Tổng nợ phải trả cuối quý III "đi lên"
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã ck: HHV) ghi nhận doanh thu thuần tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tại 673,6 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán tăng lên mức 374 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Qua đó, kéo lợi nhuận gộp tăng 16% lên mức 298,7 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, giá vốn, HHV báo lãi sau thuế 117 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng của công ty mẹ quý III ghi nhận tại 100,9 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có lãi ròng cao nhất của HHV kể từ khi niêm yết trên HOSE vào đầu năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HHV ghi nhận doanh thu đạt 1.825,2 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi ròng của HHV đạt 268,4 tỷ đồng, tăng 26% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 309,2 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Năm 2023, HHV đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.478 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 339 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 14% so với thực hiện 2022. Với kết quả đạt được sau 9 tháng, HHV đã thực hiện được 91% mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 30/9/2023, HHV ghi nhận quy mô tài sản là 36.520 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền, tương đương tiền tăng 8% so với đầu năm, ghi nhận tại 415,1 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của HHV tính đến cuối quý III/2023 là gần 27.842 tỷ đồng, tăng 565 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2022, chiếm chủ yếu là nợ dài hạn với 25.421 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù giảm nhẹ so với đầu năm nhưng nợ vay dài hạn tại thời điểm cuối quý III của Công ty vẫn ghi nhận tại gần 19.715,8 tỷ đồng, bằng gần 50% quy mô tài sản của HHV.
Trong số này, chỉ riêng chi nhánh Hà Nội của 2 ngân hàng đã tài trợ cho Đèo Cả hơn 19.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn 5 năm.
Các hợp đồng vay của Đèo Cả với các ngân hàng được đảm bảo chủ yếu bằng quyền thu phí các dự án BOT, ngoài ra còn phương tiện vận tải, cổ phiếu, bất động sản, hợp đồng tiền gửi...
Đèo Cả được biết đến là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Có thể kể tên một vài dự án làm nên "thương hiệu" Đèo Cả như Hầm đường bộ Đèo Cả với tổng mức đầu tư hơn 21.612 tỷ đồng; dự án hầm Cù Mông; hầm Hải Vân (giai đoạn 2); hầm Cổ Mã; hầm Phước Tượng - Phú Gia,…
Doanh nghiệp còn mở rộng xây dựng các tuyến cao tốc với hàng loạt công trình trọng điểm như: Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Hồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...
Dự kiến chào bán 82,3 triệu cổ phiếu
Ngày 29/11 tới đây, HHV sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền chào bán thêm 82,3 triệu cổ phiếu ra cho công chúng.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, điều đó có nghĩa mỗi cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu thì sẽ được mua thêm 01 cổ phiếu mới.
Giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 35% so với thị giá đóng cửa phiên 14/11 ở mức 15.450 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 6/12 đến 26/12.
Cổ đông sở hữu quyền mua cổ phiếu có thể chuyển nhượng quyền mua của mình cho một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức khác, bên nhận chuyển nhượng quyền mua sẽ không được chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Nếu hoàn tất đợt chào bán, vốn điều lệ của HHV dự kiến tăng thêm 823,3 tỷ đồng, lên mức 4.117 tỷ đồng. Số tiền thu được sẽ được dùng để góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp dự án và bổ sung vốn phục vụ cho các dự án của Công ty.
Cụ thể, HHV dự kiến trích hơn 108 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả; gần 34 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, HHV trích 150 tỷ đồng thanh toán khoản vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng; gần 332 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của Công ty. Còn lại 200 tỷ đồng, HHV dự bổ sung nguồn vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.