Kota Matsuda sinh năm 1968 ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản nhưng đã sớm cọ xát với nhiều nền văn hóa khác nhau. Năm lên 5 tuổi, cậu đã theo gia đình đến Senagal ở châu Phi do người bố làm trong ngành đánh cá phải thuyên chuyển công tác.
Là một đứa trẻ hiếu động, Kota thường theo bố đến bến cảng. Cậu cũng rất thích ăn cá và nhum biển sống - điều hết sức bình thường tại Nhật Bản. Nhưng ở Senegal lại khác. Trong một lần gia đình Kota đang say mê thưởng thức món hải sản tươi rói, người dân địa phương đã bàn tán với thái độ bàng hoàng: "Tại sao mọi người lại ăn đồ sống? Ăn cái gì kì thế?".
Kota khi đó vẫn là một đứa trẻ nên hòa nhập rất nhanh với bạn bè ở trường học, hàng ngày dù ăn món địa phương vẫn cảm thấy rất ngon và chẳng có sự khác biệt gì. Vì vậy khi nhìn thấy sự ác cảm của mọi người với món nhum biển, cậu mới lần đầu tiên trải qua "cú sốc văn hóa".
Sự giật mình ấy ăn sâu vào tâm trí của một cậu bé nhạy cảm, thôi thúc những suy nghĩ mông lung về bản ngã của mình và dần dần, Kota muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa - con người Nhật Bản. Từ đó, cậu càng muốn được trở thành chiếc cầu nối lan truyền nét đẹp của văn hóa xứ hoa anh đào.
Năm 10 tuổi, Kota trở về Nhật vài tháng rồi tiếp tục đến Mỹ suốt thời trung học. Ở đất nước tưởng như quen thuộc hơn với Nhật Bản, những cú sốc văn hóa cũng chẳng hề bớt đi. Thời ấy (cuối thập niên 70), người Mỹ vẫn cho rằng ăn sushi hay sashimi là "ngu ngốc", không hợp vệ sinh.
Theo Kota, văn hóa ẩm thực đóng vai trò lớn để làm nên một con người, vì thế cậu đã rất buồn khi món ăn Nhật bị xem thường. Tuy nhiên nhớ lại lời của mẹ rằng "đừng làm nước Nhật phải xấu hổ", Kota luôn giữ nguyên niềm tự hào của mình. Cậu tự nhủ: "Đồ ăn ngon mà chê thì mới lạ đó". Thời trung học, Kota thường ăn sushi đến khi nào "thực sự trở nên ngu ngốc mới thôi". Thậm chí, cậu còn nuôi mộng mở tiệm sushi riêng cho mình.
Năm 18 tuổi, Kota lần đầu tiên trở về Nhật sinh sống, ghi danh tại trường ĐH Tsukuba ngành Quan hệ quốc tế. Thế nhưng, những cú sốc văn hóa vẫn tiếp diễn khi Kota giữ cho mình cách suy nghĩ lẫn cá tính kiểu trực diện kiểu Mỹ. Cậu đề cao quan điểm của bản thân hết mức có thể, trong khi bạn bè người Nhật lại muốn thỏa hiệp và hợp tác hơn.
Không chỉ va chạm với nhiều văn hóa khác nhau để thực sự yêu mến nguồn gốc Nhật Bản, Kota còn có những lựa chọn táo bạo khi vừa rời khỏi giảng đường. Cậu không lao vào mở nhà hàng sushi như ước mơ thuở nhỏ mà gia nhập ngành ngân hàng.
Kota giải thích điều đó sẽ mở ra một chân trời mới. Bởi nếu dấn thân vào ngành ăn uống thì dễ đi theo lối mòn, còn nếu làm ngân hàng, cậu sẽ được gặp gỡ với nhiều nhà quản lí tài giỏi và tiếp thu kiến thức tài chính nhanh hơn. Vậy là từ năm 22 đến 28 tuổi, Kota Matsuda là nhân viên ngân hàng Sanwa (sau đổi tên thành Tokyo Mitsubishi UFJ). Trong thời gian đó, một gặp gỡ định mệnh đã đến bất chợt để làm nên tên tuổi của cả Kota lẫn chuỗi cà phê Tully's - một trong những niềm tự hào của ngành thực phẩm Nhật Bản đến tận ngày nay.
Năm 1995, một năm trước khi thôi chức Trưởng chi nhánh ở ngân hàng Sanwa, Kota Matsuda đã về Mỹ để dự đám cưới người bạn thân. Anh chàng đã ngay lập tức bị "hớp hồn" bởi... món cà phê đặc sản (specialty coffee) của thương hiệu Tully’s. Khi ấy, cà phê đặc sản đang là "mốt" ở Mỹ.
Kota đã lập tức nhận ra thời cơ kinh doanh mà anh chờ đợi bấy lâu đã xuất hiện. Hạt cà phê vốn xuất xứ từ Ethiopia, châu Phi đã lan tỏa ra toàn cầu, trở thành những món thức uống được yêu thích tại nhiều nền văn hóa khác nhau.
Có thể kể đến như cà phê Thổ, cafe au lait của người Pháp hay espresso của Ý. Còn Nhật Bản? Ngay sau khi uống ngụm đầu tiên, Kota đã bị thôi thúc muốn đêm cà phê giới thiệu ở quê nhà - nơi vốn được biết đến bởi văn hóa trà đạo lâu đời. Vậy là một sứ mệnh đã được Kota thiết lập cho chính bản thân mình - giới thiệu cà phê đặc sản và văn hóa uống cà phê đặc sản về xứ sở Phù Tang.
Thời điểm giữa thập niên 90, chuyện từ bỏ một công việc ổn định để mở chuỗi nhà hàng quán xa cho riêng mình quả thật là một suy nghĩ táo bạo chứ chẳng hề phổ biến như ngày nay. Chúng ta có thể nói Kota đi đầu xu hướng, còn anh tự nhận mình "thật điên khùng".
Tully’s Coffee khi ấy dù cùng quê quán với Starbucks nhưng tham vọng nhỏ bé, chỉ mới mở được 5 cửa hàng ở Mỹ chứ đừng nói đến mục tiêu bước chân ra toàn cầu. Dù vậy, bằng sự kiên định của mình, vào tháng 9/1996, Kota đã thuyết phục thành công ông Tom cho mở cửa hàng ở Nhật theo kiểu nhượng quyền thương hiệu. Đầu tiên, Kota “chơi lớn” vay nợ đến 70 triệu yên để mở cửa hàng ở khu Ginza đắt đỏ - và phải hoạt động hết công suất từ sáng đến đêm để nhanh chóng thu hồi vốn.
Đến khi cửa hàng đã ổn định, Kota lại ký tiếp với Tully’s quyền được bán độc quyền cà phê đặc sản tại Nhật trong vòng 1 năm. Song song đó, anh mở cửa hàng thứ hai với vị trí gây tranh cãi - nhà ga Kamiyacho thuộc phía Đông Tokyo, nơi dân cư không quá đông. Những đồng sự với Kota đã tỏ ra vô cùng lo lắng về khả năng thu hút khách hàng ở đây. Tuy nhiên, anh nhắm Kamiyacho vì khu này tập trung nhiều người nước ngoài - đối tượng đã quen thuộc sẵn với cà phê đặc sản! Quả như dự tính, mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách vào ra căn tiệm Tully’s nhỏ bé chỉ rộng 25 tsubo (tương đương 80 mét vuông). Đến tháng 5/1988, công ty Tully's Coffee Japan Co., Ltd. chính thức thành lập và Kota Matsuda giữ chức Chủ tịch, hoàn thành ước mơ làm "chủ nhà hàng" ngày nào.
Nhớ về những ngày đầu khai phá thị trường mới, Kota nói anh đã xem tất cả các nhân viên của mình - dù là làm toàn thời gian hay thời vụ - đều là những người bạn cùng nhau phấn đấu. Kota khích lệ họ cùng cảm nhận niềm hạnh phúc của sự tăng trưởng và quyết tâm đạt được mục tiêu chung.
Triết lý về một dịch vụ xuất sắc cũng chính là ưu điểm nổi bật nhất của Tully’s so với các đối thủ: trong khi người người sử dụng máy pha cà phê thì Tully’s lại hoàn toàn pha chế thủ công. Điều này gây khó khăn trong việc đào tạo cho nhân viên, tuy nhiên nó đem tới cảm giác “được pha chế cốc cà phê ngon nhất dành cho từng vị khách của mình”.
Ở Tully’s ngay từ những ngày đầu, dòng khách dày đặc có thể xếp hàng với sự hối hả, bận rộn hay thậm chí là bực tức với tốc độ phục vụ còn chậm. Nhưng Kota vẫn khăng khăng: “Máy pha cà phê hiện nay chưa thể làm ra những ly ngon nhất. Và vì chúng tôi muốn các bạn được thưởng thức thứ cà phê hảo hạng nên hãy vui lòng chờ đợi đôi chút”. Liên tục lặp lại những câu nói kiên định như thế, Kota đã chứng minh cho các nhân viên của mình thấy sự quyết tâm của anh và truyền đi niềm vui được phục vụ, giới thiệu cho thực khách Nhật Bản về hương vị cà phê đặc sản ở phân khúc trung và cao cấp - vốn đã cực thịnh hành ở Âu Mỹ.
Về sau, trong khi Tully’s Coffee ở Mỹ phá sản thì công ty ở Nhật Bản do Kota Matsuda sáng lập vẫn thành công vang dội. Trong khoảng 10 năm, Kota đã mở rộng đến 320 cửa hàng khác nhau khắp đất nước. Dù quy mô nhân rộng, Tully’s vẫn giữ nguyên hình ảnh tốt đẹp trong tâm trí khách hàng về những cửa hàng cà phê thơm ngon, ấm cúng, thái độ phục vụ chân thành và menu đa dạng.
Năm 2006, Tully's Coffee Japan bán phần lớn cổ phần cho "ông lớn" ngành trà là ITO EN. Năm tiếp sau đó, khi được chọn trở thành một trong những "Nhà Lãnh đạo Trẻ toàn cầu" ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2007, Kota đã thôi chức Chủ tịch Tully’s Japan, khép lại một chặng đường đầy ý nghĩa, hoàn thành phần nào sứ mệnh đặt ra từ ngày mới lập nghiệp là mang lối thưởng thức cà phê của thế giới phương Tây du nhập vào văn hóa ẩm thực Nhật.
Sau thành công với Tully’s, vị doanh nhân "mát tay" còn giúp đưa chuỗi cửa hàng Eggs 'n Things vươn đến Hawaii và Nhật Bản - giới thiệu thêm phong cách hẹn nhau cùng ăn sáng "hoành tráng" ngoài nhà hàng đến với người Nhật. Sau đó, anh còn trở thành chính trị gia để góp phần nâng cao tiếng nói của giới trẻ Nhật trên trường quốc tế - bất chấp sự tăng trưởng kinh tế đang chững lại.
Nhìn lại hành trình đầy những trải nghiệm phong phú của mình, Kota vẫn nhất mực khẳng định: “Tôi không quan trọng mình kiếm được bao nhiêu lợi nhuận, sẽ chẳng có ích gì nếu dấn thân vào một điều mà không làm bản thân cảm thấy ấn tượng hay hứng thú. Lần đầu tiên nhấp một ngụm cà phê đặc sản, tôi đã lập tức cảm thấy sảng khoái không dứt… Đó là thời điểm mà ‘đi cà phê’ nghĩa là đến những quán cũ cũ, mua cà phê lon hay tự pha cà phê gói ở nhà và Starbucks thì vẫn chưa hề tồn tại ở Nhật. Tôi bị thu hút bởi một hình thức thưởng thức cà phê chậm rãi và đầy sảng khoái hơn. Nếu không có cảm giác ấy, tôi đã chẳng theo đuổi nhượng quyền của Tully’s Coffee”.
Kota cũng chia sẻ rằng, anh nghĩ điều quan trọng nhất để trở thành một người khởi nghiệp thành công là phải có mục đích và mục tiêu. Mục đích là điều cuối cùng bạn muốn đạt thành (với Kota là giúp văn hóa Nhật Bản được hiểu biết hơn trên toàn thế giới và ngược lại, đem những điều mới mẻ về quê nhà). Còn mục tiêu là những kết quả cần đạt được sau thời gian ngắn - đóng vai trò cột mốc trên hành trình về đích. Với Kota, các mục tiêu đó là được kinh doanh cà phê thương hiệu Tully’s, kế đó phát triển nó thành chuỗi cửa hàng yêu thích, rồi tiếp đến là giới thiệu Eggs ‘n Things hay bước chân vào lĩnh vực chính trị…