Ngày pháp luật

Eximbank đã bị bỏ lại phía sau như thế nào?

Theo Nhịp sống doanh nghiệp

Từng khẳng định ở nhóm ngân hàng top đầu hiệu quả, có ảnh hưởng và vị thế lớn trên thị trường, nhưng chỉ trong 7 năm qua Eximbank đã bị bỏ lại phía sau về vị thế và thị phần...

Từng được đánh giá là một nhà băng tốt, nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhấn lớn nhất Việt Nam, nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã dần bị bỏ lại phía sau khi lún sâu trong mớ bòng bong sở hữu cổ đông lớn, tình huống bị thâu tóm, tranh giành quyền lực, đấu đá nội bộ, liên tiếp các vụ khách hàng tố mất tiền...

Trong khi Eximbank cứ lùi đi, nhiều đối thủ từng ngang hàng hoặc từng đứng sau đã không ngừng tiến xa. Tình thế theo đó được xem như "đà trượt kép".

Chông chênh "cuộc chiến vương quyền"

Kể từ khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui từ giữa năm 2015, vấn đề nhân sự luôn là điểm nóng của Eximbank, đặc biệt là vấn đề của các nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong HĐQT và Ban kiểm soát, khiến nhà băng phải trì hoãn Đại hội đồng cổ đông nhiều lần.

Sau 2 lần tổ chức đại hội cổ đông không thành, phải đến giữa tháng 12/2015, Eximbank mới "chốt" được nhân sự tại đại hội cổ đông bất thường.

Ông Lê Minh Quốc sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn trưởng Ban kiểm soát là đại diện đến từ Vietcombank nắm giữ. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ khi nội bộ cổ đông ngân hàng tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu.

Ngân hàng tiếp đó cũng thay Tổng giám đốc. Và ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước, đảm nhiệm vị trí này từ giữa tháng 3/2016.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4/2016, một số lãnh đạo cấp cao tại Eximbank bất ngờ từ nhiệm, lại làm dấy lên "cuộc tranh đấu" trong HĐQT ngân hàng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Eximbank cũng bị hủy nhiều lần vì không tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông, các tờ trình không được thông qua. Cùng với đó, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện.

Tình hình nhân sự tại Eximbank bắt đầu được ổn định từ năm 2017. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, "sóng gió" lại bắt đầu nổi lên khi ngay sau cuộc họp ngày 22/3, bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank) được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng (nhiệm kỳ 2015 - 2020), thay cho ông Lê Minh Quốc.

Ngay sau đó, "cựu" Chủ tịch này đã lên tiếng khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank .

Ông Quốc cũng có đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/3/2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112.

Đến ngày 14/5/2019, ông Lê Minh Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Tòa án sau đó tuyên hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi Chủ tịch HĐQT của Eximbank.

Đến ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank chính thức có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Quốc. Đồng thời, ngân hàng thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, hồi cuối tháng 6/2020, Eximbank lại công bố vị tân Chủ tịch, là ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên, Eximbank có một Chủ tịch HĐQT là người nước ngoài.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 năm, có tới 4 người lên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Trong khi "cuộc chiến vương quyền" tại ngân hàng chưa hề có dấu hiệu đi xuống dù đã trải qua một thời gian khá lâu, Eximbank đã trượt dài trong chuỗi ngày kinh doanh bết bát với những vụ lùm xùm mất tiền trăm tỷ.

Thị phần rơi vào tay đối thủ, lợi nhuận đi xuống

Từng được xếp vào nhóm ngân hàng top đầu, thuộc "câu lạc bộ nghìn tỷ" lợi nhuận từ rất sớm, nhưng chỉ trong 7 năm qua, Eximbank đã dần mất đi vị thế, thị phần mà minh chứng rõ nhất là ở quy mô tổng tài sản.

Nếu như năm 2013, Eximbank thuộc top 3 ngân hàng thương mại cổ phần, xét về tổng tài sản thì đến nay, chỉ được xếp vào ngân hàng... hạng trung.

Eximbank đã bị bỏ lại phía sau như thế nào? - Ảnh 1

Để có cái nhìn tổng quan hơn, từ cuối năm 2013 đến kết thúc năm 2020, tổng tài sản ngân hàng Eximbank bị sụt giảm mất 5,53% trong khi trong cùng khoảng thời gian trên, tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng tới 128,91% (từ gần 5,756 triệu tỷ đồng lên gần 13,176 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 10/2020).

Như vậy, "đà trượt kép" thể hiện rõ: toàn hệ thống và nhiều ngân hàng thương mại cạnh tranh đã tăng trưởng mạnh mẽ tổng tài sản, còn Eximbank thì suy giảm. Với hoạt động ngân hàng, lợi nhuận tại các thời điểm có thể mang tính nhất thời, nhưng tổng tài sản suy giảm cả một quá trình đồng nghĩa vị thế và thị phần đã bị mất đi.

Cụ thể hơn, tổng tài sản của nhóm ngân hàng có cùng quy mô với Eximbank từ năm 2013 như MBBank, Sacombank, Techcombank hay VPBank cũng có sự đột phá lớn trong 7 năm qua, với mức tăng trưởng từ 2 đến 3 lần. Nhóm này đã bỏ lại hoàn toàn và gần như không còn phải so sánh với Eximbank hiện nay nữa.

Eximbank đã bị bỏ lại phía sau như thế nào? - Ảnh 2

Trong hoạt động ngân hàng, lợi nhuận thường là tiêu chí đầu tiên và nổi bật khi so sánh giữa các thành viên. Tuy nhiên, ở góc độ quản trị điều hành và theo chiến lược đường dài, tổng tài sản mới là yếu tố cạnh tranh ngầm quyết liệt.

Tổng tài sản bao gồm và phản ánh tất cả các giá trị của mỗi nhà băng, mà trong đó quan trọng hàng đầu là khách hàng và thị phần.

Ngân hàng có thể mất hoặc giảm lợi nhuận ngắn hạn, nhưng nếu để mất thị phần và khách hàng (giảm tổng tài sản) thì bước lùi có thể ảnh hưởng mang tính lâu dài.

Vậy mà, chỉ trong vòng 7 năm qua, tổng tài sản Eximbank có tới ba cú sụt giảm mạnh, vào các năm 2014 (giảm 5,71%), 2015 (giảm 22%) và 2020 (giảm 4,24%). Điều này cũng đồng nghĩa một phần khá lớn thị phần của ngân hàng đã rơi vào tay các đối thủ.

Eximbank cũng là thành viên duy nhất trong năm 2020 ghi nhận sự sụt giảm ở cả tổng tài sản, cho vay và tiền gửi. Cùng với đó, lợi nhuận của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng, thậm chí còn thua lỗ.

Eximbank đã bị bỏ lại phía sau như thế nào? - Ảnh 3

Từng ghi nhận lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2011, chỉ sau 4 năm, con số này chỉ còn vỏn ven 61 tỷ đồng trong năm 2015, đồng thời lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo trong năm 2016.

Bắt đầu từ năm 2017, hoạt động của Eximbank dường như đã ấm trở lại theo sự khởi sắc chung của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, so với con số lợi nhuận của các thành viên có cùng xuất phát điểm với Eximbank thì con số này vẫn vô cùng khiêm tốn.

Rõ ràng, có thể thấy,  những biến động lớn liên quan đến nhân sự cao cấp của ngân hàng trong suốt những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của nhà băng. Và điều này khiến cổ đông ngân hàng không khỏi lo lắng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của họ.

Và một điều đáng quan tâm, trước sa sút lớn và kéo dài của một ngân hàng thương mại lớn, mớ bòng bong xáo trộn sở hữu và đấu tranh quyền lực năm này nối sang năm khác như vậy, nhưng phía các cơ quan quản lý đến nay vẫn chưa thể tạo được một cú hích cải thiện tình hình.

Được biết, ngày 27/4 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 và năm 2021, sau nhiều lần hoãn liên tục vì lý do Covid-19 và tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Liệu các cổ đông có thể kỳ vọng về một sự thay đổi lớn của ngân hàng sau kỳ đại hội này?

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục