Được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 563 tỷ đồng
Thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỷ đồng, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance - Mã: EVF) là công ty có vốn điều lệ cao nhất trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng thời điểm đó.
Ban đầu, công ty có nhiệm vụ chính là quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị. Vốn điều lệ của công ty được duy trì ở ngưỡng 2.500 tỷ trong nhiều năm, mãi tới năm 2020, EVF mới có lần tăng vốn đầu tiên sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu lên 2.650 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 3.047 tỷ đồng vào năm 2021.
Tuy nhiên, mức tăng vốn đáng kể thì tới năm 2023 mới ghi nhân, khi đó vốn điều lệ của công ty tăng gần gấp đôi từ 3.510 tỷ lệ 7.042 tỷ đồng.
Mới đây, EVN Finance đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Theo đó, EVNFinance được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 563,3 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ tối đa thêm 75 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 638,3 tỷ đồng. Phương án tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng cổ đông của EVNFinance thông qua tại kỳ đại hội thường niên ngày 15/3/2024.
Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của EVNFinance sẽ tăng từ 7.042,4 tỷ đồng lên mức hơn 7.680 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn của một số ngân hàng thương mại.
Hiện EVNFinance đang trong giai đoạn chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt hồ sơ tăng vốn này.
‘Rót’ hơn 11.369 tỉ đồng vào bất động sản
Với việc tiếp tục tăng quy mô vốn điều lệ của EVNFinance, các cổ đông sẽ tạo áp lực lớn đến Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành EVNFinance khi phải sử dụng nguồn vốn thật hiệu quả để tăng trưởng EPS và tăng ROE cho cổ đông. Tuy nhiên, đây cũng chính là động lực để Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành EVNFinance chắt lọc những cơ hội kinh doanh và lựa chọn khách hàng phù hợp nhằm đảm bảo vừa phát triển ổn định, bền vững vừa hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
Theo chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN ngày 15/01/2024, các tổ chức tín dụng được khuyến khích chi trả cổ tức cho các cổ đông bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của EVNFinance được sử dụng nguồn từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ năm 2023 và lợi nhuận để lại từ các năm trước, tổng số tiền sử dụng để trả cổ tức là 570,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 8%.
Về phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, trong năm 2023, EVNFinance đã thực hiện một đợt phát hành. Cổ phiếu ESOP này theo quy định pháp luật bị hạn chế giao dịch trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành.
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực - EVNFinance (EVF) mới đây đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 qua soát xét.Thu nhập ngoài lãi đóng góp một phần doanh thu cho công ty tài chính này, nhưng chủ yếu từ dịch vụ. Riêng mảng mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 14 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ còn lãi hơn 344 tỉ đồng.
Kỳ này, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của EVNFinance cũng tăng mạnh, từ mức 247 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái lên hơn 495 tỉ đồng nửa đầu năm nay. Kết quả, công ty tài chính này báo lãi trước thuế hơn 310 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Về cơ bản, kết quả kinh doanh sau kiểm toán không thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó.Điểm khác biệt đáng kể sau kiểm toán, báo cáo đã phải minh bạch chi tiết thêm các khoản ở mục cho vay khách hàng.
Cụ thể, tổng dư nợ cho vay khách hàng của EVNFinance tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay đạt hơn 37.968 tỉ đồng.
Ngoài ra, nếu phân chia theo lĩnh vực, dư nợ cho vay của EVNFinance cũng liên quan tới bất động sản khá lớn. Cụ thể, công ty này có các khoản vay ngắn hạn hơn 11.369 tỉ đồng góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai dự án bất động sản dài hạn với tài sản đảm bảo là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.