Trụ cột kinh tế Masan Consumer
Được thành lập vào năm 1996 nhưng đến năm 2002, Masan Consumer mới thực sự bắt đầu hoạt động trong thị trường tiêu dùng với sản phẩm đầu tay là nước tương Chinsu. Kể từ đó, công ty này đã phát triển mạnh mẽ thông qua các hoạt động M&A và trở thành một trong những “ông lớn” trong ngành tiêu dùng cả nước. Hiện nay, Masan Consumer đang là 1 trong 5 công ty F&B lớn nhất Việt Nam tính theo doanh thu trong năm 2020 và nằm trong top 10 thương hiệu có giá trị dẫn đầu Việt Nam theo xếp hạng của Forbes năm 2020.
Góp mặt vào hầu hết các phân khúc hàng tiêu dùng nhannh, bao gồm thực phẩm tiện lợi, gia vị, thịt chế biến, nước ngọt, cà phê, ngũ cốc và hoá mỹ phẩm; các sản phẩm của Masan Consumer có mặt trong hầu hết các gia đình Việt. Theo khảo sát của Kantar World Panel năm 2020, có tới 98% hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của công ty này.
Theo xếp hạng của Euromonitor, Masan Consumer hiện đang nắm giữ thị phần lớn nhất trong ngành nước mắm với 29,8%; đứng ở vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền vơi 20% (chỉ sau Acecook Việt Nam) và đứng thứ 3 trong thị trường nước tăng lực. Không chỉ vậy, công ty này còn dẫn đầu về mảng cà phê hoà tan (khoảng 40% thị phần cả nước) với hai thương hiệu chủ lực là Vinacafe và Wake Up.
Sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp Việt Nam với khoảng 350.000 điểm bán, độ phủ của Masan chỉ đứng sau Vinamilk và Sabeco. Sau thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ Vinmart từ Vingroup, Masan Consumer còn nhận được hỗ trợ từ Vincommerce với 3.000 điểm bán hàng tự sở hữu. Nhờ đó, “ông lớn” này có thể nhanh chóng trưng bày các sản phẩm mới tại tất cả các hệ thống bán lẻ của Vincommerce và quảng bá rộng rãi thương hiệu với chi phí thấp hơn nhiều so với các hãng khác.
Bên cạnh đó, Masan Consumer còn dễ dàng thực hiện các nghiên cứu khách hàng để xây dựng sản phẩm nhờ vào tệp dữ liệu của Vinmart/Vinmart+ và 9,7 triệu thành viên VinID.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, Masan Consumer đã đóng góp khoảng 30,5% doanh thu và 37,1 thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) cho tập đoàn.
Mạnh tay chi tiền quảng cáo
Để khiến “đế chế” Masan trỗi dậy mạnh mẽ có một phần đóng góp rất lớn từ những chiến lược “vung tiền” quảng cáo của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang. Năm 2020, Masan Consumer đứng thứ 2 trong hệ thống các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết tại Việt Nam hào phóng chi tiền quảng cáo nhất.
Theo báo cáo, mỗi năm hãng này chi khoảng 2.000 tỉ đồng cho quảng cáo, tương đương với 10,5% -14,8% doanh thu. Người tiêu dùng có thể dễ dàng thấy quảng cáo của Chinsu, Omachi xuất hiện trong “khung giờ vàng” của kênh truyền hình quốc gia một cách rất thường xuyên.
Nhờ vậy, Masan Consumer nhiều năm liền duy trì vị trí top 3 chủ sở hữu thương hiệu tiêu dùng được lựa chọn nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ sau Unilever và Vinamilk. Năm 2020, công ty này sở hữu 4 thương hiệu nằm trong top 10 thương hiệu thực phẩm được người tiêu dùng Việt ưa chuộng nhất, đó là Chinsu, Nam Ngư, Tam Thái Tử và Kokomi.
Chiến lược định giá “đi trước thời đại”
Nhằm củng cố vị trí dẫn đầu ngàng sản xuất hàng tiêu dùng, Masan Consumer đã áp dụng chiến lược định giá cao cấp. Đơn cử như năm 2007, khi thị trường chưa có phân khúc và định vị rõ ràng, Masan Consumer đã tung ra sản phẩm mì ăn liền cao cấp đầu tiên làm từ khoai tây, được cho là tốt cho sức khoẻ hơn so với nguyên liệu truyền thống là lúa mì. Sau khi ra mắt, sản phẩm này nhanh chóng được người tiêu dùng thành thị yêu thích và giành được 15% thị phần chỉ sau 3 năm.
Năm 2017, công ty này bắt đầu tập trung vào chiến lược sản phẩm cao cấp bằng việc trung ra sản phẩm mì ăn liền với xúc xích đầu tiên tại Việt Nam, tạo ra tiếng vang lớn và giúp doanh thu của ngành hàng này tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, Masan Consumer tuyên bố thương hiệu mì ăn liền cao cấp của công ty này đã thống trị phân phúc cao cấp với 45% thị phần, doanh thu tăng 32% so với cùng kì và là thương hiệu bán chạy nhất tại các siêu thị.
Các báo cáo trong giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy, dòng sản phẩm cao cấp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thực phẩm tiện lợi với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm. Nhờ nắm bắt đúng hướng đi, Masan Consumer đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” giúp hệ sinh thái của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang liên tục sinh lời trong suốt 20 năm qua.