Diana Yoon, một trong những nhân sự đầu tiên tại OpenAI, đồng hành cùng startup kể từ khi còn là một dự án phi lợi nhuận, chứng kiến bước chuyển mình của doanh nghiệp trong suốt 5 năm đã có chia sẻ về công ty đứng đằng sau ChatGPT. Diana Yoon hiện đang là giám đốc nhân sự, quản lý trực tiếp 375 nhân sự tại OpenAI.
Diana Yoon chia sẻ, quá trình phát triển của OpenAI cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, bắt đầu từ sự tò mò cũng như tình yêu với sản phẩm họ làm ra. Dù được vinh danh bởi Fast Company là doanh nghiệp đột phá nhất năm 2023, Yoon cho rằng tôn chỉ của OpenAI từ khi mới chỉ có 12 nhân sự cho tới nay vẫn không thay đổi.
Khi được hỏi về việc tiêu chí tuyển dụng của OpenAI để phát triển trực tiếp sản phẩm ChatGPT, vị lãnh đạo trả lời: "Tất nhiên, giống nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng có vòng duyệt hồ sơ ứng viên. Thế nhưng, với rất nhiều vị trí tại đây, yêu cầu của OpenAI về mặt kinh nghiệm khác biệt so với tuyển dụng của các doanh nghiệp truyền thống".
Điểm khó khăn nhất để gia nhập OpenAI theo như Yoon chính là ví dụ về một dự án có ảnh hưởng mà ứng viên từng thực hiện được trong quá khứ. Bà cho rằng câu hỏi kể trên nhằm đánh giá nguyện vọng thực hiện, nghiên cứu điều mới của nhân sự. "Có nhiều nhà nghiên cứu được tuyển vào OpenAI chưa từng có kinh nghiệm hay kiến thức của một nghiên cứu sinh. Thứ họ làm trước đây đơn giản chỉ là sử dụng sản phẩm của OpenAI, tùy biến lại sản phẩm này theo ý mình. Nhưng, họ có niềm nhiệt huyết để tiếp tục học tập, tạo ra thứ mới, điều mà không phải nghiên cứu sinh nào cũng có", Diana Yoon chia sẻ.
Giống với rất nhiều công ty công nghệ khác, bằng cấp hay học thức không phải là yếu tố được OpenAI đặt lên hàng đầu. "Chúng tôi không quan tâm tới các văn bằng của ứng viên, họ học đại học nào, đã từng làm ở doanh nghiệp lướn tới mức nào. Thứ mà OpenAI tìm là những nhân sự có khả năng cùng tính cách phù hợp với hoạt động của chúng tôi. Ở nhiều phòng nghiên cứu AI khác, nhân sự cần phải tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành tương đương, tại OpenAI có nhiều nhân sự có bằng đại học, nhưng không hơn. Tới chính CEO của OpenAI cũng chẳng hề có bằng đại học", bà chia sẻ.
"Về lý thuyết, OpenAI là một tổ chức, nhưng bên trong chúng tôi vẫn là một startup đang tìm cách giải quyết vấn đề. Khi bạn muốn giải quyết một vấn đề, ví dụ như phát triển trí tuệ nhân tạo đủ an toàn và mang lại lợi ích cho con người, một giải pháp kĩ thuật thấp hay đơn giản đôi khi lại có hiệu quả lớn và tốn rất ít chi phí đầu tư", Diana Yoon nói thêm.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, giám đốc nhân sự OpenAI chia sẻ, minh bạch cùng hợp tác là hai yếu tố quan trọng nhất nếu muốn làm việc thuận lợi tại đây. "Các doanh nghiệp truyền thống, nhân sự có thói quen ăn trưa ở bất kì đâu. Tại OpenAI có những chiếc bàn dài để những người thuộc nhiều nhóm khác nhau có thể trao đổi kiến thức, từ hỏi đồng nghiệp xem nên nghiên cứu những báo cáo nào? Học thêm những kĩ thuật hay ý tưởng nào?
Có một điều kì diệu khi bạn làm việc tại OpenAI. Điều kì diệu đó là khi bạn nhìn sang đồng nghiệp hay bất kì ai trong tập thể, bạn cũng sẽ thấy họ đang đi cùng hướng với bạn".