Nhóm hưởng lợi từ cơn sốt giá hàng hóa sẽ tăng trưởng khả quan
Theo thống kê từ FiinGroup, tăng trưởng lợi nhuận khối phi tài chính đến từ các doanh nghiệp hưởng lợi đà tăng giá hàng hóa và đứt gãy chuỗi cung ứng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của 32 doanh nghiệp được dự báo có thể tăng 36,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong bối cảnh giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn kéo dài trong quý III.
Tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ chủ yếu đến từ các nhóm ngành hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa (Thép, Phân bón, Hóa chất), đứt gãy chuỗi cung ứng (Vận tải biển, Thực phẩm) và nhu cầu gia tăng do giãn cách (Công nghệ Thông tin).
Ở chiều ngược lại, một số ngành dự kiến ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do tiêu dùng trong nước sụt giảm vì ảnh hưởng của giãn cách xã hội, bao gồm Hàng cá nhân, Bia, Cao su, Khí đốt và Dược phẩm. Dù vậy, FiinGroup cho rằng đây cũng là những nhóm ngành sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi các hoạt động kinh tế và giao thương được kích hoạt trở lại.
Trên thị trường, diễn biến giá cổ phiếu cũng phân hóa theo triển vọng lợi nhuận của từng nhóm ngành. Phần lớn các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý III đều có đà tăng giá trong hơn 1 tháng qua. Nhờ dòng tiền sôi động, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (bao gồm TCD, DGC, DCM) tăng tốt hơn so với nhóm vốn hóa lớn như HPG, MSN, FPT.
Mặt khác, kỳ vọng hồi phục đã giúp một số cổ phiếu thuộc nhóm có lợi nhuận quý III suy giảm bật tăng khá mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý III của GAS ước giảm 10% so với cùng kỳ tuy nhiên câu chuyện về giá khí đang tăng cao và nhu cầu khí cho sản xuất điện hồi phục trong quý IV đã giúp cổ phiếu GAS tăng 22,5% trong 2 tuần qua.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá đắt
FiinGroup cũng đã đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng năm 2021 đối với 43 doanh nghiệp, chiếm 34,1% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Đáng chú ý, FiinGroup cho rằng lợi nhuận các ngân hàng dự kiến sẽ giảm quý thứ 2 liên tiếp so với quý liền trước.
Theo đó, lợi nhuận quý III/2021 của 9 ngân hàng dự kiến giảm 13,4% so với quý liền trước do gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận các ngân hàng tăng 10,8% tuy nhiên tốc độ đã chậm lại trong 2 quý gần đây.
Cụ thể, Vietcombank và VietinBank được cho là sẽ lội ngược dòng với mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 0,9% và 4,9% so với quý trước. Điều này chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II.
Trong khi đó, lợi nhuận của VIB dự kiến giảm mạnh gần 40% so với quý trước do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ô tô và bancassurance) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.
Theo FiinGroup, giá cổ phiếu ngân hàng cũng đã phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém tích cực, với mức giảm 14,3% kể từ đầu tháng 7 sau khi đã tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2021. Qua đó, đưa định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng từ mức đỉnh 2,65 hồi đầu tháng 5 về còn 2,08.
Tuy nhiên, FiinGroup đánh giá đây vẫn là mức khá đắt so với lịch sử cũng như triển vọng lợi nhuận ngắn và trung hạn dưới áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro theo các quy định hiện hành bao gồm Thông tư 14 cũng như thực tế tác động của COVID-19 đến chất lượng tín dụng của người vay. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III/2021 chậm hơn nhiều các quý trước đó.
Trước đó, SSI Research cũng đã đưa ra những con số ước tính kết quả kinh doanh quý III của 9 ngân hàng. Cụ thể, lợi nhuận quý III của Techcombank được dự báo sẽ tăng hơn 30% lên dẫn đầu ngành ngân hàng với 5.200 tỷ đồng trong khi lợi nhuận Vietcombank có thể sẽ đi ngang ở mức 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận của MB, ACB, VPBank... cũng được dự báo tăng trưởng trên hai con số trong khi VIB có thể tăng trưởng âm trong quý III/2021.