"Bạn còn nhớ những năm 1990 chứ? Mỗi khi cần đặt mua một món đồ gì là lại phải gọi điện và đọc số thẻ tín dụng của mình cho người bán hàng - dù không hề biết họ là ai? Khi ấy, Elon đã hình dung ra một thứ gọi là PayPal.
Các công ty Tesla Motors và SolarCity của ông đang biến giấc mơ về một tương lai của năng lượng mới, sạch thành hiện thực. SpaceX thì đang mở ra con đường khám phá vũ trụ...", Richard Branson, Chủ tịch Virgin - người đứng thứ 5 trong những doanh nhân giàu nhất nước Anh từng nói về Elon Musk như vậy.
Elon Musk sinh năm 1971 tại Nam Phi trong một gia đình có cha là kỹ sư và mẹ là chuyên gia dinh dưỡng kiêm người mẫu. Trải qua một tuổi thơ không thể hòa nhập với bạn bè ở trường, Musk lựa chọn trở thành một cậu bé “mọt sách”. Năm học lớp 4, Musk gần như dành trọn thời gian để ngấu nghiến cuốn Bách khoa toàn thư Britannica.
Thứ mà người ta có thể thấy rõ khi tìm hiểu về tiểu sử Elon Musk đó là ông luôn nghĩ con người như những chiếc máy tính. Trong đó, phần cứng của một con người đó chính là cơ thể và bộ não. Phần mềm chính là cách tư duy, hệ thống giá trị, thói quen. Và học tập, theo Musk, đơn giản là quá trình “tải xuống dữ liệu và các thuật toán vào trong bộ não”.
Elon Musk đắm chìm trong niềm đam mê năm lên 9 tuổi khi ông lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc máy tính và một cuốn cẩm nang hướng dẫn lập trình giúp người dùng chinh phục kỹ năng này trong 6 tháng.
Tuy nhiên, cậu bé 9 tuổi với bộ óc thông minh bẩm sinh đã hoàn thành nó chỉ trong 3 ngày. Ở tuổi 12, Musk đã tự tay thiết kế một video game có tên Blastar và năm 1983, trò chơi này đã được bán cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD.
Musk coi thung lũng Silicon là “miền đất hứa” và năm 17 tuổi, ông quyết định rời Nam Phi. Do mẹ là người Canada nên việc Musk nhập cư vào đất nước này khá dễ dàng. Vài năm sau đó, thông qua chương trình chuyển tiếp đại học tới Đại học Pennsylvania, ông đặt chân đến Mỹ.
Thời gian ở trường đại học, Musk bắt đầu nghĩ về những việc muốn làm với cuộc đời của mình bằng cách đặt câu hỏi: “Điều gì có tác động lớn nhất đối với tương lai nhân loại?”.
Và câu trả lời của ông là danh sách gồm 5 thứ: Internet; năng lượng bền vững; khám phá vũ trụ, đặc biệt là tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất; trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người.
Elon Musk không chắc chắn về việc liệu rằng trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người sẽ có tác động tích cực như thế nào. CEO Telsa khi đó cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ tham gia vào lĩnh vực khám phá vũ trụ. Bởi vậy, ông còn hai lựa chọn là Internet và năng lượng bền vững. Và cuối cùng, Musk quyết định theo đuổi năng lượng bền vững.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đăng ký chương trình đào tạo tiến sĩ của trường Đại học Stanford để nghiên cứu sâu hơn về các tụ điện có mật độ năng lượng cao - một công nghệ hướng đến việc tìm kiếm giải pháp dự trữ năng lượng hiệu quả hơn so với các loại pin truyền thống.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi khóa học bắt đầu, hội chứng FOMO (Fear of missing out) hay còn được biết đến với tên gọi “sợ bỏ lỡ” bắt đầu khiến Musk nhấp nhổm, lo lắng.
Thời điểm đó là năm 1995, khi Internet mới bắt đầu chớm nở và Elon Musk “không thể chịu đựng được cảnh nhìn Internet trôi qua từng ngày - chỉ muốn ngay lập tức nhảy vào và cải tạo nó”.
Thế rồi, Musk bỏ học và quyết định thử vận may với Internet.
Đầu tiên ông cố gắng xin vào làm tại công ty được xem là “quái vật” về Internet vào thời đó - Netscape. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại. Sau chiến dịch tìm việc không thành công, Musk hợp tác với em trai Kimbal để thành lập một công ty của riêng và đặt tên là Zip2.
Công ty này giống như sự kết hợp một cách sơ khai của Yellow Pages và Google Maps. Mục tiêu của họ là khiến cho các hãng kinh doanh nhận ra rằng việc có tên trên “Những trang vàng” (Yellow Pages) rồi sẽ tới lúc lỗi thời và đã đến lúc cần phải tham gia vào một “danh bạ trực tuyến”.
Hai anh em khi đó phải ngủ và tắm nhờ tại văn phòng của YMCA (Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc). Tuy nhiên, thách thức của cả hai đó là vào năm 1995, thật khó để thuyết phục các doanh nghiệp tin rằng Internet có vai trò quan trọng. Nhiều người trong số đó còn nói quảng cáo trực tuyến giống như “chuyện ngớ ngẩn nhất mà họ từng nghe vậy”.
Tuy nhiên, cuối cùng thì hai người cũng bắt đầu có khách hàng và công ty dần phát triển. Trong giai đoạn Internet bùng nổ sau đó, các công ty khởi nghiệp được mua đi bán lại rất nhộn nhịp và năm 1999, Compaq mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD. Musk thu về 22 triệu USD. Khi đó, ông khoảng 27 tuổi.
Musk quyết định dồn 75% số tiền có trong tay để xây dựng một ngân hàng trực tuyến chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, tiền gửi tiết kiệm và tài khoản có tên ‘X.com’. Một trong nhiều điểm nổi bật của X.com đó là dịch vụ chuyển tiền thuận tiện và về sau, Confinity (một công ty tài chính Internet được thành lập bởi Peter Thiel và Max Levchin) cũng phát triển một dịch vụ tương tự.
Sau này, X.com và Confinity đã được sáp nhập tạo thành một công ty mới mà ngày hôm nay, đa phần ai cũng biết, đó chính là PayPal. Thương vụ sáp nhập này một mặt tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đưa đến hàng loạt mâu thuẫn không đáng có. Minh chứng là dù phát triển nhanh chóng song nội bộ lại thiếu hòa khí và đến cuối năm 2000, xung đột lên đến đỉnh điểm.
Những người chống lại Musk đã tiến hành “đảo chính” và đưa Thiel lên làm Giám đốc điều hành. Musk bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002, ra đi với 180 triệu USD bỏ túi.
Năm 2002, trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa và cuối năm đó, với 100 triệu USD trong tay, ông khởi động xây dựng SpaceX - một công ty tên lửa với mục tiêu cách mạng du hành vũ trụ để giúp con người trở thành một sinh vật có thể tồn tại được trên nhiều hành tinh trong thế kỷ tới.
Năm 2004, khi dự án này vừa mới đi vào hoạt động, Musk lại tiếp tục chi 70 triệu USD xây dựng thêm một công ty khác là Tesla chuyên sản xuất xe điện. Nhiều người cho rằng đây là một dự án "không tưởng" bởi trên thực tế một startup sản xuất xe hơi ở Mỹ thành công là điều chưa từng xảy ra kể từ sau khi hãng Chrysler làm được vào năm 1925.
Hai năm sau đó, Musk lại bỏ ra 10 triệu USD để cùng với các anh em họ của mình thành lập một công ty khác có tên là SolarCity với kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng về sản xuất năng lượng, giảm lượng tiêu thụ điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và tham vọng đẩy nhanh việc đưa năng lượng bền vững vào sử dụng đại trà.
Ở thời khắc tăm tối nhất, mọi thứ lại xoay vần
Năm 2008, SpaceX tìm ra cách sản xuất tên lửa, nhưng 3 lần thử nghiệm đều thất bại. Tên lửa nổ tung trước khi tiếp cận được quỹ đạo, dập tắt hi vọng thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài. Musk rối bời khi chỉ đủ tiền để thực hiện duy nhất 1 lần phóng nữa và nếu thất bại thì SpaceX sẽ bị xóa sổ.
Trong khi đó, ở vịnh San Francisco, Tesla cũng rơi vào tình trạng khốn đốn. Họ vẫn chưa thể ra mắt thị trường chiếc xe đầu tiên là Tesla Roadster và Valleywag. Một trang blog đã đánh giá Tesla Roadster là thất bại công nghệ số 1 trong năm 2007. Dòng chảy đầu tư vào ngành ô tô bị ngưng lại hoàn toàn, đặc biệt là đầu tư vào những công ty sản xuất ô tô mới thành lập. Tesla bắt đầu cạn vốn.
Khi ở thời khắc tăm tối nhất, mọi thứ lại xoay vần. Vào tháng 8/2008, SpaceX phóng tên lửa thứ 4 và thành công đúng như mong đợi. Vậy là đủ để NASA tin tưởng Musk. Họ đã đánh cược khi giao cho SpaceX một hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để thực hiện 12 đợt phóng tên lửa. Đường sống được kéo dài. SpaceX vẫn tồn tại.
Ngày hôm sau, vào đêm trước Giáng sinh năm 2008, Musk vét nốt số tiền cuối cùng để cứu Tesla và các nhà đầu tư cũng miễn cưỡng làm theo Musk. Vậy là Tesla cũng được cứu.
Năm tháng sau, tình hình bắt đầu được cải thiện khi công ty nhận được thêm 50 triệu USD tiền đầu tư từ Daimler. Sau 3 lần phóng tên lửa thất bại, SpaceX đã thực hiện 20 lần phóng tiếp theo và tất cả đều thành công. Giờ đây, NASA đã trở thành khách hàng thường xuyên và còn nhiều công ty khác nữa, tìm đến SpaceX như một kênh chuyển hàng hóa lên vũ trụ với chi phí thấp nhất trong lịch sử.
Ngoài ra, 20 lần đó cũng đã tạo nên nhiều cái “đầu tiên” cho một công ty tên lửa. Tính tới nay, mới chỉ có 4 câu chuyện đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo và quay trở về Trái Đất thành công là Mỹ, Nga, Trung Quốc và SpaceX.
SpaceX hiện cũng thử nghiệm tàu vũ trụ mới có thể đưa người lên vũ trụ. Ngoài ra, họ cũng đang bận rộn với kế hoạch thiết kế một tên lửa lớn hơn có khả năng đưa được 100 người lên Sao Hỏa mỗi lần.
Gần đây, SpaceX cũng đã nhận được một khoản đầu tư từ Google và Fidelity và công ty này đang có giá trị khoảng 12 tỷ USD. Dòng xe Model S của Tesla cũng đạt được thành công ngoạn mục, đứng thứ hạng cao nhất từ trước tới nay (99/100) do Consumer Reports bình chọn, đồng thời có thứ hạng cao nhất trong lịch sử về mức độ an toàn do Ủy ban An toàn đường bộ quốc gia của Mỹ đánh giá (5,4/5).
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Tesla cũng đã tiến hành ra mắt Model 3 - chiếc ô tô điện có giá rẻ nhất (khoảng 35.000 USD) và mục tiêu sẽ sản xuất được 500.000 chiếc mỗi năm. Để đạt được điều này, Elon Musk đã tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất pin lithium-ion Gigafactory với khoản đầu tư lên tới 5 tỷ USD tại Sparks (bang Nevada, Mỹ).
Năm 2012, SolarCity cổ phần hóa và hiện là một trong những công ty lắp đặt pin Mặt Trời lớn nhất của Mỹ.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vào thời gian rảnh rỗi, Musk còn nghiên cứu và thúc đẩy việc phát triển một phương thức vận chuyển mới – hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop.
Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, Elon Musk, chốt phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu của hãng sản xuất xe điện Tesla tăng thêm 11,2%, lên mức cao kỷ lục 1.835 USD/cổ phiếu. Kết quả này giúp Elon Musk "bỏ túi" thêm 7,8 tỷ USD chỉ trong một ngày và là người giàu thứ 4 thế giới, chỉ sau Jeff Bezos, Bill Gates và Mark Zuckerberg.
Trong việc xây dựng thành công một hãng sản xuất ô tô và mạng lưới trạm tiếp nhiên liệu trên toàn thế giới, Musk được so sánh với các nhà tư bản công nghiệp Henry Ford và John D. Rockefeller. Những công trình tiên phong của công nghệ tên lửa do SpaceX tạo ra khiến nhiều người so sánh Musk với Howard Hughes.
Nhưng phổ biến nhất vẫn là sự so sánh giữa ông và Steve Jobs vì ở năng lực phi thường để tạo ra những khác biệt. Một vài người tin rằng, Musk sẽ được nhớ đến nhiều hơn tất cả những người khác.
Nhà báo công nghệ và cũng là người viết cuốn tiểu sử về Musk đã cho rằng những gì mà CEO Telsa đang xây dựng “có khả năng vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà Hughes hay Jobs đã tạo ra. Musk đã tiếp nhận những ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ và ô tô mà Mỹ dường như đã từ bỏ và thổi vào chúng những điều hết sức mới mẻ và tuyệt vời”.