Ngày pháp luật

Dragon Capital đổi khẩu vị cổ phiếu bất động sản: Ồ ạt bán midcap và mua vào bluechip

Theo Vietnambiz

Theo ghi nhận, kể từ đầu năm đến nay, nhóm quĩ Dragon Capital đã liên tục bán ra cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình như SJS, PC1, CRE, HDG, NBB. Ngoài nhóm bất động sản, nhóm Dragon Capital cũng xả nhiều mã midcap khác như FRT, NKG, TDM.

Dragon liên tục thoái cổ phiếu midcap nhóm bất động sản

Cổ phiếu bất động sản là nhóm cổ phiếu ưa thích của nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ ngoại. Đơn cử, tính đến ngày 10/9, quỹ tỷ đô do Dragon Capital quản lí phân bổ 27,29% danh mục đầu tư có giá trị hơn 1,4 tỷ USD vào nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến giao dịch kể từ đầu năm cho thấy nhóm quỹ Dragon Capital đang có sự thay đổi khẩu vị cổ phiếu bất động sản khi bán ra nhiều mã vốn trung bình và gia tăng tỷ lệ sở hữu bluechip.

Tháng 2 năm nay, nhóm Dragon Capital bán toàn bộ hơn 7 triệu cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico). Trong đó, quỹ VEIL bán ra hơn 2,1 triệu cổ phiếu SJS (tỷ lệ 1,86%).

Cơ cấu danh mục theo ngành của quỹ VEIL
Cơ cấu danh mục theo ngành của quỹ VEIL

Cuối tháng 4, quỹ VEIL thông báo bán 2,5 triệu cổ phiếu CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, Mã: CRE) trong phiên 24/4. Sau giao dịch, số lượng cổ phần sở hữu của VEIL giảm xuống còn 2,82 triệu cp, tương đương 3,525% vốn điều lệ của Cenland. 

Tổng cộng, nhóm Dragon Capital nắm giữ hơn 3,9 triệu cổ phiếu CRE, tương đương 4,8762% vốn điều lệ của Cenland. Với việc không còn là cổ đông lớn, nhóm quỹ Dragon Capital không có nghĩa vụ công bố thông tin trong các đợt giao dịch sau đó.

Giữa tháng 5, nhóm Dragon Capital tiếp tục bán ra 23 triệu cổ phiếu PC1 với giá trị khoảng 470 tỷ đồng. Giao dịch này tương đương 14,46% vốn điều lệ của CP Xây lắp điện 1. Trong thương vụ, VEIL tiếp tục đóng vai trò chính khi bán ra 17,5 triệu cổ phiếu PC1 (tương đương 11,01% vốn điều lệ PC1).

Khác với đợt thoái vốn trước đó, tổ chức mua vào cổ phần do Dragon Capital bán ra không rõ danh tính. Nhưng trong thương vụ thoái PC1, phía mua vào là Công ty Cổ phần BEHS. BEHS được thành lập vào ngày 4/5, trước một tuần giao dịch thỏa thuận cổ phiếu PC1 với nhóm Dragon Capital và có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, thông tin về đăng kí thuế của BEHS đại diện kế toán trưởng/phụ trách kế toán là Nguyễn Ngọc Thu, với địa chỉ email đăng kí nhận thông báo thuế gắn với BIM group. Điều này khiến không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu BIM Group đã lập công ty con để mua cổ phần của Xây lắp điện I.

Chưa dừng lại, đầu tháng 8, nhóm Dragon Capital bán 1,65 triệu cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô, giảm số lượng cổ phần sở hữu xuống còn hơn 7,6 triệu cp, tương đương 4,96% vốn điều lệ của Hà Đô.

Theo ghi nhận, hoạt động thoái vốn của quỹ ngoại lớn nhất thị trường tại Hà Đô đã liên tục diễn ra kể từ cuối tháng 4 năm nay. Sau hơn 3 tháng, nhóm Dragon Capital bán tổng cộng hơn 6,6 triệu cổ phiếu HDG và không còn là cổ đông lớn của Hà Đô.

Gần đây nhất, nhóm quỹ Dragon thông báo không còn là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB). Cụ thể, trong phiên 17/9, nhóm quỹ bán ra 710.000 cp, giảm lượng cổ phần sở hữu còn gần 4,2 triệu cp, tương đương gần 4,5% vốn của Năm Bảy Bảy.

Hoạt động thoái vốn của nhóm quỹ được thực hiện liên tục trước đó và Dragon Capital đã bán gần 3,8 triệu cổ phiếu NBB. quỹ thành viên VEIL đã thoái toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ.

Như vậy, kể từ đầu năm nay, nhóm Dragon Capital đã liên tục bán ra các cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình như SJS, PC1, CRE, HDG, NBB. Cùng với đó, nhóm quỹ này còn hạ tỷ trọng của các mã bất động sản khác như DXG, KDH.

Ngoài nhóm bất động sản, nhóm Dragon Capital cũng thu gọn danh mục bằng việc thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khác như FPT Retail (Mã: FRT), Thép Nam Kim (Mã: NKG), Nước Thủ Dầu Một (Mã: TDM).

Bán nhiều midcap, Dragon Capital phân bổ vào bluechip bất động sản

Song song động thái bán hạ tỷ trọng cổ phiếu midcap ngành bất động sản, Dragon Capital phân bổ danh mục nhiều hơn vào bluechip ngành này. Điển hình là mã VHM của Vinhomes. 

Kể từ đầu năm, tỷ trọng của mã VHM của Vinhomes tăng mạnh trong danh mục của quỹ VEIL. Cập nhật gần nhất, tại ngày 10/9, tỷ trọng của mã VHM trong danh mục của VEIL là 9,72% (thị giá 78.100 đồng/cp). Đầu năm nay, tỷ trọng của cổ phiếu này là 7,89% (giá 84.900 đồng/cp). Ước tính quỹ VEIL đã mua vào khoảng 5 triệu cổ phiếu VHM.

Ngoài VHM, Top10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL còn mã bất động sản khác là KDH của Nhà Khang Điền.

Top10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của VEIL tại ngày 10/9.
Top10 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục của VEIL tại ngày 10/9.

Bình luận về động thái của Dragon Capital, một chuyên gia trên thị trường cho biết việc nắm giữ danh mục dàn trải giúp quỹ khó quản lí danh mục và theo dõi diễn biến của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi qui mô quỹ lớn dần theo thời gian thì việc phân bổ vào các mã midcap sẽ không hợp lí với vị thế của "cá mập" với NAV lớn nhất thị trường.

Cũng theo vị chuyên gia này, động thái bán hạ tỷ trọng các mã midcap nhóm bất động sản và chuyển sang mã bluechip cũng có thể liên quan đến việc đánh giá lại hoạt động cốt lõi đặc biệt là tiềm năng về quỹ đất của doanh nghiệp. Đơn cử, với mã HDG, hoạt động kinh doanh của Hà Đô chủ yếu mảng năng lượng tái tạo chứ không còn đẩy mạnh bất động sản như trước. 

Song song với đó, Sau khi ra mắt ETF mới dựa trên VN Diamond vào tháng 5, Dragon Capital cũng tập trung phát triển quỹ hoán đổi danh mục này. Minh chứng bằng việc qui mô liên tục gia tăng. Một quỹ mới do Dragon Capital quản lí CTBC Vietnam Equity Fund (Đài Loan) đã giải ngân mạnh vào VFMVN DIAMOND ETF.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục