THIỆT ĐƠN, THIỆT KÉP...
Thời gian qua, những doanh nghiệp bán lẻ điện máy, di động như Trần Anh, Media Mart, Thế Giới Di Động, Điện máy xanh, Pico,… đã “rung chuông” cảnh báo về tình trạng bị giả mạo thương hiệu một cách trắng trợn để trục lợi. Bằng các chiêu trò khác nhau cùng với những mánh khoé Internet “điêu nghệ”, các đối tượng lừa đảo và các công ty “đột lốt hàng chính thống” đã xâm nhập vào thị trường, khách hàng gây nhũng nhiễu hoạt động kinh doanh và làm giảm uy tín cũng như niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp đó.
Ví dụ như trường hợp của hệ thống bán lẻ điện máy Trần Anh (Hà Nội) bị nhóm người mạo danh thương hiệu của doanh nghiệp, lừa đảo khách hàng bằng cách sử dụng xe tải để đi bán những mặt hàng cùng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức... Thậm chí các đối tượng còn in thông tin quảng cáo có logo và slogan "Chuyên gia điện máy" y hệt nhận diện thương hiệu của hệ thống bán lẻ này để hoạt động.
MediaMart cũng gặp phải trường hợp khách hàng mang những sản phẩm mua trên mạng hoặc tại những cửa hàng nhỏ lẻ, trên phiếu bảo hành sản phẩm đã mạo danh trung tâm bảo hành của MediaMart đến để sửa chữa và đổi trả sản phẩm gây ra những hiểu lầm không đáng có cho doanh nghiệp.
KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT!
Mức độ lừa đảo càng ngày càng trở nên tinh vi hơn khi nó bắt đầu len lỏi vào mọi ngõ ngách bằng Internet. Đáng chú ý, đó là tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp giả mạo lập website có tên gọi tương tự và dễ gây nhầm lẫn với các thương hiệu nổi tiếng.
Trước đây, Thế giới di động cũng phải chịu nhiều "sóng gió" với chiêu thức bịp bợm này. Tại một số website giả mạo, chúng còn ngang nhiên sử dụng hình ảnh, biển hiệu và nhân viên của chính thegioididong.com trong các thông tin quảng bá dịch vụ, in chương trình khuyến mãi của nhiều sản phẩm rồi "tiện thể" đóng luôn logo của Thế Giới Di Động để người tiêu dùng tin tưởng mua hàng.
Nạn nhân gần đây nhất chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Hưng (Công ty Thành Hưng). Được thành lập từ năm 1996, trải qua hơn 20 năm phát triển, Thành Hưng vẫn luôn là địa chỉ đáng tin cậy mỗi khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hoá. Công ty Thành Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo hộ nhãn hiệu độc quyền Thành Hưng trong lĩnh vực vận tải chuyển nhà trên toàn quốc.
Với tiêu chí “Luôn khởi đầu, luôn cống hiến”, công ty đã cố gắng nỗ lực để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tuyệt vời nhất với chất lượng hàng đầu. Chính vì phong cách phục vụ chuyên nghiệp nên khách hàng đã luôn yêu thích và tin tưởng mỗi khi lựa chọn dịch vụ của hãng này. Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, Internet lại phát triển, một số đối tượng đã giả mạo thương hiệu này nhằm kinh doanh bất hợp pháp và trục lợi từ chính những website giả mạo đó.
Chỉ với một thao tác tìm kiếm đơn giản trên google, chưa đến một giây chờ đợi kết quả, khách hàng có thể thấy ngay thông tin vận chuyển của hãng Taxi tải Thành Hưng. Điều đáng nói ở đây là có đến hàng trăm trang web với danh nghĩa taxi tải Thành Hưng kèm theo số điện thoại và địa chỉ công ty khác nhau. Vậy đâu mới là trang web chính thống của công ty?
Trao đổi với báo DN & PL, ông Phạm Ngọc Vương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Hưng cho biết: “Hiện nay, công ty chúng tôi đang sở hữu những trang web chính thống với tên miền “thanhhunggroup.com”, “taxitaithanhhung.com”, “chuyenhathanhhung.com”, “chuyennhatrongoi.info”, “chuyenvanphong.vn”, “taxitai.vn”, “dichvuchuyennha.net.vn”. Hiện tại, công ty chúng tôi cũng đã phát hiện được gần 50 tên miền các trang web giả mạo Thành Hưng được cung cấp từ chính các khách hàng. Trên thực tế, con số đó còn lớn hơn rất nhiều”.
Anh Ngô Văn Điệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cách đây 2 tháng, anh có nhu cầu chuyển đồ đạc đến căn nhà mới mua, nên đã lên mạng tìm kiếm trang web chuyển nhà có tên thương hiệu Thành Hưng. Việc chuyển đồ đạc diễn ra nhanh chóng. Nhưng sau đó, anh đã phát hiện ra mình mất 2 chiếc khoan trị giá vài triệu đồng. Anh cũng cho biết thêm việc chuyển nhà không có bất cứ hợp đồng nào, họ chỉ đến đóng gói đồ đạc và đưa giá. Do nhu cầu đang cần nên anh cũng thuê luôn.
Tương tự là trường hợp của chị Lý Thị Hạnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trong quá trình vận chuyển đồ đạc, chị cũng mất 2 thùng đồ đạc. Chị đã tìm lại trang web Thành Hưng để phản hồi về vấn đề này. Tuy nhiên, khi được trang web Thành Hưng yêu cầu cung cấp lại số hợp đồng, chị lại cho biết chị không nhận được bất cứ bản hợp đồng nào trong quá trình vận chuyển. Đến lúc đó, chị Hạnh mới biết, mình bị... lừa.
Ông Vương khẳng định, hiện nay, Thành Hưng không có công ty con nào làm chuyển nhà trọn gói. Công ty có một đội ngũ chuyên nghiệp. Khi đến khảo sát, đội ngũ nhân viên của công ty luôn mặc đồng phục, có thẻ, ảnh kèm theo thời hạn và ký hợp đồng với khách hàng trước khi vận chuyển.
Thực tế trên nhắc nhở các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn trong việc cung cấp những sản phẩm & dịch vụ; Thường xuyên rà soát hệ thống để giúp khách hàng không bị rơi vào “tơ nhện” mà các đối tượng giả mạo đã giăng ra. Về phía mình, khách hàng cũng phải thận trọng hơn khi “tham gia” vào bất cứ hình thức dịch vụ nào trên mạng, tìm hiểu kĩ để tránh “tiền mất tật mang”. Chỉ khi nào khách hàng biết bảo vệ chính mình, doanh nghiệp tự nâng cao kỹ năng “phòng thủ”, vấn nạn này mới được hạn chế và doanh nghiệp mới có thể phát triển vững mạnh được!
Theo Luật sư Trần Nam Long, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Việt Á: “Việc giả mạo nhãn hiệu để lừa dối người tiêu dùng Việt Nam là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hiện nay, cơ chế xử lý đối với những vi phạm này là khá đầy đủ, theo đó, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, người bị xâm phạm có thể đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự (Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức xử phạt lên đến 3 năm tù giam); xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định 99/2013/NĐ-CP với mức xử phạt lên đến 500 triệu đồng) hoặc khởi kiện ra Tòa án, buộc người thực hiện việc xâm phạm phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, chủ thể quyền có thể đề nghị cơ quan chức năng thu hồi, buộc trả lại hoặc cấm sử dụng đối với những tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT trên mạng Internet của các cơ quan chức năng Việt Nam còn khá lúng túng, đặc biệt trong trường hợp tên miền/nhà cung cấp dịch vụ Internet đặt tại nước ngoài; mức xử phạt được áp dụng thường không cao nên chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, chế tài hình sự lại hiếm khi được áp dụng nên đã xảy ra hiện tượng “nhờn thuốc”, dẫn đến tình trạng các đối tượng sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục tái phạm với mức độ tinh vi hơn, quy mô lớn hơn.”