Ngày pháp luật

Tập đoàn FLC: Tiếp tục bị cưỡng chế thuế hơn 91 tỷ đồng, lên tiếng về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2023

Giang Phạm

FLC vừa có giải trình gửi UBCKNN, HNX, về việc nộp báo cáo tài chính quý IV/2023 và biên bản kiểm phiếu ĐHĐCĐ bất thường.

FLC nói gì về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2023?

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm nộp báo cáo tài chính quý IV/2023 và biên bản kiểm phiếu Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Cụ thể, theo văn bản số 50/FLC-BNSPC của FLC, ngày 20/2/2024, doanh nghiệp này nhận được công văn số 368/SGDHN-QLNY của HNX về việc "nhắc nhở công bố thông tin và yêu cầu giải trình có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quy định về công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với HNX".

Phía FLC cho biết, hiện nay các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành do Tập đoàn và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.

Theo đó, FLC chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, 2022 và 4 quý của năm 2023.

Phía FLC đang nỗ lực phối hợp cùng đơn vị kiểm toán thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.

Sau khi các báo cáo tài chính năm 2021, 2022, quý I/2023, quý II/2023, quý III/2023 được phát hành, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính quý IV/2023 và công bố thông tin theo quy định.

Đối với việc chậm công bố thông tin bất thường, theo giải trình của FLC, ngày 2/1, Tập đoàn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 và nộp hồ sơ công bố thông tin kết quả cuộc họp không đủ điều kiện tiến hành theo quy định qua hệ thống CIMS. 

Đến ngày 8/1, HNX ra thông báo từ chối, yêu cầu bổ sung biên bản kiểm phiếu. Ngay sau khi nhận được thông báo từ HNX, FLC đã nộp bổ sung hồ sơ theo yêu cầu và tiếp tục bị từ chối do đề nghị doanh nghiệp đóng dấu đỏ vào biên bản kiểm phiếu.

Ngày 9/1, FLC đã bổ sung tài liệu theo yêu cầu của HNX và hồ sơ đã được chấp thuận.

Tiếp tục bị cưỡng chế thuế

Ở một diễn biến khác, Tập đoàn FLC vừa bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng hơn 91,2 tỷ đồng.

Theo đó, với khoản nợ thuế hơn 91,2 tỷ đồng gồm 15,2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân, 61,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3,2 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính, và 14,1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2024, Cục Thuế Thành phố Hà Nội cũng đã quyết định cưỡng chế gần 90 tỷ đồng từ các tài khoản của FLC tại ngân hàng, bao gồm cả thuế chậm nộp thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, và tiền phạt vi phạm hành chính.

Riêng với khoản nợ thuế quá hạn hơn 678 tỷ đồng tại Cục Thuế Hà Nội, Quảng Bình, Chi cục Thuế Hạ Long, Sầm Sơn - Quảng Xương và tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu kinh tế Quy Nhơn, Tập đoàn FLC bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Ngưng cho doanh nghiệp sử dụng hoá đơn là một trong các bước để cơ quan thuế thu hồi nợ. Nếu doanh nghiệp vẫn không hoàn thành nghĩa vụ, ngành thuế có thể thực hiện thêm các bước khác như trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc mạnh tay hơn là tạm hoãn xuất nhập cảnh với người đại diện pháp luật của công ty.

Tin Cùng Chuyên Mục