Ngày pháp luật

Các công ty chứng khoán nội bết bát được “sang tay” cho những nhà đầu tư Hàn Quốc

Quỳnh Chi

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thâu tóm liên tiếp 2 công ty chứng khoán Việt Nam.

Các công ty chứng khoán nội bết bát được “sang tay” cho những nhà đầu tư Hàn Quốc

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa chấp thuận giao dịch thay đổi quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Chứng khoán SJC (SJCS). Số lượng cổ phần chuyển nhượng từ phía 11 nhà đầu tư trong nước là 3,445 triệu cổ phiếu, tương đương 65,01% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC. 

Bên nhận chuyển nhượng là Asam Asset Management Co. Ltd - tổ chức đến từ Hàn Quốc. Giá trị thương vụ chuyển nhượng không được tiết lộ.

Sau thương vụ chuyển nhượng, Asam Asset Management sở hữu hơn 80% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC và dự kiến tăng vốn điều lệ công ty này. Trước đó chứng khoán SJC từng có tham vọng nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng nhưng bất thành.

Asam Asset Management vừa nhận chuyển nhượng hơn 65% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC
Asam Asset Management vừa nhận chuyển nhượng hơn 65% vốn điều lệ của Chứng khoán SJC

Asam Asset Management được thành lập năm 1996 tại Hàn Quốc, đang quản lý khối tài sản 310 tỷ Won (270 triệu đô la). Tổ chức này hiện diện tại Việt Nam từ tháng 4/2018, chuyên thực hiện các nghiệp vụ nghiên cứu, phân tích, tư vấn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về phần SJCS, công ty này được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ là 53 tỷ đồng, song hoạt động tương đối ảm đạm. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Chứng khoán SJC là 36,9 tỷ đồng, mức lỗ lũy kế ghi nhận thời điểm đó gần 17,8 ttr đồng. Nửa đầu năm 2020, SJCS lỗ 1,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 21 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Hàn Quốc, các thành viên trong ban lãnh đạo SJCS đã từ nhiệm và được thay thế bởi các thành viên đến từ Asam Asset Management. Chức vụ Tổng giám đốc của ông Vũ Cao Trung được thay thế bởi bà Nguyễn Diễm Ly. Hội đồng quản trị cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch của ông Nguyễn Văn Liêm và bổ nhiệm ông Kim Kwan Kyoon (sinh năm 1961).

Trước đó, cuối tháng 8, một nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc là The Kwangju Bank, Ltd cũng mua đứt Công ty chứng khoán Morgan Stanley Gateway (MSGS). Sau khi hoàn tất thương vụ, Kwangju Bank đổi tên công ty này thành Chứng khoán JB và cho biết sẽ tăng vốn gấp đôi lên 600 tỷ đồng. 

Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của 8 công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc. Bao gồm Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân là Công ty chứng khoán HFT), Chứng khoán KB Việt Nam (mua lại Công ty chứng khoán Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (đổi tên từ Công ty Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân là Công ty chứng khoán Woori CBV) và 2 thương vụ mới đây gồm Công ty Chứng khoán JB Việt NamCông ty Chứng khoán SJCS.

Sau loạt thương vụ thâu tóm, đến cuối năm 2019, cả 4 công ty chứng khoán lớn nhất Hàn Quốc đều đã hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam gồm Mirae Asset, NH Securities and Investment, KB Securities và Korea Investment and Securities. Tính đến ngày 30/6, Mirae Asset Việt Nam là công ty chứng khoán dẫn đầu về giá trị cho vay margin tại Việt Nam.

Đặc điểm chung sau các thương vụ thâu tóm đó là các đại gia từ Hàn Quốc sẽ đổi tên công ty chứng khoán ngay sau đó và tiến hành tăng vốn điều lệ. Trái ngược với tình trạng khó khăn trong việc tăng vốn của các công ty chứng khoán nội, việc tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng được các công ty chứng khoán Hàn Quốc tiến hành một cách dễ dàng.

Tin Cùng Chuyên Mục