Dù bạn giàu hay nghèo, hãy học cách chi tiêu thông minh để vượt qua mọi biến động của xã hội

Đào Thị

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ phủ một tấm màn đen tối lên kinh tế toàn cầu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của từng người, từng hộ gia đình. Đây chính là lúc để học cách chi tiêu thế nào cho đúng, vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Cổ nhân có câu “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” để nói lên tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Bất kể bạn làm nghề gì và kiếm được bao nhiều tiền thì bạn cũng nên tiết kiệm bởi đó mới là giá trị thiết thực và lâu dài mà bạn có. Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài và chưa có hồi kết, việc tiết kiệm lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lúc này, bạn phải học cách cắt giảm chi tiêu để đề phòng cho những rủi ro có thể xảy ra. Dưới dây là những nguyên tắc đơn giản nhất có thể giúp bạn vừa có tiền sinh hoạt, vừa có thể để ra một khoản dự phòng:

Quý trọng và không coi thường tiền lẻ

Mọi người thường chỉ quan tâm tới những đồng tiền chẵn và coi đó mới là “tiền to”, “tiền giá trị” còn những đồng tiền lẻ thì lại hay bị vứt lăn lóc, để lung tung trong nhà dẫn tới thất lạc. Điều này gây ra sự lãng phí nhiều hơn bạn tưởng, bởi “tích tiểu thành đại”. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc kiếm tiền cũng trở nên không hề dễ dàng, bởi vậy bạn cần coi trọng từng đồng tiền dù nó mang mệnh giá nhỏ nhất.

Dù bạn giàu hay nghèo, hãy học cách chi tiêu thông minh để vượt qua mọi biến động của xã hội - Ảnh 1

Thông thường, mỗi khi ra ngoài mua đồ, mọi người hay thích mang theo tiền chẵn để “đỡ nặng ví” và sau đó được trả lại bằng rất nhiều tiền lẻ. Chúng ta thường có tâm lý tiền lẻ không quan trọng nên không để tâm tới chúng; nhưng từ bây giờ, hãy cùng thay đổi điều này. Bạn nên tập thói quen không bỏ qua tiền lẻ, hãy lấy lại tiền thừa rồi cất chúng vào một chỗ, dù đó chỉ là 1 – 2 ngàn đồng. Sau một thời gian, số tiền “nhỏ nhặt” ấy chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Hạn chế thanh toán bằng thẻ

Thẻ thanh toán ra đời đã tạo nên một cuộc cách mạng trong giao dịch tài chính của mỗi người, khiến cho việc chi tiêu, mua sắm trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn bao giờ hết. Để tiền trong thẻ rất an toàn, không sợ bị trộm cắp hay đánh rơi; thế nhưng, điều bất lợi lại đến từ khả năng thanh toán quá nhanh gọn và dễ dàng đó; đặc biệt là khi bạn hay có thói quen “quẹt thẻ bất chấp” để chi trả cho những bữa ăn hay những thú vui mua sắm. Đến một ngày, bạn sẽ chợt nhận ra rằng thẻ của mình đã trống rỗng mà ngày lĩnh lương thì vẫn còn xa…

Dù bạn giàu hay nghèo, hãy học cách chi tiêu thông minh để vượt qua mọi biến động của xã hội - Ảnh 2

Để tránh xảy ra tình trạng này, hãy tập thói quen tiêu tiền mặt, ít nhất là trong khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh. Với một khoản tiền cố định trong tay, bạn sẽ không thể chi tiêu quá “thoáng” mà sẽ phải cân đo, đong đếm xem nên tiêu như thế nào và mua những gì thì hợp lý… số tiền còn lại, hãy để chúng “nằm im” trong ngân hàng và chờ đợi “tiền đẻ ra tiền”.

Gia tăng khoản tiết kiệm theo thời gian

Nếu như trước đây bạn kiếm được 10 đồng, chi tiêu 8 đồng và tiết kiệm 2 đồng, thì theo thời gian, khi số tiền bạn kiếm được tăng dần lên, bạn cũng nên đặt mục tiêu tiết kiệm nhiều hơn: từ 3 hay thậm chí là 4 đồng… Khoản tiết kiệm này là số tiền mà bạn không nên đụng đến trừ những trường hợp thật sự khẩn cấp và cần thiết nhất.

Dù bạn giàu hay nghèo, hãy học cách chi tiêu thông minh để vượt qua mọi biến động của xã hội - Ảnh 3

Đây chính là tiền dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra với bạn như đau ốm, bệnh tật hay mất việc làm. Trong tình hình dịch bệnh, rất nhiều công ty có xu hướng cắt giảm nhân sự, cho nhân viên làm việc tại nhà và giảm lương, thưởng… thì tiền tiết kiệm chính là chiếc “phao cứu sinh” giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ thời gian tìm được công việc mới.

Cắt giảm các gói dịch vụ tháng không cần thiết

Nếu như bạn đang dùng cùng lúc 3 nền tảng xem phim trực tuyến nhưng chỉ dùng nhiều nhất 1 nền tảng, thì hãy mạnh dạn cắt giảm 2 gói dịch vụ kia đi. Đây cũng là một trong nhiều cách tiết kiệm hiệu quả khi kinh tế khó khăn.

Để tránh việc tiền của bạn “đội nón ra đi” một cách âm thầm, lặng lẽ và thụ động, hãy rà soát loại toàn bộ các gói dịch vụ mình đang sử dụng, từ các nền tảng giải trí cho tới những tiện ích… và loại bỏ lập tức những gì đã lâu không dùng hoặc ít khi sử dụng.

Đặt hạn mức cho từng khoản chi tiêu

Đây là hành động vô cùng cần thiết để quản lý tài chính cá nhân. Ngay khi nhận được lương, bạn hãy đặt ra hạn mức chi tiêu cho từng khoản, sao cho không vượt quá tổng thu nhập hàng tháng. Nguyên tắc tỉ lệ 50-30-20 là nguyên tắc chi tiêu được các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên dùng. Theo đó, bạn sẽ chi tiêu những khoản cơ bản, cần thiết nhất trong khoảng 50% thu nhập, 30% còn lại dành cho những điều bạn thích, còn 20% dùng để trả các khoản nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư.

Dù bạn giàu hay nghèo, hãy học cách chi tiêu thông minh để vượt qua mọi biến động của xã hội - Ảnh 4

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, việc thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những khoản chi không cần thiết và tiết kiệm nhiều hơn sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn. Chỉ cần quản trị tài chính cá nhân một cách thông minh, bạn sẽ bớt được áp lực về tiền bạc và sẵn sàng để đối mặt với rủi ro nếu có.