FLC cho biết đang trong quá trình đàm phán với trái chủ để thông qua phương án gia hạn, dự kiến thanh toán trước 28/12/2025 trong trường hợp được trái chủ đồng ý.
Trước đó cuối năm 2023, FLC đã đề xuất 4 phương án với trái chủ để thanh toán lô trái phiếu trên, chủ yếu xoay quanh việc khai thác hoặc chuyển nhượng hoặc cấn trừ đối với dự án FLC Hải Ninh 2 nhưng cuối cùng không phương án nào được thông qua.
FLC Hải Ninh 2 nằm trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quảng Bình. Đại dự án có tổng vốn đầu tư 20 ngàn tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 1,954ha. Tính đến cuối năm 2022, dự án đã đưa vào hoạt động hai sân golf và một số biệt thự ven biển.
Lô trái phiếu FLCH2123003 có giá trị 1,150 tỷ đồng theo mệnh giá, được FLC phát hành hồi tháng 12/2021 với lãi suất 12%/năm, ban đầu dự định sẽ đáo hạn vào tháng 12/2023 vừa qua. Thỏa thuận khi đó cho phép trái chủ quyền yêu cầu Công ty mua lại trước hạn vào các thời điểm 12 tháng, 15 tháng và 18 tháng kể từ ngày mua trái phiếu.
Đến tháng 09/2023, FLC đã mua lại 153 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Công ty tiếp tục có 3 đợt mua lại, lần lượt 200 triệu đồng, 750 triệu đồng và 150 triệu đồng. Thời điểm cuối tháng 02/2024, FLC còn đang nợ gốc gần 996 tỷ đồng. Đây cũng là toàn bộ dư nợ trái phiếu còn lại của Công ty theo như thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Ngoài lô trái phiếu trên, FLC còn lô trái phiếu 430 tỷ đồng FLCH2124002 kỳ hạn đến tháng 10/2024 theo kế hoạch, phát hành từ tháng 10/2021 nhưng đã được mua lại trước hạn toàn bộ trong năm 2022.
Đây là lô trái phiếu có bảo đảm, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền kèm lãi suất phát hành 10.5%/năm. Số tiền thu được dùng để đầu tư phát triển giai đoạn 1 dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (tên thương mại là dự án FLC Tropical City 1).
Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 mới đây, lãnh đạo FLC cho biết đang nỗ lực nhằm tái cơ cấu toàn diện Công ty, qua đó đáp ứng các yêu cầu hoạt động kinh doanh. Các dự án đang được tái khởi động trên toàn quốc, chẳng hạn dự án FLC Quảng Bình, dự án FLC Tropical (Hạ Long), dự án FLC Premier Parc, dự án Kon Tum,…Hiện FLC còn đang nợ 600 tỷ đồng nghĩa vụ thuế và tài chính với Nhà nước.
Gần đây nhất, FLC đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2023 và biên bản kiểm phiếu Đại hội đồng cổ đông bất thường.
Cụ thể, theo văn bản số 50/FLC-BNSPC của FLC, ngày 20/2/2024, doanh nghiệp này nhận được công văn số 368/SGDHN-QLNY của HNX về việc "nhắc nhở công bố thông tin và yêu cầu giải trình có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quy định về công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với HNX".
Phía FLC cho biết, hiện nay các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành do Tập đoàn và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.
Theo đó, FLC chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022 và 4 quý của năm 2023.
Phía FLC đang nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.
Sau khi các báo cáo tài chính năm 2021, 2022, quý I/2023, quý II/2023, quý III/2023 được phát hành, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính quý IV/2023 và công bố thông tin theo quy định.
Đối với việc chậm công bố thông tin bất thường, theo giải trình của FLC, ngày 2/1, Tập đoàn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 và nộp hồ sơ công bố thông tin kết quả cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành theo quy định qua hệ thống CIMS.
Đến ngày 8/1, HNX ra thông báo từ chối, yêu cầu bổ sung biên bản kiểm phiếu. Ngay sau khi nhận được thông báo từ HNX, FLC đã nộp bổ sung hồ sơ theo yêu cầu và tiếp tục bị từ chối do đề nghị doanh nghiệp đóng dấu đỏ vào biên bản kiểm phiếu.
Ngày 9/1, FLC đã bổ sung tài liệu theo yêu cầu của HNX và hồ sơ đã được chấp thuận.
Bên cạnh đó, FLC vừa bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng hơn 91,2 tỷ đồng.
Theo đó, với khoản nợ thuế hơn 91,2 tỷ đồng gồm 15,2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân, 61,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3,2 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính, và 14,1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.