Giá đất vườn làm farmstay tăng tới 7%
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm rưỡi, không ít người tìm đến farmstay như một kênh đầu tư hay đơn giản để thỏa mãn thú điền viên. Thậm chí vào khoảng giữa năm 2020, trào lưu farmstay từng nở rộ đến mức Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu sớm tạo dựng khung pháp lý cho mô hình này.
Đến giữa năm 2021, thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, khi các phân khúc đất nền, chung cư, nhà phố chững lại hoặc đi ngang giá thì giá bán đất làm farmstay vẫn tăng.
Theo thống kê Colliers International Việt Nam, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá đất vườn tại khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn tăng nhẹ 2 - 5% so với 2 - 3 tháng trước. Tại huyện Sóc Sơn, đất vườn hiện dao động 2 - 10 triệu đồng/m2. Tại Ba Vì (Hà Nội), một số lô đất vườn khu vực Yên Bài và hồ Suối Hai, giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/m2, trong đó có một phần diện tích có thể chuyển thổ cư.
Cũng theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, tính đến hết quý II/2021, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô. Cụ thể, làn sóng này phát triển suốt năm 2020, có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền sốt ở nhiều khu vực. Nhưng sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại.
Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven Hà Nội như tại Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai,… vẫn được nhiều người quan tâm tìm kiếm thông tin để mua, giá tiếp tục tăng nhẹ 2 - 7% so với 1 - 2 tháng trước.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam hiện tại có bốn nhóm nhà đầu tư farmstay: Nhóm thứ nhất là các gia đình ở thôn quê, ngoại thành, có sẵn đất đai và muốn phát triển mô hình này để thu hút du khách, có thêm nguồn thu. Nhóm thứ hai là những cư dân đô thị muốn sở hữu một nơi chốn nghỉ dưỡng riêng tư ở miền quê.
Nhóm thứ ba là nhà đầu tư từ các thành phố lớn xem farmstay như là một trong số các kênh đầu tư của họ. Nhóm thứ tư là những người muốn rời xa áp lực cuộc sống ở đô thị, “bỏ phố về vườn” để lập nghiệp.
Còn ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản chia sẻ, hai năm trở lại đây xu hướng săn đất nông nghiệp làm farmstay nóng lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh lân cận TP.HCM hay Hà Nội đang dần được nâng cấp, mở rộng nên nhiều nhà đầu tư đã chuyển dòng tiền nhàn rỗi sang đầu tư sản phẩm này vừa để làm nơi nghỉ ngơi thư giãn, vừa chờ đất lên giá.
Farmstay chỉ dành cho người giàu vốn
Theo ông Trần Khánh Quang, khi mô hình farmstay nở rộ, áp lực cạnh tranh giữa các cơ sở farmstay là điều khó tránh khỏi. Lúc này, nhà đầu tư phải có tiềm lực ngân sách đủ lớn nếu không muốn bị “chìm” giữa cuộc chơi.
Ông Quang lấy dẫn chứng, sau khi mua mảnh đất hết 1 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải chi tiền cải tạo khoảng 200 - 300 triệu đồng, xây thêm nhà mất 400 - 500 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phải bỏ ra tiền chăm sóc khoảng 10 triệu đồng. Do đó, tài chính không lớn, đặc biệt sử dụng đòn bẩy từ ngân hàng thì trong bối cảnh dịch kể cả khi không có dịch, những nhà đầu tư này buộc phải sang tên để thu hồi vốn.
Bà Phạm Tú Anh, một chủ nhà vườn có kinh doanh mô hình farmstay ở Ba Vì thừa nhận, đầu tư vào mô hình này không như những lời mời chào lâu nay trên mạng xã hội. Farmstay là mô hình không phải đầu tư để thu hồi vốn nhanh như các phân khúc khác. Mô hình này đòi hỏi người làm hiểu biết về kiến trúc, kỹ thuật nông nghiệp, cách bài trí kết hợp hài hoà để con người gần với thiên nhiên.
“Tôi cũng đầu từ 2 tỷ đồng cho việc xây dựng nhà gỗ trong nông trại hơn 2.000 m2 từ năm 2019 để khách tham quan và nghỉ dưỡng. Thời điểm chưa bùng dịch, mỗi tháng có thể thu về trung bình 25 - 30 triệu. Tuy nhiên, tới năm 2020 rất ít, mặc dù đã có nhiều chính sách giảm giá nhưng do dịch bệnh nên ít khách. Cũng có người tìm hỏi mua lại với giá 2,5 tỷ nhưng tôi cũng định hướng đây là chỗ nghỉ dưỡng của gia đình nên không bán mà vẫn duy trì các hoạt động dọn dẹp, chăm vườn như lúc chưa có dịch”.
Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế chia sẻ, đã có những nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mua 5 - 10 ha đất để làm nhà vườn. Tuy nhiên, không lâu sau đó họ phải bán tài sản vì nhận ra mua đất rồi phải xây nhà, chăm sóc vườn tược, bảo trì tài sản này khá tốn kém, trong khi về ở bất tiện vì xung quanh không có tiện ích. Theo đó, ông Hiển cho rằng, khi quyết định ôm hàng, nhà đầu tư phải chấp nhận chờ 5 năm, thậm chí cả thập niên mới mong có lãi, do đó sản phẩm này chỉ dành cho những nhà đầu tư giàu vốn, không nhìn lợi nhuận trong ngắn hạn.