Ít nhất từ khoảng thời gian dài hơn 3 tháng nay, giá cà phê nguyên liệu tại vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam mới có dịp lên mạnh với mức bình quân 32,6 triệu đồng/tấn. “Dù chưa phải là cao, nhưng 32,5 triệu đồng/tấn trở lên là mức mong đợi kể từ khi được tin các nước tiêu thụ không sử dụng cà phê nhiều như bình thường do nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội,” anh Trần Đình Trọng, giám đốc Hợp tác xã Eatu, TP. Buôn Ma Thuột nói.
Thật vậy, từ đầu tháng 7/2020, giá sàn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, đã tăng dần. Trong 9 phiên giao dịch gần nhất, thị trường chứng kiến đến 8 phiên có giá đóng cửa tăng mà đỉnh điểm là ngày 17/7 tăng 50 đô la để đạt 1.293 đô la/tấn với biên độ dao động giữa đáy và đỉnh trong kỳ là 1.157/1.297 , cách biệt nhau 140 đô la/tấn.
Giải mã đợt giá lên
Đối với nhiều người, cú nhảy của giá đóng cửa sàn cà phê London từ 1.243 lên 1.293 đô la/tấn có thể là một bất ngờ đối với riêng phiên cuối tuần vừa qua. Tuy nhiên, nhìn đại thể từ đầu tháng 7/2020 đến nay, thị trường nông sản nói chung đều theo hướng tích cực không riêng gì cà phê robusta.
Dù có tin đại dịch Covid-19 làm hạn chế tiêu thụ cà phê các loại, nhưng robusta có vị trí riêng. Khi người tiêu thụ không thể tìm đến quán xá để thưởng thức cà phê hàng ngày, họ quay sang mua cà phê hòa tan để sử dụng tại nhà. Robusta thường được dùng để chế biến cà phê hòa tan, một loại thức uống cà phê tiện dụng nhất trong mùa đại dịch.
Từ cuối tháng trước, chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ giảm liên tục, từ 97,50 nay chỉ còn 96,00 điểm. Đó là lý do giúp giá cà phê tăng rỉ rả từ bấy đến nay. Trong điều kiện một đồng đô la Mỹ rẻ, các nhà kinh doanh thường có khuynh hướng giảm bán khống và tăng lượng mua nhờ chi phí tài chính giảm nên giúp giá kỳ hạn cà phê lên.
Ngày 17/7/2020, cú búng mạnh tăng 50 đô la sau một phiên nên được xem là “giọt nước làm tràn ly” khi có tin tồn kho robusta đạt chuẩn (certified stocks) thuộc sàn London xuống mức thấp nhất tính từ một năm rưỡi nay, chỉ còn 113.610 tấn (16/7/2020). Dù cà phê đạt chuẩn thường được các nhà kinh doanh đem treo sẵn sàng tại các kho do sàn qui định để đấu giá, nhưng vì giá của sàn đưa ra quá thấp, trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết, nên hầu như các lô cà phê này không thể bán được trên sàn. Hiện tượng cà phê tồn kho đạt chuẩn giảm xuống mức sâu nên hiểu là do nhu cầu tiêu thụ thị trường tự do ngoài sàn có giá tốt hơn.
Trong khi đó, một số tin tích cực đến dồn dập như Trung Quốc đã bắt đầu mua một lượng rất lớn đậu nành từ Mỹ. Chỉ cách nay vài hôm, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc ký ít nhất 5 hợp đồng mua ít nhất 300.000 tấn đậu nành, giao hàng chủ yếu trong tháng 10 và 11/2020.
Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ báo tiếp rằng Trung Quốc sẽ còn ký hợp đồng mua tiếp 3,26 triệu tấn bắp cùng với 518.000 tấn đậu nành và 320.000 tấn lúa mì hạt. Dù còn lâu mới đạt chỉ tiêu của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai bên, theo đó Trung Quốc phải mua 36,5 tỷ đô la hàng nông sản Mỹ trong năm đầu tiên sau thỏa thuận ký vào tháng 1/2020, nhưng những động thái vừa qua cho thấy phía Trung Quốc đã chủ động khởi động ký hợp đồng mua nông sản Mỹ có giá trị đến 5 tỷ đô la tính đến hết tháng 5/2020 và nay vẫn tiếp tục. Một khi nông sản Mỹ có đường ra, mặt bằng giá các sàn nông sản phái sinh có điều kiện nâng lên.
Mặt khác, tin một loại vắc-xin ngừa virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch Covid-19 do hãng Moderna (Mỹ) đang chuẩn bị thử nghiệm trên người lần 3 sau 2 lần có kết quả tích cực. Tin này không chỉ mang lại điều tốt lành cho người đã và sẽ bị lây nhiễm trên khắp thế giới, nó còn thổi làn gió mát cho nền kinh tế các nước. Hơn ai hết, các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê đang mong chờ một hay nhiều loại vắc-xin chống dịch Covid-19 thử nghiệm thành công để giá cà phê quay lại đúng vị trí của nó một khi nhu cầu tiêu thụ trở lại bình thường.