ sẽ thu thập dữ liệu, đánh giá nhu cầu của từng khu vực với từng mặt hàng và phát triển các Dark Store của riêng mình.

Giao hàng “thần tốc” – cuộc chiến không khoan nhượng giữa Tiki, Shopee, Lazada và Grab - Ảnh 3

Trong lĩnh vực Quick Commerce, không thể không nhắc tới một đối thủ “siêu nặng ký” khác chính là Grab với Grap Mart. Không chỉ có ưu thế nhờ lực lượng tài xế đông đảo, hệ thống công nghệ tối ưu cho việc giao vận mà Grab cũng gây ấn tượng tốt với người tiêu dùng nhờ việc giao hàng với thời gian “siêu tốc”. Đó là chưa kể tới việc Grab cũng đã và đang có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai Cloud Kitchen – một phiên bản của Dark Store trong lĩnh vực giao đồ ăn. Đây là một đối thủ thực sự “đáng gờm” trong cuộc chơi giao hàng nhanh.

Bên cạnh những “ông lớn” TMĐT, còn có một “võ sĩ tí hon” mới nổi là Rino với cam kết giao hàng trong vòng 10 phút. Với những ý tưởng tiềm năng, hiện startup này đang nhận được sự đầu tư của nhiều quỹ khởi nghiệp và đang tập trung phát triển các Dark Store của riêng mình.

Để dấn thân vào “cuộc chiến” Quick Commerce, các công ty sẽ phải tốn nguồn lực để giải quyết 2 vấn đề chính là xây dựng, thuê mặt bằng cho các cửa hàng Dark Store khắp thành phố; duy trì các chương trình khuyến mãi nhằm tạo ra các “cú hích” marketing để thay đổi hành vi tiêu dùng của thị trường.

Tin Cùng Chuyên Mục