Ngày pháp luật

Vay nợ ngân hàng đến 20.550 tỷ đồng, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) vẫn khát vốn?

Quỳnh Chi

Động thái liên tục chào bán lượng lớn cổ phiếu để huy động vốn phần nào cho thấy HHV đang rất khát vốn trong khi doanh nghiệp đã nợ ngân hàng đến hơn 20.500 tỷ đồng và không dễ vay thêm với cơ cấu tài chính không thật sự lành mạnh.

Lại muốn tăng vốn khủng?

Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã CK: HHV) dự kiến sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua 3 phương án, gồm phát hành hơn 21,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022; phát hành thêm hơn 82,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; và chào bán hơn 74,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Vay nợ ngân hàng đến 20.550 tỷ đồng, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) vẫn khát vốn? - Ảnh 1

Với 3 phương án trên, tổng cộng HHV sẽ phát hành thêm gần 178 triệu cổ phiếu, qua đó vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 3.078 tỷ đồng lên gần 4.858 tỷ đồng.

Động thái phần nào cho thấy HHV đang rất khát vốn bởi trước đó doanh nghiệp vừa có đợt chào bán riêng lẻ lượng lớn cổ phiếu vào cuối năm 2022 nhưng bất thành. Theo kế hoạch, HHV dự kiến phát hành hơn 267,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau khi hết thời gian đăng ký, số lượng cổ phiếu được cổ đông hiện hữu đăng ký và nộp tiền mua chỉ hơn 40,4 triệu - tương đương khoảng 15% tổng số cổ phiếu dự phát hành; giá trị thu về là gần 403,9 tỷ đồng.

Động thái liên tục chào bán lượng lớn cổ phiếu để huy động vốn phần nào cho thấy HHV đang rất khát vốn. Trong khi đó, kênh tín dụng ngân hàng đang bị siết chặt, đặc biệt khi doanh nghiệp này đã nợ đến hơn 20.500 tỷ đồng và không dễ vay thêm với cơ cấu tài chính không thật sự lành mạnh.

Nợ vay chiếm quá nửa tài sản

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2023, HHV ghi nhận doanh thu thuần hơn 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Thu phí BOT vẫn là mảng kinh doanh trọng yếu, chiếm gần 72% tỷ trọng, xếp sau là doanh thu từ hoạt động xây lắp với hơn 25%. Giá vốn tăng mạnh đến 60% khiến lãi gộp gần như đi ngang so o với cùng kỳ ở mức gần 259 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của HHV gấp 3 lần cùng kỳ, đạt gần 4 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Tuy nhiên, chi phí tài chính (toàn bộ là lãi vay) rất lớn và tiếp tục tăng so với cùng kỳ, lên gần 164 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này rất lớn, lên đến hơn 20.550 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản và gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phần lớn là dư nợ dài hạn trên 5 năm tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh Hà Nội với hơn 18.700 tỷ đồng.

Mặt khác, lãi trong các công ty liên doanh/liên kết tăng 53% so với cùng kỳ lên hơn 132 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 17% so với quý đầu năm ngoái nhờ cắt giảm dịch vụ mua ngoài, chi phí nhân viên…

Kết quả, HHV lãi ròng gần 83 tỷ đồng, tăng 4% so với quý cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 73 tỷ đồng, cũng tăng 7% so với quý 1/2022.

Năm 2023, HHV đề ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.478 tỷ đồng và sau thuế 339 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 14% so với thực hiện năm 2022. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện gần 22% kế hoạch doanh thu và hơn 24% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.

Thời điểm 31/03/20223, tổng tài sản của HHV tăng nhẹ 1% so với đầu năm, đạt hơn 36.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 16%, đạt gần 442 tỷ đồng; hàng tồn kho gần 190 tỷ đồng, tăng 18%. Nợ phải trả tại cuối quý 1 cũng tăng nhẹ lên gần 27,583 tỷ đồng.

 

Tin Cùng Chuyên Mục