Giá xăng "leo thang" tăng thêm gánh nặng cho lái xe Grab
Marlon là một tài xế Grabfood ở Philippines. Mỗi ngày, sau khoảng 15 chuyến giao hàng, thu nhập của anh được khoảng 1.000 peso (19,09 USD). Thế nhưng, chi phí nhiên liệu ngày càng cao làm ảnh hưởng đến số tiền thu thực của Marlon.
Giá xăng tại Philippines bắt đầu tăng từ cuối tháng 2 năm nay. Khi giá xăng chưa có nhiều biến động, mỗi ngày anh chỉ tốn 180 peso (3,44 USD) cho chi phí nhiên liệu. Thế nhưng hiện nay, con số này đã tăng lên 300 peso (5,74 USD), cao hơn 67% so với trước kia.
Năm nay, giá nhiên liệu toàn cầu liên tục tăng cao đã làm ảnh hưởng đến túi tiền của các tài xế. Cùng với đó là giá thực phẩm leo thang. Giá hàng hóa tăng cao có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn trong những tháng tới.
Tình trạng trên gây ảnh hưởng lớn đến các nền tảng công nghệ tiêu dùng như Grab khi đơn vị này luôn phải cân bằng lợi ích giữa các đối tác như nhà đầu tư, người tiêu dùng, tài xế của hãng và chính phủ.
Đối với các tài xế công nghệ, việc chi trả thêm cho nhiên liệu là một vấn đề lớn. Họ không còn dư tiền để dành dụm tiết kiệm. Đồng thời, giá hàng hóa leo thang cũng khiến người lao động như Marlon gia tăng thêm gánh nặng vì chi phí mua thực phẩm.
Trước tình hình này, Grab đã hỗ trợ cho các đối tác tài xế của hãng với những khoản chiết khấu nhiên liệu. Tại một số trạm xăng nhất định, tài xế Grab có thể được giảm 4 peso/lít xăng. Tuy nhiên theo Marlon, khoản chiết khấu ấy không đáng kể bởi anh vẫn có thể tìm thấy các trạm xăng khác có giá thành thấp hơn mà không cần chiết khấu.
Marlon chia sẻ: “Tôi hy vọng Grab có thể cung cấp những ưu đãi cao hơn và thực sự giúp ích cho chúng tôi."
Kế hoạch "cắt giảm" ưu đãi để thu lợi nhuận, giảm dần khoản lỗ
Sau nhiều năm "chi tiêu" mạnh tay cho các gói ưu đãi, siêu ứng dụng Grab đã giành được thị phần nhất định và đội ngũ tài xế đông đảo tại Đông Nam Á. Nhưng trong thời điểm giãn cách do đại dịch Covid-19, lượng tài xế đã giảm đáng kể.
Trong cuộc họp báo kết quả kinh doanh quý I/2022, CEO kiêm đồng sáng lập Grab, Anthony Tan, đã đề cập đến các cách thức giải quyết tình trạng thiếu tài xế với nhu cầu di chuyển tăng mạnh trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các chế độ ưu đãi, chiết khấu dành riêng cho tài xế của hãng là một trong số đó.
Trong quý I/2022, chế độ ưu đãi dành cho tài xế và đối tác thương mại trong phân khúc giao hàng đã tiêu tốn 169 triệu USD của Grab. Số tiền này cao hơn 44% so với mức 117 triệu USD của quý I/2021. Cùng với đó, các ưu đãi của phân khúc đặt xe đã "tiêu hao" tới 47 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với mức 22 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
Grab lỗ ròng 435 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2022. Siêu ứng dụng Đông Nam Á đang nỗ lực để có lãi sau nhiều năm "chi tiêu" mạnh tay trong cuộc chiến giành giật thị phần. Bắt đầu từ nửa cuối năm nay, Grab sẽ "cắt giảm" các ưu đãi dành cho tài xế để thu lợi nhuận sau khi nguồn cung tài xế ổn định trở lại. Trong bối cảnh các đối tác tài xế cần nhiều sự trợ giúp hơn do lạm phát tăng cao, việc "cắt giảm" trở thành thách thức đối với Grab.