Thị trường chứng khoán bùng nổ từ đầu năm kéo theo hàng loạt con sóng Penny lớn nhỏ trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu “họ Louis”. Từ mức thị giá chỉ ngang cốc trà đá, các cổ phiếu liên quan đến Louis Holdings đều bỗng chốc “vịt hóa thiên nga”nhưng sau cùng cũng lại trở về với điểm xuất phát.
Cơn sốt “họ Louis” náo động 3 sàn
Cái tên Louis bắt đầu lộ diện trên sàn chứng khoán khi Louis Holding của ông Đỗ Thành Nhân liên tục mua gom cổ phiếu BII của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (nay là Louis Land) từ cuối năm 2020 và chính thức nắm quyền chi phối từ cuối tháng 2/2021. Thời điểm đó, BII đã trải qua một thời gian dài giao dịch dưới 2.000 đồng/cổ phiếu với kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường.
Sau BII, ông Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan tiếp tục mua gom cổ phiếu TGG của CTCP Đầu tư và Xây dựng Trường Giang (nay là Louis Capital). Louis Holding hoàn tất thâu tóm và đưa nhiều nhân sự chủ chốt vào các vị trí quan trọng của TGG từ tháng 5/2021. Công ty vốn chuyên thi công xây lắp các công trình dân dụng, cơ sở hạ tầng bất ngờ rẽ sang hoạt động tư vấn, đầu tư M&A doanh nghiệp.
Không dừng lại, Louis Holdings tiếp tục “bành chướng” vớiLouis Capital liên tiếp mua gom cổ phiếu CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – mã AGM), CTCP Sametel (mã SMT), CTCP DAP - Vinachem (mã DDV), CTCK APG (mã APG) và CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC) trong khi Louis Land cũng trở thành cổ đông lớn của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH).
Dưới “bàn tay vàng” của Louis Holding, các cổ phiếu "họLouis" đều “lớn nhanh như thổi” đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021 với liên tục những chuối ngày đồng loạt tăng trần khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên.
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, hầu hết các cổ phiếu trên đã tăng gấp nhiều lần qua đó leo lên mức đỉnh cao nhất kể từ khi lên sàn. Cá biệt, hạt nhân trong hệ sinh thái Louis Holdings là TGG thậm chí còn tăng đến hơn 65 lần trong khi BII cũng tăng gần 22 lần chỉ sau một năm. Đây là những con số có thể nói là không tưởng đối với các cổ phiếu chưa có nhiều chuyển biến khả quan trong tình hình kinh doanh, thậm chí còn nhiều vấn đề tồn đọng khó giải quyết.
Tiệc tàn, nhà đầu tư “kẹp hàng” khó về bờ
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, sau giai đoạn tăng sốc, cổ phiếu “họ Louis” đã đồng loạt quay đầu giảm sâu ngay vùng đỉnh. Các phiên nằm sàn la liệt ngày càng xuất hiện nhiều sau khi Louis Capital bất ngờ có văn bản “tự thanh manh” về “lùm xùm” thao túng giá cổ phiếu.
Trong bão giảm sàn, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu "họ Louis" bỗng vớ được cọc khi Louis Holdings đánh tiếng đỡ giá khi đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu Louis Capital. Cùng với đó, nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu này đành ngậm ngùi động viên nhau kêu gọi ngừng bán giá sàn để chờ giải cứu, thậm chí bắt đáy tại mức giá sàn.
Nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể và chuỗi ngày trượt dốc lại tiếp diễn sau “cú nảy của con mèo chết”. Đến thời điểm kết thúc tháng 10, phần lớn thành quả tăng giá trong nhịp trước của các cổ phiếu “họ Louis” đều đã bị thổi bay trong đó TGG “bốc hơi” 70% từ đỉnh, BII mất 50% thị giá, SMT giảm 60%, APG giảm 40%,...
Giữa bối cảnh cổ phiếu trượt dài, ông Đỗ Thành Nhân bất ngờ tuyên bố rút khỏi thị trường tài chính để lui về hậu trường làm nông nghiệp. Động thái này càng khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu “họ Louis” hoàng mang khi phần đông đang lỗ nặng vì đu đỉnh hay liều bắt đáy.
Khó có thể kỳ vọng vào cuộc lội ngược dòng của các cổ phiếu “họ Louis” khi hoạt động kinh doanh cốt lõi các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Louis Hodings chưa cho thấy những thay đổi tích cực và đủ sức nặng.
Điển hình như BII lỗ gộp trong quý III và chỉ thoát lỗ nhờ hoàn nhập dự phòng trong khi dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm đến gần 105 tỷ đồng. Trong khi đó, Agimex báo lãi quý III giảm hơn một nửa và cũng đang âm nặng dòng tiền kinh doanh đến hơn 800 tỷ đồng. Sametel lãi mỏng như tờ với doanh thu quý III chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, thông tin liên quan đến Louis Holdings đã không còn xuất hiện dày đặc trên truyền thông, diễn biến các cổ phiếu “họ Louis” cũng gây chú ý nhiều như trước. Cơn sóng thần đang dần trôi về quá khứ chỉ còn lại những nhà đầu tư bị “kẹp hàng” gậm nhấm khoản lỗ khó “về bờ”.