Ngày pháp luật

Giải mã đà tăng của giá gạo xuất khẩu

Báo đầu tư

Đơn hàng xuất khẩu gạo với giá trên 1.000 USD/tấn của doanh nghiệp Việt sẽ không còn là hiếm hoi, là “ăn may”, khi quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo thực sự đi vào “đường ray”.

Bắt trúng nhu cầu, gạo Việt khẳng định giá trị

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực chưa đầy 1 tháng, cuối tháng 8/2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An) xuất khẩu 6 container với khoảng 150 tấn gạo (trong tổng khối lượng theo hợp đồng 3.000 tấn) sang EU. Ấn tượng hơn cả là Trung An đã đàm phán được mức giá hơn 1.000 USD/tấn với gạo ST25 và 600 USD/tấn với gạo Jasmine.

Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp này xuất khẩu gạo ST25 chỉ với giá 800 USD/tấn và Jasmine với giá 520 USD/tấn.

Không riêng Trung An, trong năm 2020, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cũng chốt được nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo có giá trị, như xuất gạo trắng Ban Mai, gạo lứt Phúc Thọ sang Australia; xuất gạo VJ Pearl Rice, gạo thơm RVT sang Hà Lan, Cộng hòa Czech với giá 1.040 USD/tấn.

Giải mã đà tăng của giá gạo xuất khẩu - Ảnh 1

Những đơn hàng nói trên đã góp phần đáng kể vào kết quả xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, trị giá 3,07 tỷ USD trong năm qua. Đặc biệt, tuy giảm khoảng 3,5% về lượng so với năm 2019, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, đạt bình quân 499 triệu USD/tấn (tăng 13,3% so với năm 2019), nên tổng giá trị xuất khẩu gạo năm 2020 tăng tới 9,3%.

Bộ Công thương đánh giá, đây là mức tăng tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của Việt Nam. Điều quan trọng, ngành sản xuất - xuất khẩu gạo đã đạt được 2 mục tiêu lớn: vừa đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực khi Covid-19 bùng phát, vừa duy trì vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam (đứng thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ).

Những tháng đầu năm 2021, gạo Việt xuất khẩu vẫn duy trì mức giá tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu cùng loại 5% tấm của Việt Nam cao hơn Thái Lan 5 - 7 USD/tấn, thậm chí cao hơn 75 USD/tấn so với gạo Pakistan và cao hơn tới 102 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Lý giải đà tăng của giá gạo xuất khẩu, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An chỉ ra rằng, đó là nhờ doanh nghiệp nắm bắt tốt thị hiếu thị trường để sản xuất trúng nhu cầu của khách hàng.

Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cũng là một trường hợp như vậy. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng chia sẻ, năm 2020, doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất phần lớn sản phẩm gạo thơm và gạo đặc sản, nên dù lượng xuất khẩu ít đi, nhưng giá trị thu về vẫn tăng so với những năm trước.

Còn nhiều dư địa

Giá gạo xuất khẩu đang lập nhiều kỷ lục, song những người “trong cuộc” cho rằng, mức giá vẫn còn có thể nâng lên.

Làm rõ hơn câu chuyện giá gạo cùng loại của Việt Nam ở một số thời điểm cao hơn so với một số quốc gia, ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh: “Nếu nói giá gạo cùng loại của Việt Nam xuất khẩu cao hơn Thái Lan là không chính xác”.

Theo ông Bình, mức giá gọi là “cao” đó vẫn là bình thường, sở dĩ gạo Việt có đơn hàng giá tốt là do chính chất lượng gạo và một phần do cung cầu thị trường điều tiết.

Đơn cử, với gạo 5% tấm, giá bán của gạo Việt đang cao hơn Ấn Độ trên 100 USD/tấn, song đại diện Trung An cho biết: “Gạo tấm Việt Nam khác tấm Ấn Độ. Trung An đang gia công tấm của một doanh nghiệp khác nhập từ Ấn Độ, nhưng khi gia công xong, chỉ có 30% tấm bằng với tấm Việt Nam, còn 70% là loại nhỏ chỉ dùng cho chăn nuôi. Do đó, có thể nói, gạo Việt đang bán ra thị trường thế giới với giá tốt hơn trước, nhưng chưa phải là cao nhất”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận định, sau nhiều năm sản xuất lúa gạo và xuất khẩu với giá thấp, Việt Nam đã có bước chuyển đổi về tư duy đầu tư, thay đổi quy trình canh tác, điều chỉnh cơ cấu giống lúa, nhờ đó chất lượng gạo cao hơn và giá xuất khẩu cao hơn cao so với trước đây, song đó là giá thực của các chủng loại gạo mà thế giới đang cần.

Phân tích thêm về những yếu tố tác động tới giá gạo, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận: “Giá lúa gạo năm 2020 - 2021 tăng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như nhu cầu của thế giới với chủng loại gạo này tăng lên, sự đứt gãy trong quá trình cung cấp của một số quốc gia và ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Một yếu tố quan trọng nữa được ông Tùng chỉ ra là việc Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường có nhu cầu nhập gạo lớn, ưu đãi thuế quan cũng khiến gạo Việt dễ lọt vào “mắt xanh” của các nhà nhập khẩu.

Bài toán đường dài

Xuất khẩu gạo năm 2021 và những năm tới đang có lợi thế nhờ hội tụ được các điều kiện từ nhiều phía. Về nội tại, ngành lúa gạo nước ta sản xuất khoảng 44 triệu tấn thóc/năm (năm 2020), tương đương 22 triệu tấn gạo/năm, đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường nội địa và xuất khẩu khoảng 6 - 7,5 triệu tấn/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến về tư duy, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các loại gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao hơn. Nông dân và thương nhân xuất khẩu gạo ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.

Việc mở cửa hội nhập với hàng loạt FTA đã có hiệu lực và sắp được phê chuẩn cũng tạo nhiều lợi thế cho gạo Việt xuất khẩu nhờ ưu đãi thuế. Trong đó, riêng EVFTA dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế 0%, tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm…

Theo ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed, các FTA đã thực thi mang đến thời cơ tốt cho ngành gạo xuất khẩu, nhưng đón bắt tới đâu còn tùy thuộc chiến lược của mỗi doanh nghiệp.

Nhắm đến các thị trường trong EVFTA hay CPTPP, nên Vinaseed đã phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhà máy chế biến gạo hiện đại, đồng bộ. Nhờ đó, doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng với các đối tác tại những thị trường khó tính mà từ trước đến nay, gạo Việt khó “chen chân”.

Còn với Trung An, doanh nghiệp này thậm chí đã định hướng cho khách hàng tại Philippines, Malaysia, Đức, Pháp, Australia tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, dần tạo thói quen cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gạo chất lượng xuất xứ Việt Nam.

Kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh lúa gạo, đưa thương hiệu gạo Việt sang nhiều thị trường lớn của Tập đoàn Tân Long những năm gần đây cũng được xem là một điển hình. Nhờ xây dựng thương hiệu, xây dựng nhà máy chế biến gạo quy mô, Tân Long đã trở thành nhà cung cấp lúa gạo cho hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ.

Dự báo triển vọng ngành gạo năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận, Việt Nam có sự dịch chuyển sang sản xuất gạo theo hướng “chuyên nghiệp”. Nhiều cơ hội đến từ các thị trường mới đòi hỏi chất lượng cao hơn như EVFTA, UKVFTA, VKFTA đang được các doanh nghiệp lớn khai thác khá tốt.

Tuy nhiên, ngoài các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc, thách thức cũng đến từ việc Philippines siết chặt chất lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Philippines là địa chỉ xuất khẩu quan trọng của ngành gạo. Năm 2020, nước này mua trên 2,2 triệu tấn gạo Việt với giá bình quân 476 USD/tấn.

Từ góc nhìn thị trường, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long lưu ý, gạo Việt đã thiết lập được mặt bằng giá xuất khẩu tốt hơn, nhưng để duy trì được giá tốt lâu dài, bền vững, còn rất nhiều việc cần phải làm.

Trên thực tế, năm 2020, giá gạo Việt tăng một phần do nguồn cung từ Thái Lan sụt giảm và xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị gián đoạn. Khi hoạt động xuất khẩu của 2 nước này ổn định trở lại, có thể sẽ tác động nhất định tới giá xuất khẩu của gạo Việt Nam. Vì vậy, giữ giá và tăng được giá xuất khẩu gạo vẫn là bài toán cần doanh nghiệp đưa ra lời giải.

“Gạo xuất khẩu đang có giá tốt, nhưng để không bị động, không ‘ăn may’, để đi đường dài, cần tiếp tục tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nâng cao chất lượng gạo, để khi hết dịch, khi thị trường biến động, thì ngành sản xuất, xuất khẩu tỷ USD này không bị động”, ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục