Ngày pháp luật

World Bank: Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

Giang Phạm

Đơn vị này cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022.

Báo cáo Điểm lại tháng 8 "Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai" của World Bank (WB) công bố ngày 24/8 chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% - 7% từ năm 2022.

Bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2021

Đại diện của đơn vị này cho rằng, chính sách tiền tệ hiện tại đang tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi năm 2021 và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Khi nền kinh tế thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua biện pháp có lựa chọn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Lạm pháp vẫn ở mức vừa phải.

Khi các động lực tăng trưởng dần được củng cố, chính sách tiền tệ sẽ trở lại vị thế trung lập từ năm 2022. Cùng với đó, cơ quan thực hiện chính sách sẽ quay lại với quan điểm cẩn trọng nhằm cân đối giữa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự biến động của khu vực tài chính.

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng do có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Dự kiến, Việt Nam sẽ có khả năng mở cửa lại cho du khách quốc tế vào năm 2022-2023. 

Đại diện của WB cho rằng, nếu các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam giữ được vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022.

Công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Trong buổi họp báo, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB Jacques Morisset nhận định, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt mặc dù còn lĩnh vực vẫn chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới.

Ông Jacques Morisset cho rằng, để trở thành cường quốc kỹ thuật số, Việt Nam sẽ cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới. 

Cho đến nay, Việt Nam đã làm việc này rất tốt. Ngày nay, Việt Nam được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về sự phổ biến điện thoại di động và người dân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet.

Nhiều người Việt Nam sử dụng điện thoại di động nhưng kỹ năng kỹ thuật số còn hạn chế. Nguồn: Báo cáo Điểm lại của WB, tháng 8/2021
Nhiều người Việt Nam sử dụng điện thoại di động nhưng kỹ năng kỹ thuật số còn hạn chế. Nguồn: Báo cáo Điểm lại của WB, tháng 8/2021

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty CNTT hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,…  Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980. 

Tuy nhiên, đại diện của World Bank cũng nhận định, để có thể thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.

Song song với đó, đại diện của World Bank cũng cho rằng Việt Nam nên tiến hành lộ trình hành động cụ thể như: nâng cao kỹ năng số; bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh.

Tin Cùng Chuyên Mục