Ngày pháp luật

Gojek yêu cầu nhà hàng làm các suất ăn nhỏ hơn để chống chọi với giá cả leo thang

Như Quỳnh

Công ty Indonesia dự kiến sẽ phải cắt giảm các đợt khuyến mãi, ra mắt nhiều tính năng mới để hướng tới mục tiêu tạo ra lợi nhuận.

Gojek đang kêu gọi các nhà hàng cung cấp suất ăn nhỏ hơn, giá rẻ hơn như một cách để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Indonesia đối phó với chi phí gia tăng.

Tỷ lệ lạm phát ở Indonesia trong tháng 9 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 7 năm do giá dầu tăng cao. Dịch vụ giao đồ ăn GoFood của Gojek cũng phải tăng giá. Lạm phát liên quan đến phí vận chuyển đạt 16% vào tháng trước, trong khi giá dịch vụ ăn uống cũng tăng, vượt 4,5%.

Khách hàng Gofood tại Indonesia sẽ có thêm lựa chọn khi đặt thức ăn qua nền tảng này. Ảnh: Gojek.
Khách hàng Gofood tại Indonesia sẽ có thêm lựa chọn khi đặt thức ăn qua nền tảng này. Ảnh: Gojek.

Catherine Sutjahyo, người điều hành bộ phận kinh doanh GoFood nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Lạm phát không chỉ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu, ảnh hưởng đến giá giao hàng mà ngay cả giá thực phẩm. Chúng tôi coi đây là thách thức và đã nghĩ ra một giải pháp." 

Gojek đã đưa ra một sáng kiến, qua đó thúc giục các nhà hàng cung cấp bữa ăn mang đi bổ sung các suất ăn có kích thước nhỏ hơn món tiêu chuẩn.

“Chúng tôi làm việc với những thương gia thường bán phần thức ăn lớn - những phần mà một người không thể ăn hết toàn bộ và khuyến khích họ chia nhỏ khẩu phần. Điều này có nghĩa là giá thấp hơn, cũng như tạo ra ít rác thải hơn," Sutjahyo nói.

Ngoài ra, Gojek cũng bổ sung tính năng mới đề xuất khách hàng lựa chọn những nhà hàng trong phạm vi 2 km, giúp họ nhận đơn hàng nhanh hơn với chi phí tiết kiệm hơn. 

Vào tháng 5/2021, Gojek sáp nhập với công ty thương mại điện tử Tokopedia, tạo nên tập đoàn GoTo - một trong những start-up kỳ lân nổi bật nhất Đông Nam Á trong vài năm gần đây. 

Vào tháng 8, GoTo cho biết họ ghi nhận khoản lỗ ròng 925 triệu USD trong sáu tháng đầu năm nay, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối thủ của GoTo như Grab và Sea cũng thua lỗ, nguyên nhân được cho là vì chính sách khuyến mãi và ưu đãi liên tiếp để giữ chân khách hàng. 

Gojek vẫn đang trong thế bám đuổi Grab ở thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á. Ảnh: Gojek.
Gojek vẫn đang trong thế bám đuổi Grab ở thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á. Ảnh: Gojek.

Grab là dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu hàng đầu ở Đông Nam Á vào năm ngoái với 49% thị phần, theo công ty tư vấn Momentum Works. Tiếp theo là Foodpanda (22%) và Gojek (14%). Tại quê nhà Indonesia, GoFood cũng chỉ chiếm 43% trong khi Grab kiểm soát 49% thị trường.

Trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ bị bán tháo trên toàn cầu, những start-up như Gojek đang buộc phải tập trung vào lợi nhuận hơn là doanh thu. 

"Trước đây ai cũng dùng khuyến mãi để phát triển thị trường, nhưng hiện tại chúng tôi đang sử dụng nhiều dữ liệu máy học để nhắm mục tiêu quảng cáo tốt hơn. Chúng tôi tập trung tìm hiểu nhóm người dùng nào có khả năng phát triển và trở thành người dùng trung thành," Sutjahyo cho biết.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục