Được thành lập vào năm 2013, F88 là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính tiện ích có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Với 800 phòng giao dịch trên toàn quốc, hoạt động trên nguyên tắc "đa dịch vụ, một điểm đến", F88 cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính từ cho vay có tài sản bảo đảm, bảo hiểm, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền mobile money, nạp rút ví điện tử và các dịch vụ tiện ích tài chính khác. Mục tiêu năm 2023 mà F88 hướng tới là trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, sở hữu 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, F88 lấy tiền đâu để cho vay?
Huy động vốn từ quỹ ngoại
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh, Công ty cổ phần kinh doanh F88 được thành lập vào ngày 30/06/2016 với vốn điều lệ ban đầu 54,5 tỷ đồng.
Dù còn non trẻ nhưng giai đoạn 2017 – 2018, F88 đã gọi vốn thành công vòng Series A từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng Series B từ quỹ Granite Oak liền sau đó. Mekong Capital không đề cập số vốn đầu tư cụ thể mà MEF III đổ vào công ty F88. Tuy nhiên, từ năm 2015-2018, MEF III thường tập trung vào các khoản từ 6 triệu USD đến 15 triệu USD cho các danh mục đầu tư thiểu số hoặc đầu tư nắm quyền kiểm soát.
Năm 2022, F88 tiếp tục nhận được khoản đầu tư khoảng 50 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và 10 triệu USD từ Lendable.
Mới đây nhất, ngày 2/3/2023, F88 huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương 1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với từ quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). F88 đặt mục tiêu IPO vào năm 2024, khi đạt 1.400 chi nhánh và vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD.
Đại diện F88 cho biết số vốn 50 triệu USD từ VOI và MEF IV này sẽ được đầu tư vào ba trụ cột chính bao gồm phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới và phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài.
Huy động trái phiếu
Không chỉ tìm đến nguồn vay từ quỹ ngoại, F88 đã huy động được nguồn vốn lớn từ phát hành trái phiếu.
Trong giai đoạn 2021 – 2022, F88 đã có 20 đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau, giá trị tổng cộng là gần 2.366 tỷ đồng.
Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu là trái phiếu bằng đồng Việt Nam với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon, lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ, lãi suất được công bố dao động từ 9%/năm – 12,5%/năm đối với các lô trái phiếu đã phát hành. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.
Tháng 10/2021 và tháng 6/2022, đơn vị xếp hạng Fiin Ratings đánh giá trái phiếu của F88 vào mức BBB-. Theo phân loại của FiinRatings, BBB- thuộc nhóm 4, xếp cuối cùng trong phân loại xếp hạng mức đầu tư. Trái phiếu thuộc nhóm này có năng lực tương đối tốt để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính nhưng dễ bị ảnh hưởng hơn trước các diễn biến bất lợi của nền kinh tế.
Bắt tay hợp tác chiến lược với ngân hàng, doanh nghiệp
Bên cạnh việc gọi vốn thành công từ các quỹ ngoại, F88 còn ký kết hợp tác chiến lược với các ngân hàng quốc tế CIMB, Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (KBank) để cùng triển khai các dịch vụ tài chính.
Theo F88, việc hợp tác sẽ giúp đẩy mạnh việc cung cấp các khoản tín dụng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam với lãi suất ưu đãi đồng thời sẽ tận dụng thế mạnh và chuyên môn của cả hai bên để phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang đến giải pháp tài chính và trải nghiệm tốt nhất bằng các dịch vụ chất lượng trên cả hai kênh online cũng như offline.
Bên cạnh đó, F88 còn hợp tác với Thế Giới Di Động triển khai dịch vụ vay tiền mặt cho các khách hàng ở toàn miền Tây và 3 tỉnh miền Đông, khoản vay đến 20 triệu đồng.