Ấn Độ vừa kết thúc cuộc điều tra hệ thống thanh toán của Google. Cơ quan chống độc quyền của quốc gia này cáo buộc công ty của tập đoàn Alphabet lạm dụng "quyền lực" để phổ biến ứng dụng thanh toán của mình. Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã phạt Google 9,36 tỷ rupee (khoảng 113 triệu USD).
Theo CCI, Google đã buộc các nhà phát triển ứng dụng phải sử dụng hệ thống thanh toán mặc định của công ty mà không được lựa chọn các dịch vụ thanh toán từ bên thứ 3.
Động thái của CCI đã "kìm chân" Google tại một trong những thị trường lớn của "gã khổng lồ" công nghệ. Cách đây ít hôm, công ty vừa bị phạt 162 triệu USD vì các hành vi phản cạnh tranh liên quan đến hệ điều hành Android và bị yêu cầu thay đổi cách tiếp cận người dùng trên nền tảng.
Trước đó, Google từng phải đối mặt với những lời chỉ trích trên toàn cầu vì mức phí hỗ trợ thanh toán đắt đỏ. Các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải trích 30% phí hoa hồng cho Google khi người dùng thanh toán qua ứng dụng độc quyền của công ty. Sau khi nhận về quá nhiều lời chỉ trích, Google mới bắt đầu cho phép lựa chọn các hệ thống thanh toán khác ở một số quốc gia.
Bên cạnh khoản tiền phạt, Google còn được yêu cầu áp dụng 8 biện pháp khắc phục do CCI đưa ra hoặc điều chỉnh hoạt động cho phù hợp trong vòng ba tháng, bao gồm không hạn chế các nhà phát triển sử dụng dịch vụ thanh toán từ bên thứ ba cho hoạt động mua hàng trong ứng dụng hoặc mua ứng dụng.
Đồng thời, "ông lớn" công nghệ cũng phải đảm bảo hoàn toàn minh bạch trong việc hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng và thông tin chi tiết về khoản phí dịch vụ.
Đối với vấn đề này, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ cho rằng, quyết định của CCI là một trở ngại lớn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ.
Thế nhưng theo Reuters, yêu cầu CCI đưa ra giúp ích nhiều cho các startup và công ty nhỏ tại Ấn Độ. Các đối tượng này từ lâu đã phản đối chính sách bắt buộc sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền của Google.
Ấn Độ bắt đầu cuộc điều tra hệ thống thanh toán của Google từ năm 2020. Hiện tại, "ông lớn" vẫn đang đối mặt với một cuộc điều tra khác trong hoạt động kinh doanh Smart TV tại đất nước tỷ dân.