Cũng giống như Vinfast đang mang sản phẩm tầm cỡ chất lượng tương đương các thương hiệu xa xỉ quốc tế phục vụ cho số đông người Việt, trong hơn 12 năm qua, Giovanni Group đang dần “dân chủ hóa” các sản phẩm thời trang phân khúc xa xỉ, cận xa xỉ để ngày càng nhiều người Việt có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm đẳng cấp hơn với sự phù hợp tuyệt vời về văn hóa, khí hậu và giá cả. Đó là khẳng định của doanh nhân Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch HĐQT Giovanni Group, người đàn ông Việt đam mê thời trang và văn hóa Ý, đã thăng hoa cùng thương hiệu Giovanni. Ông đã có một buổi chia sẻ rất thú vị nhân dịp đầu xuân năm mới.
PV: Thưa ông, Giovanni là một nhãn hàng, một thương hiệu chưa bao giờ tạo ra những cơn lốc truyền thông. Nhưng từ lâu nay, dường như Giovanni đã đứng vững trong tiềm thức người tiêu dùng Việt về hình ảnh một thương hiệu thời trang cận xa xỉ đầy hấp dẫn. Ông hãy chia sẻ thêm để người tiêu dùng có cái nhìn toàn diện và chân thực về Giovanni?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Tôi luôn tin vào chân lý “ hữu xạ tự nhiên hương”, những sản phẩm tốt luôn tự biết quảng bá cho chính nó mà không phải dựa vào những yếu tố thúc đẩy nhiều của truyền thông. Trong thế hệ của tôi, các thương hiệu xa xỉ quốc tế có mức giá quá đắt, chỉ phục vụ một nhóm rất nhỏ trong xã hội, trong khi đó nó lại rất “bóng bẩy” bởi những lời lẽ và câu chuyện truyền thông, nó không thực sự phù hợp với những người đàn ông chín chắn, chỉn chu và nghiêm túc cùng thời của tôi. Lại nói về suy nghĩ của thế hệ 6x của tôi, chúng tôi tin vào giá trị thực của sản phẩm, những thứ sâu thẳm bên trong nhiều hơn là vẻ bề ngoài “bóng bẩy”. Những thương hiệu thời trang công sở khác trong nước thời đó có chất lượng sản phẩm và trải nghiệm mua sắm chưa xứng tầm, không đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng tinh túy trong xã hội. Chính vì thế Giovanni đã ra đời và thực hiện sứ mệnh của “tái hiện nét thanh lịch tự nhiên và phong cách Ý tại Đông Nam Á” và dần dần “hữu xạ tự nhiên hương” được nhiều người biết tới hơn sau 12 năm có mặt ở Việt Nam.
May mắn cho thương hiệu Giovanni là khách hàng đón nhận thương hiệu rất hồ hởi và nhận thức nó ở phân khúc xa xỉ, tuy nhiên, xét trên cách thức phân đoạn quốc tế, Giovanni là thương hiệu ở phân khúc cao cấp, gần tiệm cận sát với xa xỉ và mang nét đương đại của Ý.
PV: Thời điểm ông bắt tay vào phân phối và phát triển thương hiệu cho Giovanni thì ngành dệt may Việt Nam phát triển như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu hướng tới xuất khẩu phục vụ cho các thương hiệu giá rẻ và trung, bên cạnh đó thị trường bán lẻ ngành dệt may của Việt Nam còn khá thô sơ và manh mún. Khi chúng tôi bắt đầu phân phối Giovanni ở Việt Nam năm 2007, thị trường hàng thời trang công sở chỉ có những thương hiệu giá rẻ như An Phước và nhãn hiệu Pierre Cardin mua bản quyền sản xuất tại Việt Nam; những thương hiệu phổ biến hơn thì có Việt Tiến, May 10. Họ làm thị trường rất tốt ở mảng phát triển hệ thống cửa hàng phân phối, tuy nhiên trải nghiệm mua sắm và chất lượng sản phẩm chưa cho thấy được chú trọng đầu tư nhiều. Trong khi đó, những mảng liên quan tới tính sáng tạo mang lại giá trị rất lớn trong ngành bán lẻ, đòi hỏi chất xám cao trong các khâu marketing, thiết kế, phân phối và quản trị chuỗi cung ứng.
Doanh nhân Nguyễn Trọng Phi
PV: Vậy khác với cách làm thương hiệu của những thương hiệu thời trang công sở những năm 2006, 2007; câu chuyện chinh phục thế giới của hãng thời trang Giovanni là gì?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Khởi nghiệp trong ngành thời trang quả thật không dễ dàng, mỗi lần nghĩ lại quá khứ 12 năm, tôi vẫn thấy rùng mình vì bao nhiều khó khăn, vất vả, chông gai mà mình đã phải trải qua. Thị trường Việt Nam là thị trường đặc thù, nó tương đối giống các thị trường của những nước như Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng là cách đó 30-40 năm. Theo đó, khách hàng còn chưa có nhiều trải nghiệm đối với sản phẩm phân khúc xa xỉ, cận xa xỉ, dẫn đến khả năng nhận ra chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Đa số khách hàng chọn mua hàng dựa trên uy tín của thương hiệu là chính chứ không phải là chất lượng sản phẩm. Đấy cũng là lí do vì sao chúng ta hay nói với nhau những cụm từ “Việt Nam sính ngoại”, nhưng đấy không phải là lỗi của người tiêu dùng mà là vấn đề của sự phát triển tất yếu của xã hội. Tôn trọng sự thật này, chúng tôi đã nhận nhượng quyền thương hiệu và chủ động trong việc sản xuất hàng hóa để phù hợp với thị trường. Mô hình này khi tôi làm đã rất thịnh hành ở Thái Lan, khi các nhà máy lớn mua lại bản quyền sản xuất và phân phối của các thương hiệu quốc tế như Carven, Charles Jordan, Ungaro, Lacoste, Nike ( quần áo).. và họ đã rất thành công.
Quay trở lại câu chuyện của Giovanni, đó là chuyến hành trình dài mà có nhiều chương hồi không thể kể hết trong vài trang giấy. Những năm đầu phân phối tại Việt Nam, tôi thường đặt hàng ở Thái Lan với những dòng hàng chủ đạo như sơ mi, áo polos vì Thái Lan là “ông trùm” châu Á về sản xuất áo sơ mi và polos lúc bấy giờ. Sau nhiều năm hợp tác, tôi đã được các “ông trùm” này coi là đối tác chiến lược và sau đó họ trở thành bạn bè thân thiết của tôi nhiều năm. Tôi lần lượt được họ giới thiệu cho những ông chủ của những nhà máy sản xuất số một của toàn khu vực Đông Nam Á và châu Á cho những dòng sản phẩm khác. Mỗi dòng hàng đều được sản xuất ở các nhà máy khác nhau, theo thiết kế của những nhà thiết kế ở châu Âu mà tôi đặt hàng. Nói thì đơn giản vậy nhưng thực sự là rất khó khăn cho tôi lúc đó vì đa số các nhà máy lớn và chuyên nghiệp họ không sản xuất các đơn hàng nhỏ, họ chỉ sản xuất cho những đơn hàng được bán toàn cầu với chuỗi cửa hàng trên 200. Tôi đã mất ăn mất ngủ nhiều đêm dài và rất stress khi bế tắc trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác với những đối tác hàng đầu này vì với tôi, chất lượng sản phẩm là thứ không thể thỏa hiệp. May mắn thay, chính nhờ vào sự đam mê và tinh thần xây dựng thương hiệu tầm cỡ khu vực của tôi mà những ông chủ Thái Lan bấy giờ (mà bây giờ là tỷ phủ trong ngành may mặc) đã đứng ra bảo trợ cho tôi và cam kết với hệ thống nhà máy đối tác của họ. Tôi đã vượt qua khó khăn chương 1 trong tình trạng bàn tay trắng và trái tim đỏ lửa như vậy.
Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh chóng từ 2008-2012, đấy là cơ hội tuyệt vời cho tôi phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ lên tới 30 cửa hàng vào những năm 2012-2013. Vào thời điểm đó, tôi nhận thấy tín hiệu tốt từ thị trường về nhận thức của người tiêu dùng, và đòi hỏi khắt khe hơn của họ về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Một trong những điều may mắn của tôi là được gia nhập vào những hội chợ ngành nguyên phụ liệu của châu Âu từ rất sớm những năm 2009-2010. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi cũng có những sản phẩm từ Ý, tuy nhiên là đặt hàng qua hệ thống các nhà cung cấp trung gian ở Thái Lan nên giá thường rất cao. Năm 2010 tôi quyết định đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển hệ thống chuỗi cung ứng tại Ý, bằng cách tham gia các hội chợ đầu ngành như Micam/Mipel/ Unica/Pitti Uomo ở Ý hay Premier Vision ở Pháp. Tôi đã được tiếp cận với những nhà cung cấp nguyên phụ liệu tới thành phẩm số 1 của châu Âu, hay số 1 của thế giới trong ngành thời trang. Nếu như với người tiêu dùng còn mới lạ thì những cái tên như Loro Piana, Emernegildo Zegna, Reda, Guabello, Canclini, Thomas Mason, Albini, HCP, Romit, Franceschetti…. là niềm tự hào và mơ ước khi được hợp tác với họ để tạo ra những bộ sưu tập riêng mang đẳng cấp quốc tế. Đây là những thương hiệu chỉ dành cho phân khúc xa xỉ và siêu xa xỉ của nhóm khách hàng giàu và siêu giàu quốc tế. Chính tôi cũng lo ngại rằng Việt Nam chưa chắc đã có thị trường với những dòng hàng xa xỉ này. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản, cái gì tốt nhất cho người tiêu dùng thì mình làm, cho dù mất 2 năm hay 5 năm để kịp với nhịp độ phát triển của nhận thức, nhưng nếu mình không làm bây giờ không bao giờ có 2 hay 5 năm tới.
Tôi rất thích quần của hãng Prada và Hugo Boss nhưng tôi không biết đơn vị nào là nhà cung cấp vải cho những hãng đó. Tôi mất gần 4 năm mới tìm ra nhà cung cấp vải đó. Rất tình cờ khi tôi đi các hội chợ triển lãm Premier Vision- Paris. Hội trợ triển lãm đó có thể nói là lớn nhất thế giới về ngành nguyên phụ liệu thời trang cao cấp, xa xỉ. Như một cái duyên kì lạ, sau khi kiệt sức vì tìm kiếm, tôi dừng lại ngồi nghỉ thì đúng chỗ đó là gian hàng của Thomas Mason/ Albini Group và Milior. Đây là những nhãn vải mà trước đây các nhà sản xuất ở Thái đã dùng để bán cho tôi, nhưng giờ đây tôi có duyên để làm việc trực tiếp với những nhà vải sơ mi, quần khaki, quần âu số 1 thế giới này. Không chỉ dừng ở đó, trong hội chợ Unica ở Ý, tôi đã gặp được nhà cung cấp vải Filo Di Scozia- thương hiệu vải áo polo xa xỉ số 1 thế giới mà được nhắc tên trong tất cả các sách dạy thời trang chuyên ngành ở Pháp, Ý cũng như quá nổi tiếng với những nhà thiết kế đẳng cấp thế giới cho các thương hiệu xa xỉ. Trong khi giá vải đó đắt gấp 15 lần so với vải cotton thông thường, tôi vẫn quyết tâm làm bằng được mặc dù nhận được sự phản đối và can ngăn rất nhiều từ nhiều người. Và thực tế đã chứng minh tôi đã đúng, mặc dù mới được giới thiệu từ 2015, nhưng tới hết 2018 chúng tôi đã bán được hơn 30.000 áo polos mang vải Filo Di Scozia và nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng rằng trải nghiệm với vải Filo Di Scozia là khác biệt hẳn so với các thương hiệu khác và là độc nhất.
Tiếp tới là câu chuyện về những nhà giầy truyền thống lâu đời của Ý như ROMIT, Franceschetti ở vùng Montegranaro miền Trung nước Ý, thực sự là sự xấu hổ và tủi hờn đối với tôi khi không được họ tiếp đón, thậm chí là thái độ xem thường trong những lần tiếp xúc đầu tiên năm 2013. Họ chưa bao giờ nghĩ là Việt Nam hay thậm chí cả vùng Đông Nam Á có thể sử dụng được sản phẩm của họ; họ chỉ nghĩ là Việt Nam cũng chỉ như Trung Quốc tới xem và ăn cắp mẫu mã. Với tôi đây là sự xúc phạm to lớn không chỉ cho cá nhân mà là cả 1 đất nước. Do đó, lại thêm 1 chương hồi nữa, tôi phải dùng nhiều cách để có thể tiếp cận và đặt hàng của họ với những cái “giá trên trời” và sự cam kết đầy bất lợi; nhưng một lần nữa tôi đã vượt qua được sự thử thách của họ và sau 5 năm hợp tác, họ đã chuyển từ đối tác khó tính nhất thành những người bạn.
Giovanni chọn những vị trí phân phối đắc địa, hào nhoáng, đứng cùng với những thương hiệu quốc tế
PV: Khi Giovanni khởi nghiệp, ông toàn chọn những vị trí phân phối đắc địa, hào nhoáng, đứng cùng với những thương hiệu quốc tế. Và đến nay, Giovanni phát triển rất tốt thì bản thân ông cũng như xã hội đánh giá đó là một hướng đi đúng, một sự quyết đoán, mạnh dạn. Nhưng trong trường hợp không thành công bởi chi phí vận hành đắt đỏ gấp rất nhiều lần so với cung cách kinh doanh nhỏ lẻ và khi đó ông sẽ được nghe rất nhiều “mỹ từ” như khùng, hâm không biết mình là ai… Ông có thể chia sẻ như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trọng Phi: May mắn là Giovanni luôn được song hành cùng với Vincom.Vào những năm 2006, 2007, thị trường thời trang Hà Nội rất đói hàng thương hiệu, cứ có hàng gì về là bán được và bán được nhất là ở Vincom, là nơi hội tụ tất cả khách hàng giàu có toàn quốc đến đây. Vincom lúc bấy giờ toàn chọn những vị trí đắc địa ở những thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội, Sài Gòn sau đó là Hải Phòng, Quảng Ninh, các thành phố lớn. Mặt khác, ngày đó thương hiệu Giovanni được khách hàng biết đến nhanh chóng là nhờ vào hệ thống của Parkson. Parkson là nhà bán lẻ Quốc tế đầu tiên tới Việt Nam với hàng rào tiêu chuẩn cao về hàng hóa và chất lượng phục vụ. Để được gia nhập hệ thống Parkson khi đó, tôi đã phải nhờ tới những đối tác quốc tế uy tín cùng chứng minh về tiêu chuẩn sản xuất, nguồn gốc hàng hóa. Tôi luôn xây dựng thương hiệu với tư duy chinh phục và bền vững, nên để đảm bảo mang đến khách hàng trải nghiệm mua sắm tốt nhất, tôi chấp nhận trả chi phí sản xuất, chi phí thuê và vận hành rất lớn. Đúng như bạn nói, đôi khi có người bảo tôi “khùng”, nhưng sau tất cả, điều quan tâm nhất của tôi là khách hàng được gì và họ hào hứng, hạnh phúc như thế nào khi dùng sản phẩm của mình.
PV: Hiện nay các dòng sản phẩm của Giovanni và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường quốc tế đang triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Hiện tại Giovanni Group có 4 thương hiệu phục vụ những nhu cầu khác nhau của khách hàng. Thương hiệu Giovanni Sartoria phục vụ khách hàng có đòi hỏi cao nhất về chất lượng sản phẩm ở mức độ thủ công, tỉ mỉ và rất tinh tế. Thương hiệu Giovanni đã có định vị rõ ràng trên thị trường, phục vụ cho các doanh nhân, khách hàng khối văn phòng ủng hộ. GioGio là thương hiệu phục vụ riêng cho khách hàng nữ có đam mê với những sản phẩm đồ da chất lượng tương đương phân khúc xa xỉ, nhưng giá cả lại chỉ bằng 1/3 với phong cách thiết kế đương đại và được thiết kế bởi những nhà thiết kế nổi tiếng ở Ý như Francesco Turchi (người từng làm cho Gucci) hay nhà thiết kế của nhà Gironacci. Cuối cùng là thương hiệu Gio Bernini phục vụ cho giới trẻ, phong cách thiết kế đương đại, giá cả không bằng Giovanni và chất lượng sản phẩm vượt ngoài phân khúc.
Chúng tôi kì vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam tới năm 2020 và sau đó là phát triển ra khu vực Đông Nam Á vào 2021, tiếp đó là châu Á vào 2024. Hiện tại chúng tôi đang làm việc với một vài quỹ đầu tư để đưa thương hiệu Giovanni ra các thành phố lớn của khu vực như Singapore, Bangkok, Hongkong, Thẩm Quyến, Tokyo, đồng thời đang hoàn thành nốt các thủ tục để đưa thương hiệu Giovanni giới thiệu và bán tại các cửa hàng bán nhiều nhãn hiệu ở Milano thông qua các đối tác chiến lược của tại Ý. Họ rất ủng hộ và có niềm tin lớn vào cách phát triển thương hiệu tập trung vào chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng như chúng tôi. Đây sẽ là điều bất ngờ và thú vị mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trong 2019!
Trong năm 2019 này chúng tôi cũng có 1 sự bất ngờ thú vị nữa là dòng sản phẩm nước hoa sẽ được chính thức ra mắt. Tôi tin rằng đây là mảnh ghép không thể thiếu của bất kì thương hiệu thời trang cận xa xỉ mang đẳng cấp quốc tế nào!
PV: Ông có tiên lượng được đối thủ cạnh tranh trong tương lai của Giovanni?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Trong tương lai thì đối thủ chính của Giovanni là Hugo Boss. Chân dung khách hàng của Giovanni và Hugo Boss rất tương đồng, Hugo Boss cũng có ma trận sản phẩm trải rộng ở tất cả các phân khúc từ trung bình đến cao cấp, phong cách từ sang trọng lịch lãm đến trẻ trung hiện đại.
PV: Trong hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh Giovanni sử dụng tên miền chứa cụm từ Italy, nhiều khái niệm, nhiều cảm xúc về nước Ý được nhắc lại nhiều lần. Liệu đây có phải là một trong những thủ pháp PR để hướng khách hàng nhầm lẫn khái niệm không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Gần đây có nhiều “người quan tâm” đang đặt câu hỏi này với tôi. Họ hỏi tôi những câu hỏi như “ý đồ” của tôi là gì khi tôi làm cửa hàng, phong cách sản phẩm… đều giống của Ý, mặc dù nó là sở hữu bởi người Việt? Tôi chỉ có suy nghĩ muốn mang phong cách văn hóa Ý tới Việt Nam và tôi quyết tâm làm bằng được. Dù cho khó khăn thách thức đến đâu thì sứ mệnh của tôi cũng như Giovanni là mang nét thanh lịch tự nhiên và phong cách Ý tới Việt Nam thông qua các sản phẩm thời trang chất lượng cận xa xỉ, trải nghiệm mua sắm tuyệt vời và dịch vụ chăm sóc khách hàng tiêu chuẩn 4 sao.
Với những sản phẩm sản xuất tại Ý, hoặc dùng nguyên phụ liệu của Ý mà không sử dụng các cụm từ có liên quan tới Italy thì đúng là có lỗi với người tiêu dùng, có lỗi với những đối tác và bạn hàng ở Ý vì không giúp họ truyền tải những ý niệm tốt đẹp về nước Ý thông qua sản phẩm của họ. Tôi không dùng marketing - truyền thông như công cụ để mang lại sự hào nhoáng cho sản phẩm; tôi chỉ truyền tải sự thật từ chính chất lượng sản phẩm mà tôi đang cung cấp cho khách hàng. Do vậy, năm 2018 chúng tôi có thêm gần 15,000 khách hàng mới đến từ các lĩnh vực khác nhau.
Giovanni là mang nét thanh lịch tự nhiên và phong cách Ý tới Việt Nam thông qua các sản phẩm thời trang chất lượng cận xa xỉ, trải nghiệm mua sắm tuyệt vời và dịch vụ chăm sóc khách hàng tiêu chuẩn 4 sao
PV: Vậy văn hóa Giovanni được ông xây dựng như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Tôi truyền được cảm hứng cho tất cả nhân viên từ văn phòng đến nhân viên bán hàng. Họ rất yêu quý thương hiệu và tự hào khi làm ở thương hiệu này. Tôi có những nhân viên bán hàng tốt lắm, làm hơn chục năm rồi và có những công ty nước ngoài mới sang trả lương cao nhưng họ không đi. Họ muốn được ở Giovanni cống hiến. Lúc nào rảnh rỗi tôi lang thang các cửa hàng nói chuyện với nhân viên. Khi tôi truyền văn hóa xuống và nhân viên là người giúp tôi truyền cảm hứng đến khách hàng, họ cũng đặt niềm tin vào những giá trị mình mang lại cho họ đó là sự chân thật. Sản phẩm của Giovanni được người Tây đánh giá là thật nhất, giá trị của Giovanni là thật chứ không phải chỉ ở quảng cáo. Tuy nhiên, Giovanni cũng phải hoàn thiện rất nhiều để theo kịp Châu Âu… Giovanni giống như thương hiệu Hermes cũng không dùng quảng cáo mà dùng hoàn toàn giá trị thật của sản phẩm…
Sản phẩm của Giovanni được người Tây đánh giá là thật nhất, giá trị của Giovanni là thật chứ không phải chỉ ở quảng cáo
PV: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị, Ban Bí thư khởi xướng đến nay đã được 10 năm, thực tế kinh doanh của ngành dệt may nói chung và Giovanni nói riêng thì ông thấy kết quả cuộc vận động được như kỳ vọng hay chưa?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Đó là một chủ trương rất ý nghĩa và thiết thực, chủ trương này cũng là trăn trở của rất nhiều bộ ban ngành để thực hiện. Trong 10 năm qua, cá nhân tôi nhận thấy có những tác động rất cụ thể, hiệu quả.
Theo tôi, để ngành dệt may và da giày của Việt Nam phát triển bền vững thì bắt buộc phải đầu tư vào thương hiệu và đầu tư vào giá trị sáng tạo. Cái chúng ta đang thiếu của ngành dệt may là chưa làm chủ trọn vẹn cuộc chơi, chưa tham gia đầy đủ chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa tập trung sản xuất nguyên phụ liệu. Thay vì chỉ cung ứng một mắt xích trong chuỗi giá trị là gia công sản phẩm với giá trị thấp, chúng ta cần hướng đến cung cấp chuỗi giá trị từ sáng tạo, thiết kế, quản trị cung ứng nguyên phụ liệu, sản xuất và vận tải, khi đó giá trị cung ứng sẽ cao hơn rất nhiều.
Ý tưởng rất hay, nhưng lúc này chính nội lực từ các doanh nghiệp mới là quan trọng. Bắt đầu phải chuyển sang khẩu hiệu mới đó là “Thương hiệu Việt phải chinh phục thị trường Việt”. Vừa qua Vinfast là một trong những điển hình và Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trong lễ ra mắt của Vinfast slogan đó.
Các nước Hàn quốc, Nhật họ rất thích sản phẩm của quốc gia, họ coi đó là văn hóa. Ngược lại, người Việt đang có văn hóa sính ngoại và bài xích các thương hiệu Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần phải thay đổi, mà muốn thay đổi không có cách nào khác là thị trường tự quyết định. Tức là, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực phấn đấu để chinh phục thị trường Việt, khiến người Việt tự hào khi sử dụng sản phẩm của mình, phải giành giật những thị phần mà các thương hiệu ngoại đã và sẽ chiếm lĩnh.
Giovanni ký kết hợp tác với thương hiệu thời trang nổi tiếng Italy - Studio Francesco Turchi
PV: Thưa ông, vậy tinh thần “Thương hiệu Việt chinh phục người Việt” của Giovanni như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Nếu không đam mê sẽ không tạo ra sản phẩm, tôi nhớ tất cả các sản phẩm từ trước đến nay, những sản phẩm đầu tiên đẹp ra sao, được khách hàng đón nhận thế nào. Tôi luôn trăn trở mỗi ngày để khách hàng của tôi được phục vụ tốt nhất. Tôi rất kỹ tính trong việc phát triển sản phẩm, tôi tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, từ thiết kế cho đến chọn nguyên phụ liệu, lên mẫu, sản xuất mẫu... để đảm bảo những gì khách hàng của tôi nhận được là những gì tốt nhất tôi nỗ lực mang đến.
Giá trị cốt lõi của Giovanni là sản phẩm, làm ra một sản phẩm hướng tới sự hoàn hảo và chất lượng tốt nhất, đậm nét phong cách Ý nhất đó là thành công của Giovanni. Giovanni luôn lấy nét tinh tế và văn hóa đương đại Ý làm kim chỉ nam cho các hoạt động của mình. Đó chính là tiêu chuẩn chất lượng và dịch vụ theo kiểu Ý với ý niệm kinh doanh bền vững, thân thiện môi trường, luôn đổi mới sáng tạo từng khâu nhỏ trong các hoạt động. Đó là sự khát khao muốn đuổi kịp, vượt qua chính mình mỗi ngày, đó là Niềm tin chiến thắng của tôi trong vòng 12 năm qua.