Ngày pháp luật

Gói 16.000 tỷ lãi suất 0% vẫn chưa giải ngân được đồng nào

Theo Nhà đầu tư

Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỷ đồng đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng doanh nghiệp cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động.

Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III, ngân hàng nhà nước cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường.

Thanh khoản hệ thống của tổ chức tín dụng thông suốt. Tính đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. 

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm 2019, đến ngày 16/9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019. 

Tín dụng ngân hàng tính đến 16/9/2020 tăng 4,81% so với năm 2019
Tín dụng ngân hàng tính đến 16/9/2020 tăng 4,81% so với năm 2019

Hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở dưới mức 2%.

Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63.700 tỷ đồng.

Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01, đến ngày 14/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.

Riêng chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng, ngân hàng nhà nước cho biết, đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho ngân hàng chính sách xã hội vay.

Tuy nhiên đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng doanh nghiệp đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên nhân doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã khống chế tốt dịch đợt 1, các doanh nghiệp cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục 1 tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, ngân hàng nhà nước cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục