Kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức trong quý 1/2020 bởi dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, tuy nhiên vẫn có các yếu tố tích cực:
- Việt Nam đang cho thấy khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tình hình dịch bệnh trên thế giới có khả năng tạo đỉnh trong 2 tuần tới khi hầu hết các quốc gia đều đã áp dụng chính sách cách biệt cộng đồng.
- Các quốc gia trên thế giới đã phản ứng rất nhanh với các gói kích thích tài khóa tại các quốc gia phát triển lên tới 7000 tỷ USD cộng thêm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức độ cao nhất trong lịch sử. Chính vì lẽ đó, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phục hồi nhẹ vào Quý 3 và Quý 4 2020 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Tăng trưởng GDP
Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý I năm 2020, GDP quý I/2020 đạt 3,82%, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% và khu vực dịch vụ tăng 3,2%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ có lĩnh vực công nghiệp vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành này cũng chịu ảnh hưởng từ việc suy giảm cầu đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và thủy sản do tình hình suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, lĩnh vực khai khoáng cũng giảm trên 3% do giá dầu và giá khí đốt suy giảm.
Các yếu tố tiêu cực tác động đến nền kinh tế nêu trên nhiều khả năng tiếp tục mạnh trong tháng 4 trước khi giảm dần vào tháng 5 tháng 6 khi dịch bệnh được kìm chế trên toàn cầu. Tuy nhiên các ngành như hàng không và du lịch dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn cho đến hết năm 2020.
Chúng tôi dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ chỉ tăng xấp xỉ 5% với điều kiện Chính phủ triển khai mạnh mẽ một loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù tăng trưởng năm 2020 sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây song chúng tôi đánh giá đây vẫn là mức tăng trưởng ấn tượng và tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Áp lực lạm phát
Áp lực lạm phát tại Việt Nam gia tăng mạnh vào tháng 1 đầu năm và hạ nhiệt dần vào tháng 2 và tháng 3.
Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 đã giảm 0,72% so với tháng trước, tăng 4,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,35% so với thời điểm đầu năm. CPI trung bình quý 1 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến CPI tháng Ba giảm mạnh, theo Tổng cục Thống kê, là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào.
Mức tăng 5,56% của CPI trung bình quý 1 là mức tăng cao, tuy nhiên tình hình chung không đáng lo ngại theo đánh giá của chúng tôi.
NHNN đã chủ động giảm tăng trưởng cung tiền trong năm 2018 và 2019 với mức cung tiền trong 2 năm 2018 - 2019 là khá vừa phải (dưới mức 14%) không cao hơn đang kể so với mức tăng GDP danh nghĩa là từ 10-11%. Lượng cung tiền dư tiềm ẩn tạo rủi ro khiến lạm phát có thể tăng lên trong 2020 là không nhiều.
Các mặt hàng dịch vụ công sẽ không gia tăng nhiều như năm 2019 về xăng (do năm 2019 Chính Phủ đã tăng thuế bảo vệ môi trường 1.000 VNĐ/lít và giá dầu thô giữ ở mức thấp vì kinh tế Trung Quốc suy giảm nên năm 2020 giá xăng sẽ duy trì ổn định), y tế (vẫn tăng theo lộ trình), điện (đã tăng 15% trong năm 2019 nên năm 2020 sẽ chỉ tăng nhẹ ) sẽ khiến cho áp lực lạm phát chi phí đẩy 2020 sẽ giảm so với 2019.
Nguồn cung thịt lợn sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi sản xuất thịt lợn có dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp sản xuất lớn tăng cường tái đàn và chính phủ gia tăng nhập khẩu thịt lợn thành phẩm nhằm mục tiêu ổn định giá. Áp lực lên giá thịt lợn sẽ suy giảm và tác động của giá thực phẩm lên chỉ số giá tiêu dùng sẽ hạn chế khiến áp lực lạm phát sẽ giảm dần từ thời điểm quý 2/2020.
Giá dầu và giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh giúp lạm phát do chi phí đẩy suy giảm trong năm 2020. Điều này tác động tích cực, làm giảm nhẹ áp lực lạm phát của Việt Nam. Nhìn chung lạm phát trong năm 2020 nhiều khả năng dao động quanh mức 3,5%.
Tỷ giá VND/USD
Diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định và trong tầm kiểm soát của NHNN. Giao động tỷ giá VND/USD trong các tháng đầu năm chỉ ở mức 0,2 - 0,3% và đạt mục tiêu điều hành của NHNN. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 3/2020, tỷ giá VND/USD có dấu hiệu tăng khá mạnh. Tỷ giá VND/USD đã có xu hướng tăng khá mạnh tại tất cả các kênh với mức tăng 1,7 – 2% so với thời điểm đầu tháng 3/2020.
Tỷ giá VCB niêm yết theo chiều mua bán là 23.550 VNĐ và 23.710 VNĐ - tăng khá nhiều so với 2 tuần trước đó. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá diễn biến tỷ giá không quá quan ngại.
Trên thực tế mức mất giá của VND khá nhẹ so với các đồng tiền khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines (mức mất giá đều trên 5%).
Nguyên nhân của VND mất giá so với USD đến từ các yếu tố cơ bản sau:
USD tăng giá mạnh trên thị trường tài chính quốc tế do các nhà đầu tư tích cực găm giữ USD trong bối cảnh thị trường tài chính có rủi ro cao, lạm phát tại Việt Nam gia tăng đang kể trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nguồn cầu USD trong nước tăng lên khi một số NĐT nước ngoài bán ròng tài sản tài chính của Việt Nam (mức bán ước tính là 7.000 tỷ VNĐ cổ phiếu và 3.000 tỷ VNĐ trái phiếu).
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá các yếu tố trên chỉ mang tính tạm thời và do đó mức mất giá của VND so với USD sẽ vẫn chỉ ở mức 1,5% vào thời điểm cuối năm.
Thứ nhất, NHTW Mỹ sẽ duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các NĐT sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 so đó USD sẽ có xu hướng giảm giá trong tháng tới sau khi đã tăng mạnh trong tháng 3.
Thứ hai, lạm phát tại Việt Nam sẽ giảm mạnh vào các tháng cuối năm và sẽ chỉ ở mức quanh 3,5% như chúng tôi đã phân tích ở trên khiến áp lực giảm giá VND giảm.
Thứ ba, cung cầu USD sẽ sớm trở lại cân bằng khi trên thực tế Việt Nam vẫn đạt trạng thái thặng dư cán cân thanh toán trong 3 tháng đầu năm tạo điều kiện cho NHNN mua vào thêm 3 tỷ USD nữa. Trong khi nhu cầu USD sẽ không cao khi nhập khẩu suy giảm, các NĐT nước ngoài cũng đã dừng bán ròng cổ phiếu và trái phiếu khi thị trường đã định giá rẻ.
Cán cân thanh toán thặng dư trong quá khứ đã tạo điều kiện cho NHNN tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và qua đó gia tăng dư địa điều chỉnh tỉ giá VND/USD phù hợp với mục tiêu đặt ra. Dự trữ ngoại hối gia tăng liên tục từ 2012 đến nay và hiện đã đạt 83 tỷ USD, trên 4 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỷ USD do đó hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định tỷ giá VND/USD trong tương lai.
Vốn đầu tư toàn xã hội
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do khu vực tư nhân và khu vực FDI co hẹp đầu tư bởi dịch Covid 19. Ước tính, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP, thấp hơn đáng kể mức 34% GDP thường đạt được trong những năm gần đây.
Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có sự suy giảm đáng kể do tình hình kinh tế toàn cầu suy yếu khi vốn thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên điểm sáng là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã tăng mạnh trở lại khi nhà nước đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá là 16% đạt 13,2% kế hoạch năm.
Cân đối ngân sách nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.
Hiện tại, cân đối Ngân sách nhà nước vẫn tương đối hài hòa tuy nhiên chung tôi đánh giá trong thời gian tới cân đối ngân sách sẽ căng thẳng hơn. Nguyên nhân là do nguồn thu ngân sách sẽ bị suy giảm bao gồm thu nội địa (do thu nhập của doanh nghiệp và người dân giảm), thu từ xuất nhập khẩu (do hoạt động thương mại toàn cầu giảm), thu từ dầu thô ( do giá dầu đang ở mức rất thấp) trong khi mức chi ngân sách sẽ gia tăng khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch Covid đang diễn ra.
Mức thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ cao hơn mức của năm 2019 song chúng tôi cho rằng yếu tố này không đáng quan ngại khi các năm trước Việt Nam đã kiểm soát tốt nợ công với mức nợ công chỉ còn xấp xỉ 50% GDP. Do đó Việt Nam có dự địa để nới lỏng chính sách tài khóa trong năm nay, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Kết luận
Nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang gặp nhiều khó khăn song vẫn chứng tỏ sự vững vàng. Các khó khăn hiện tại xuất phát từ nguyên ngân bên ngoài không phải do các yếu kém nội tại của nền kinh tế như các thời điểm 2008 và 2011 trước đây.
Do đó, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ đến nhanh hơn so với các chu kỳ suy giảm trước. Chúng tôi đánh giá mức tăng trưởng năm 2020 là thấp song vẫn tích cực so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ vào năm sau 2021.