Ngày pháp luật

Giải ngân 700 nghìn tỷ đồng năm 2020: Giải pháp nào hoàn thành?

Thanh Thanh

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm ứng phó với dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 phải giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019 và 2020 - đến 700 nghìn tỷ đồng (30 tỷ USD). Con số này gấp hơn 2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.

Nhiệm vụ vô cùng quan trọng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3/2020 là 61.591,412 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Nhà nước giao (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước là 58.596,195 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch vốn được giao vẫn còn có 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có tới 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Giải ngân 700 nghìn tỷ đồng năm 2020: Giải pháp nào hoàn thành? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, việc hoàn thành giải ngân 700 nghìn tỷ đồng trong năm nay là nhiệm vụ “vô cùng quan trọng”. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 700 nghìn tỷ đồng này là tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được phép thực hiện trong năm 2020, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. 

“Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế…” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cam kết, Bộ Tài chính đảm bảo đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân...

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Trước thực trạng giải ngân và mục tiêu phải hoàn thành giải ngân 700 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, địa phương về giải ngân cả vốn vay, vốn ODA!”. Ông cũng rất cương quyết khi chỉ đạo, đến tháng 9 nếu các dự án (DA) không có kết quả giải ngân sẽ điều chuyển vốn của các DA này.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời lưu ý cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân  đối với các DA quy mô lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước như: DA cao tốc Bắc Nam, DA cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong đó, cần giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm minh trong quá trình triển khai thực hiện…

Là cơ quan được giao xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề ra các giải pháp mạnh nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch; có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng DA; lấy kết quả giải ngân làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư từ các DA chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các DA khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong tháng 9/2020, sẽ tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các DA giao thông cấp bách, các DA chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng DA, ưu tiên bố trí vốn cho các DA có tiến độ giải ngân tốt, các DA cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. 

- Cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại.

- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư; yêu cầu các chủ DA, nhà thầu tập trung các nguồn lực, trang thiết bị để triển khai DA ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện giải ngân vốn theo chế độ quy định. Quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ DA có tiến độ giải ngân chậm sang DA có tiến độ tốt hơn. 

- Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi NSNN năm 2020.

Tin Cùng Chuyên Mục